Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II)

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II)
TPO - Trong cuộc chiến đấu chống tác chiến không-hải của Mỹ, có thể chia làm hai giai đoạn của lực lượng phòng không Việt Nam, giai đoạn chưa có tên lửa phòng không và giai đoạn đã được biên chế tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích.

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II)

> Mỹ tác chiến không-hải ở Biển Đông như thế nào? (I)

> 'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung' 

TPO - Trong cuộc chiến đấu chống tác chiến không-hải của Mỹ, có thể chia làm hai giai đoạn của lực lượng phòng không Việt Nam, giai đoạn chưa có tên lửa phòng không và giai đoạn đã được biên chế tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 8.1964 đến đầu năm 1966. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh đường không, lực lượng phòng không Việt Nam chủ yếu là pháo và súng tự động phòng không các cỡ nòng, do đó có những hạn chế rất lớn về khả năng bảo vệ bầu trời trước các đòn tấn công của không quân hải quân Mỹ, các phi công Mỹ hầu như không bị trừng phạt khi tiến hành các trận không kích trên lãnh thổ Việt Nam, số lượng tổn thất của máy bay Mỹ tương đối thấp.

Giai đoạn 2 tính từ 1966 đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của vũ khí và các phương tiện phòng không, bắt đầu là tên lửa phòng không S-75 Dvina, tỷ lệ tổn thất của máy bay Mỹ tăng vọt, đòi hỏi lực lượng không quân và không quân hải quân Mỹ phải có những giải pháp cho những hoạt động tác chiến của không quân Mỹ.

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II) ảnh 1
 

Giai đoạn đầu tiên, khi chưa có sự hiện diện của tên lửa phòng không, để bảo vệ các máy bay cường kích ném bom, không quân hải quân Mỹ chỉ sử dụng một số lượng nhỏ các máy bay tiêm kích theo tỷ lệ 1:5. Máy bay tiêm kích chỉ được phép tấn công các mục tiêu đã được nhận diện. Đội hình chiến đấu bao gồm một số các phi đội, khoảng cách giữa các phi đội không lớn hơn tầm nhìn, khoảng cách giữa các máy bay là 100 – 150 m. Triển khai trong khu vực ném bom được thực hiện trên độ cao từ 5.000 — 7.000 m, ngoài tầm bắn hiệu lực của pháo phòng không. Các đòn tấn công thực hiện trong đội hình hàng dọc, bổ nhào và ném bom từ một hướng xác định (hướng từ phía mặt trời nhằm làm lóa mắt lực lượng phòng không).

Trong những trường hợp ném bom ở khu vực có lực lượng phòng không yếu, máy bay Mỹ tiến hành các đợt ném bom thành nhiều lần. Các hoạt động tác chiến điện tử TCĐT chỉ giới hạn trong khuôn khổ thông báo cho máy bay tấn công chủ lực (cường kích ném bom) và máy bay trinh sát về sự hiện diện của các đài radar pháo binh mặt đất. Đôi khi các tốp máy bay cường kích được sự yểm trợ của các máy bay TCĐT gây nhiễu, các máy bay này không bay vào vùng hỏa lực phòng không.

Lực lượng không quân hải quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của một phòng tham mưu tác chiến (Trung tâm phối hợp hành động) đóng tại Sài Gòn và phòng tham mưu tác chiến của ACTF-77. Trung tâm phối hợp hành động xác định những nhiệm vụ chiến đấu, phòng tham mưu tác chiến của ACTF-77 triển khai kế hoạch và tổ chức công tác đảm bảo trinh sát, hậu cần, dẫn đường, kỹ thuật cho các phi đội không kích đường không. Khi các phi đoàn đã ở trên đường bay đến mục tiêu, công tác chỉ huy bay được thực hiện bởi các đài chỉ huy tiền phương, được bố trí trên các nhóm chiến hạm đang hoạt động ven biển của Việt Nam, bắt đầu từ tháng 11.1965, được bố trí trên máy bay chỉ huy chiến đấu E - 2A "Hawkeye".

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II) ảnh 2
 

Từ tháng 4.1966, để tập trung hỏa lực của không quân trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã phân chia khu vực tác chiến cho Không quân và Không quân Hải quân Mỹ, trong đó không quân hải quân (KQHQ) Mỹ chịu tránh nhiệm vùng ven biển, đơn giản hóa nhiệm vụ chiến đấu của KQHQ Mỹ. Đến 95% tất cả các chuyến bay của KQHQ trên tàu sân bay được đảm bảo bởi máy bay chỉ huy chiến đấu trên không “Nấm” E - 2A "Hawkeye". Trên các máy bay này được lắp đặt bộ khí tài bán tự động phát hