Hạm đội 7 Mỹ và cuộc chiến ở Biển Đông
> Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II)
> Mỹ tác chiến không-hải ở Biển Đông như thế nào?
TPO-Cuộc chiến tranh phức tạp, kéo dài với những tổn thất nặng nề của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam có những giá trị vô cùng to lớn cả về ý nghĩa chính trị lẫn các bài học kinh nghiệm về tổ chức và điều hành tác chiến trong chiến tranh hiện đại.
Phương thức tác chiến Biển – Đất liền được quân đội Mỹ đưa ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và từ những bài học đẫm máu và tổn thất, đã hình thành những khái niệm cho tác chiến hiện đại ngày nay. Từ góc nhìn kỹ chiến thuật, cần có những nghiên cứu khoa học nhằm nắm bắt được những hoạt động cụ thể của các lực lượng hải quân Mỹ ở chiến trường Miền Nam để có thể phác thảo một mô hình tác chiến hiện đại ngày nay.
Một nhiệm vụ quan trọng trong những hoạt động tác chiến của Hạm đội 7 là chi viện và yểm trợ hỏa lực không quân và hải quân cho các lực lượng bộ binh Mỹ tác chiến trên đất liền. Để thực hiện nhiệm vụ ngày, ACTF-77 đã sử dụng không quân hải quân (KQHQ), không quân của lính thủy đánh bộ (LTĐB) và các chiến hạm pháo binh – tên lửa. Những nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực của ACTF-77 được tiến hành mạnh mẽ nhất trong giai đoạn năm 1965 — 1966, khi các sân bay chiến thuật của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam chưa được hoàn thành và chỉ có một số sân bay quan trọng đã có sẵn được sử dụng. Ngoài ra, lực lượng LTĐB Mỹ rất tin tưởng vào lực lượng KQHQ trên Biển Đông về khả năng chi viện kịp thời của hỏa lực pháo hạm và máy bay.
KQHQ của ACTF-77 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chi viện cho bộ binh trên chiến trường miền Nam Việt Nam vào tháng 4.1965. Để thực hiện nhiệm vụ này, một cụm tàu sân bay và chiến hạm pháo hạm đi cùng đã được triển khai tại vùng nước phía Nam Việt Nam. Khu vực tác chiến của cụm chiến hạm chi viện hỏa lực phía Nam được đặt tên là "Dixie", phân chia thành hai vùng chiến thuật, trên các vùng chiến thuật này, các cụm tàu sân bay nhỏ hơn cơ động sát bờ biển của miền Nam Việt Nam trên khoảng cách đến 40 hải lý.
Máy bay KQHQ Mỹ phóng tên lửa không điều khiển ở chiến trường Việt Nam.
Do đặc điểm địa hình của chiến trường Miền Nam Việt Nam, cũng như các hoạt động tác chiến của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam sử dụng chủ yếu là chiến thuật du kích, KQHQ Mỹ tham gia tác chiến ở Miền Nam thường là các phi đội không quân nhỏ và tác chiến chủ yếu ban ngày, nhưng do cường độ cuộc chiến càng ngày càng tăng do đó, KQHQ Mỹ phải tác chiến cả vào ban đêm và dần dần, số lượt không kích ban đêm tăng đến 40% tổng số lần xuất kích. Mỗi lần xuất kích không kích chiến trường Miền Nam Việt Nam, tàu sân bay phải quay mũi tàu về hướng gió và tăng tốc độ hải hành, song song cùng với việc máy bay chiến đấu cất cánh khỏi boong tàu, phải có hai máy bay trực thăng cứu hộ cất cánh và cơ động sẵn sàng ở bên phải và bên trái hàng không mẫu hạm ở độ cao 50 m và cách tàu khoảng 5 sải.
Máy bay cất cánh theo trình tự từng chiếc một, sử dụng máy phóng máy bay. Giãn cách mỗi lần phóng máy bay ban ngày khoảng 1 phút, ban đêm là 1 phút 30 giây. Các máy bay được cất cánh đầu tiên theo trình tự là máy bay chỉ huy trên không AWACS, máy bay tác chiến điện tử, máy bay trinh sát đường không, máy bay tiêm kích và cuối cùng là máy bay cường kích ném bom. Khác hẳn những bộ phim chiến tranh của Holywood, quá trình cất hạ cánh máy bay trên tàu sân bay rất phức tạp và tốn kém. Thời gian cho một phi đoàn cất cánh chiếm khoảng 40 phút. Sau khi cất cánh khỏi tàu sân bay, máy bay lấy độ cao từ 1500 — 2500 m, tổ chức đội hình chiến đấu và bay về khu vực thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Trên đường bay đến mục tiêu, các tốp máy bay chiến đấu bay với tốc độ khoảng 900 km/h và độ cao là 5.000m. Đội hình bay thông thường là của các tốp máy bay là hình chữ V, hình vòng cung và hàng ngang, bay phía trước bao giờ cũng là máy bay trinh sát và máy bay tiêm kích. Đội hình tác chiến có bình diện rộng khoảng 1.300 m và độ dài đến 1.500 m cho một tốp máy bay chiến đấu.
Máy bay KQHQ Mỹ bay yểm trợ hỏa lực trên chiến trường.
Do hỏa lực phòng không của Quân Giải phóng tương đối yếu, nhất là chiến trường Miền Nam Nam Bộ, các máy bay cường kích Mỹ có khả năng tác chiến tương đối thoải mái hơn. Các máy bay cường kích thường ném bom với góc bổ nhào khoảng 70 – 80 độ hoặc ném bom trên mặt phẳng ngang hoặc khi bắt đầu lấy độ cao bay lên. Ném bom theo đội hình biên đội hai chiếc và khoảng cách ném bom giữa các máy bay là 450 m, khoảng cách bay giữa các biên đội là từ 10 – 15 giây. Máy bay KQHQ thoát ly bổ nhào ở độ cao khoảng 800—1.000 m, khi phát hiện không có dấu hiệu lực lượng phòng không mạnh, máy bay Mỹ thường lượn hình vòng cung, lần lượt bổ nhào ở góc hướng là 45 độ.
Một số máy bay còn lượn và bổ nhào tấn công bằng bom, rockets và súng máy từ 2 đến 3 lần. Máy bay thoát ly chiến đấu ở độ cao từ 200 – 300 m, một số phi công Mỹ đã phải trả giá cho sự ngạo mạn của mình do ở độ cao này, máy bay rất dễ bị bắn hạ bởi súng máy phòng không 12,7 mm. Chỉ đến năm 1972 , trên chiến trường xuất hiện các tên lửa vác vai Strela – 2. Các phi công Mỹ mới chấm dứt cách yểm trợ hỏa lực cũ. Các máy bay Mỹ quay trở về tàu sân bay trên độ cao từ 800 – 3.000m theo đội hình biên đội hoặc các nhóm nhỏ, trong nhiều trường hợp bay về theo từng chiếc. Nhịp độ hạ cánh trung bình ban ngày là từ 1-1,5 phút, ban đêm đến 3 phút.
Điều kiện chiến trường Miền Nam Việt Nam theo thời gian biến động nhanh, tình huống chiến trường liên tục thay đổi đồng thời với các vùng chiến thuật đan xen phức tạp đã buộc người Mỹ phải thay đổi các phương thức tác chiến cổ điển. Hỏa lực theo yêu cầu là một phương thức tác chiến nhanh nhạy nhất thời điểm lúc đó nhằm cứu binh lính Mỹ trong các trận tập kích, phục kích bất ngờ không có chuẩn bị. Yểm trợ hỏa lực được coi là có hiệu quả, khi máy bay chiến thuật tiếp cận khu vực chiến sự từ 10 – 15 phút sau khi có yêu cầu. Để có được khả năng phản ứng nhanh khi có yêu cầu hỏa lực từ tuyến chiến đấu, thông tin liên lạc giữa LTĐB và KQHQ trên các tàu sân bay được tổ chức theo các kênh liên lạc đặc biệt.
Đồng thời Mỹ đẩy nhanh quá trình xây dựng các sân bay dã chiến phản ứng nhanh. Năm 1965, gần căn cứ Chu Lai chỉ trong vòng 30 ngày công binh Mỹ đã xây dựng được sân bay dã chiến 1 đường băng với các tấm nhôm hợp kim lắp ghép. Đến tháng 10. 1966, Công binh Mỹ đã xây dựng xong một sân bay chiến đấu với đường cất hạ cánh bê tông nhằm giảm tải cho các tàu sân bay trên biển Đông. Cũng vì xu hướng phản ứng nhanh đó, ở Miền Nam Việt Nam, Mỹ đã xây dựng hàng loạt sân bay dã chiến theo mô hình sân bay chiến đấu Chu Lai.
Hoạt động của KQHQ Mỹ trên chiến trường Miền Nam nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh liên quân Mỹ ở Việt Nam thông qua bộ tư lệnh tập đoàn không quân Mỹ số 7. Trong một thời gian ngắn, Mỹ đã tổ chức một hệ thống các cơ quan liên quan điều hành lực lượng không quân và KQHQ hỗn hợp trên toàn bộ chiến trường Miền Nam, bao gồm các trung tâm trực tiếp yểm trợ hỏa lực, trung tâm điều hành tác chiến và cảnh báo sớm, các trạm dẫn đường mặt đất và trên không. Cơ cấu tổ chức tác chiến đường không của Mỹ ở chiến trường Miền Nam rất chặt chẽ và có phản ứng rất nhanh chóng, vì thế người Mỹ đã giảm thiểu được khá nhiều tổn thất khi các cuộc hành quân của Mỹ chạm súng với Quân Giải Phóng Miền Nam.
Yểm trợ hỏa lực đường không của KQHQ Mỹ bao gồm có yểm trợ trực tiếp và yểm trợ chung. Tổ chức yểm trợ hỏa lực trực tiếp được hình thành từ năm 1965 do thực tế, binh lính Mỹ không đối phó được những đợt tấn công quyết liệt của Quân Giải phóng. Máy bay chiến đấu hoạt động theo yêu cầu hỏa lực của bộ binh chiến trường khi đang thực hiện nhiệm vụ trực chiến trên đường băng. Để tăng cường hiệu quả yểm trợ hỏa lực, đến cuối năm 1965, máy bay yểm trợ chuyển từ trạng thái hoạt động theo yêu cầu từ “trực chiến trên đường băng” thành “trực chiến trên không”, bằng phương pháp này đã rút được thời gian tiếp cận khu vực chiến sự cần chi viện hỏa lực và không kích kịp thời hơn.
Đến năm 1966, số lượng các cuộc không kích từ trạng thái “trực chiến trên không” chiếm đến 50 %. Dẫn đường máy bay đến khu vực chiến sự là các trạm dẫn đường và kiểm soát kết quả tấn công. Mỗi tiểu đoàn bộ binh hoặc LTĐB có một quân nhân thực hiện nhiệm vụ dẫn đường và chỉ thị mục tiêu. Bằng các trang thiết bị trinh sát và liên lạc, trạm dẫn đường và chỉ thị mục tiêu 1 người có mặt trực tiếp trên tuyến chiến đấu. Trách nhiệm của trinh sát dẫn đường KQHQ là yêu cầu yểm trợ hỏa lực không quân theo kế hoạch tác chiến và theo yêu cầu tình huống, tư vấn và kiến nghị chỉ huy trưởng tiểu đoàn về các vấn đề liên quan đến sử dụng lực lượng không quân yểm trợ hỏa lực, dẫn đường máy bay đến mục tiêu và thông báo kết quả tập kích đường không.
Trinh sát dẫn đường KQ yểm trợ hỏa lực có đường thông tin liên lạc trực tiếp với trung tâm điều hành tác chiến theo yêu cầu của không quân Mỹ, ban tham mưu sư đoàn (lữ đoàn) quân đội Mỹ và các máy bay đang trực chiến trên không. Yêu cầu yểm trợ hỏa lực cho bộ binh được truyền qua trung tâm yểm trợ hỏa lực không quân. Trong giai đoạn căng thẳng của chiến trường, khi các trận tấn công vào quân đội Mỹ có cường độ và tần suất cao, người Mỹ đã thành lập thêm trung tâm điều hành tác chiến lực lượng không quân trực thăng chiến đấu. Trong điều kiện cơ cấu tổ chức hoạt động thông suốt và nhanh nhạy, từ thời điểm yêu cầu hỏa lực đến thời điểm máy bay bắt đầu tấn công yểm trợ, thời gian kỷ lục là 10 phút.
Yểm trợ hỏa lực chung thông thường được lên kế hoạch trong các cuộc hành quân “tìm và diệt” hoặc các cuộc hành quân càn quét khác. Yểm trợ hỏa lực chung thường được tiến hành theo kế hoạch đã được đề ra trước theo những yêu cầu của cơ quan chỉ huy lực lượng bộ binh. KQHQ Mỹ tiến hành các hoạt động từ trạng thái “trực chiến trên đường băng”. Các đòn tập kích đường không có thể thực hiện theo chị thị dẫn đường của các trinh sát dẫn đường KQ hoặc không có các chỉ dẫn tại khu vực không kích. Trong một số trường hợp đặc biệt, phi công bay theo chế độ “tự do không kích” mục tiêu, các trường hợp này thường ở Đồng bằng Sông Cửu Long hoặc Miền Tây Nam Bộ.
Chiến trường Miền Nam Việt Nam cũng là lần đầu tiên không quân Mỹ sử dụng dẫn đường cho không quân Mỹ tấn công mục tiêu bằng các đầu phát tín hiệu radio (ADSID). Các thông tin được thu thập và sử lý trong các máy tính điện tử trên các máy bay cường kích như A 6 "Intruder", xác định chính xác khu vực mục tiên và tấn công ngay cả trong điều kiện tối trời hoặc điều kiện khí tượng tầm nhìn thấp. Các máy bay này thông thường thực hiện nhiệm vụ theo “yêu cầu”. Các máy bay khác không được trang bị máy tính điện tử trên máy bay, thường hoạt động theo kế hoạch tác chiến.
Ngoài việc sử dụng không quân làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực. Hải quân Mỹ thành lập cụm chiến hạm yểm trợ hỏa lực 70.8 có tới 15 tàu chiến tên lửa – pháo hạm khác nhau. Thường được gọi là nhóm tàu 70.8, trong nhóm tàu này được biên chế một tuần dương pháo hạm hạng nặng (battleship), 2- 3 tàu tuần dương, khoảng 10 tàu khu trục và hộ tống hạm (frigates). Khi tình hình các cuộc tiến công chiến lược của Giải phóng quân tăng lên, số lượng các chiến hạm yểm trợ hỏa lực cũng tăng.
Do chiến trường Việt Nam là chiến trường đan xen da báo, không tồn tại các chiến tuyến rõ ràng do đó hải quân Mỹ phải điều động từ 2 – 3 chiến hạm đến khu vực chiến sự. Hỏa lực pháo hạm chủ yếu tấn công các trận địa phòng không, các đường giao thông trên bộ, khu vực nghi ngờ tập trung lực lượng (khu vực tập kết) vị trí các đài chỉ huy và kho tàng của đối phương.
Thực hiện nhiệm vụ yểm trợ, các pháo hạm tiến hành tập kích hỏa lực trên khoảng cách từ 9 -11 km so với bờ biển. Nhưng từ năm 1967, khi pháo binh bờ biển của Quân Giải phóng bắt đầu tấn công các chiến hạm, thì khu vực tác chiến yểm trợ hỏa lực của các chiến hạm tăng lên từ 10 — 20 km. Các chiến hạm, được trao bị các tổ hợp pháo 127 mm và tên lửa không điều khiển (rockets) tiến hành yểm trợ hỏa lực pháo kích từ khoảng cách 25 đến 30 km. Sau khi chiến hạm chiếm vị trí chiến đấu, thuyền trưởng kết nối liên lạc với đài quan sát và chỉ thị mục tiêu trên tàu. Từ đài quan sát trên chiến hạm, thông tin về số hiệu mục tiêu, tính chất mục tiêu, tọa độ mục tiêu, số lượng đạn cần thiết và thời gian tiêu diệt mục tiêu.
Mỹ cũng thực hiện các cuộc đổ bộ biệt kích vào hậu phương chiến trường của Quân Giải phóng bằng phương pháp nhảy dù hay đổ bộ bằng trực thăng để xác định tọa độ mục tiêu, dẫn đường cho hỏa lực pháo hạm. Các khẩu đội trên tàu thông thường bắn chỉnh pháo khoảng từ 2 -4 viên đạn, sau đó hỏa lực dồn dập tiêu diệt mục tiêu. Pháo kích thường được tiến hành khi tàu đang chạy với tốc độ chậm, đang neo đậu hoặc đang thả trôi. Đối với các mục tiêu ven bờ biển được nghi ngờ là pháo binh, các chiến hạm Mỹ tiến hành pháo kích với tốc độ chậm, thay đổi là 10 – 12 knots.
Trong trường hợp bị phản kích bởi pháo bờ biển, các chiến hạm dừng pháo kích và quay mũi, tăng tốc độ lên đến 30 knots, bắn đạn khói tạo màn ngụy trang, triển khai hỏa lực phía đuôi tàu và rút lui ra xa bờ. Đồng thời từ đài chỉ huy sẽ yêu cầu yểm trợ hỏa lực không quân, sau từ 5 – 6 phút, các máy bay cường kích Mỹ sẽ tiến công các trận địa pháo binh ven biển. Thực hiện phương thức tác chiến này theo phương án yểm trợ Không Hải, khi chiến hạm thực hiện pháo kích bờ biển, trong khu vực tác chiến, các máy bay cường kích sẽ bay cơ động trực sẵn sàng chiến đấu. Trên các chiến hạm đều có cac trinh sát dẫn đường không quân và chỉ thị mục tiêu. Các máy bay chiến đấu của LTĐB Mỹ trong các trường hợp yểm trợ hỏa lực theo yêu cầu thường đến trong vòng 30 phút, do đó hiệu quả tác chiến rất thấp.
Do lực lượng Quân Giải phóng không có các khẩu đội pháo binh bờ biển cỡ nòng lớn và tầm bắn xa, do đó các pháo hạm của Mỹ chỉ bị hư hỏng nhẹ từ các đòn pháo kích đáp trả. Nhưng hải quân Mỹ cũng có những thiệt hại đáng kể trong tác chiến Biển chống Bờ biển. Trong một trận pháo kích bờ biển của Hải quân Mỹ tại khu vực Hòn La, tàu khu trục Mỹ "Warrington" lúc 1h 16 phút sáng ngày 15.6.1972 đã trúng hai quả thủy lôi của Mỹ.
Vụ nổ quả thứ nhất đã đánh trúng khu vực tháp pháo mũi tàu. Tàu bị một va đập cực mạnh: một phần vỏ tàu bị ép vào phía bên trong khung xương chịu lực đến 40 em space (tỷ phần 40 diện tích mặt sườn). Các thanh ram chịu lực vị uốn cong và vặn xoắn, các tấm vách ngăn thấm nước phần mũi tàu bị phá vỡ. Các bộ phận cơ khí máy móc bị hư hỏng năng, các bộ giảm tốc máy tàu bị đẩy ra khỏi vị trí, các đường ống dẫn khác nhau bị đứt gãy và bị xé toác, các bộ phận cơ khí hỗ trợ bị bật khỏi chân đế ở phía mũi tàu. Tàu "Warrington" chạy được thêm 200 m nữa theo quán tính thì vụ nổ thứ hai đánh trúng thân tầu, phá vỡ một số miếng vỏ tàu và nước chảy vào hầm tàu. Kết quả là toàn bộ các bộ phận cơ khí trên tầu, các trang thiết bị điện, điện tử radar, thông tin liên lạc đều bị phá hỏng nặng nề.
Khu trục hạm "Warrington".
Khu trục hạm "Warrington" hoàn toàn mất khả năng cơ động và được kéo về Vịnh Subic Bay thuộc Philiphines để khảo sát. Cũng trong ngày đó, tư lệnh trưởng hạm đội 7 đô đốc Holloway, đang ở vị trí chỉ huy trên tuần dương hạm "Newport News" ra mệnh lệnh: “ tất cả các chiến hạm ở khu vực Biển Đông tạm thời cấm không được tiến gần bở biển quá 3 hải lý” Đoàn thanh tra kỹ thuật sau khi kiểm tra đã xác định, tàu khu trục đã bị trúng hai quả thủy lôi Mỹ Mk 36, rơi vô tình do một chiếc máy bay cường kích Skyhawk nào đó ném ra trong giai đoạn phong tỏa bờ biển phía Bắc Việt Nam. Sau khi kiểm tra thật kỹ tình trạng kỹ thuật hỏng hóc của tàu, đoàn thanh tra đi đến kết luận là, hoàn toàn không thể sửa chữa lại được tàu. Theo những tính toán sơ bộ, sửa chữa lại tàu sẽ đắt gấp đôi việc đóng mới một chiến hạm tương đương. Khu trục hạm "Warrington" bị đưa vào sắt vụn.
Hỏa lực pháo hạm yểm trợ lực lượng bộ binh được chia ra thành hỏa lực yểm trợ tầm gần và hỏa lực tầm xa, hỏa lực yểm trợ tầm gần là hỏa lực bắn theo yêu cầu, cách chiến hào của lính Mỹ không gần hơn 50 m. Hỏa lực tầm xa được tiến hành trong tầm bắn xa nhất của pháo binh nhằm pháo kích các mục tiêu theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu. Các pháo hạm thưởng hoạt động mạnh trong điều kiện thời tiết xấu, không thuận lợi cho sử dụng không quân.
Từ kinh nghiệm của chiến tranh Việt Nam cho thấy, có nhiều giai đoạn Mỹ muốn thay hỏa lực pháo binh bằng tên lửa, nhưng để yểm trợ lực lượng bộ binh ven biển và sâu trong đất liền, hiệu quả tác chiến hoàn toàn không cao. Đặc biệt khi đổ bộ đánh chiếm bàn đạp tấn công vào sâu trong đất liền, không có hỏa lực tên lửa nào thay thế được pháo hạm. Ưu thế của pháo binh thể hiện ở khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng pháo kích trong mọi điều kiện thời tiết và tình huống chiến trường, có thể tác chiến thời gian dài, tốc độ hỏa lực cao và số lượng đạn lớn. Đồng thời có khả năng chống nhiễu rất tốt và rất chính xác. Giá thành của pháo binh chiến hạm cũng rẻ hơn nhiều lần so với tên lửa.
Hỏa lực yểm trợ bộ binh của pháo binh chiến hạm và KQHQ là hỏa lực chiến trường chủ yếu của bộ binh và LTĐB Mỹ, bộ tham mưu liên quân chiến trường Mỹ ở Việt Nam đã có những cố gắng liên kết phối hợp 2 lực lượng hỏa lực để tiêu diệt mục tiêu. Cũng có một số trường hợp ACTF-77 và cụm chiến hạm pháo binh số 70.8 liên kết phối hợp hiệu quả. Trong điều kiện phòng ngự, tác chiến tập trung trong một hệ chỉ huy điều hành thống nhất, phối hợp hai đơn vị hỏa lực đã tạo ra ưu thế mạnh mẽ chế áp một khu vực chiến trường.
Từ những kinh nghiệm tác chiến của Hải quân Mỹ trên Biển Đông, có thể nhận thấy, tác chiến Biển – Đất liền là một trong những phương thức tác chiến hiện đại và rất phức tạp trong công tác chỉ huy điều hành, liên kết phối hợp và ứng dụng khoa học công nghệ. Thực tế, Mỹ đã có rất nhiều những nỗ lực trong tác chiến biển – đất liền và có ưu thế rất mạnh về vũ khí trang bị, khoa học công nghệ và phương tiện chiến tranh. Phương thức tác chiến cũng thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy tốt. Sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thảm bại ở Việt Nam không nằm trong yếu tố kỹ chiến thuật tác chiến và tiềm lực chiến tranh. Nó nằm trong ý đồ chiến lược và mục đích tiến hành cuộc chiến tranh.
Từ các hoạt động tác chiến Biển – Đất liền của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, có thể tìm thấy được những bài học có giá trị về hệ thống phòng thủ bờ biển, hải đảo, từ đó hình thành thế trận phòng ngự bờ biển hải đảo, cũng như thế trận của chiến tranh nhân dân nhằm bẻ gẫy và đánh bại mọi ý đồ sử dụng công nghệ hiện đại để tiến hành chiến tranh xâm lược, xung đột khu vực…Tác chiến Biển – Đất liền là phương thức tác chiến đòi hỏi trình độ kinh nghiệm, sự hiểu biết và sử dụng tốt các loại vũ khí từ hiện đại đến rất hiện đại, kết hợp với năng lực chỉ huy, điều hành tác chiến và khai thác triệt để công nghệ quân sự ngày nay.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Tư liệu nghiên cứu Bộ quốc phòng Liên Xô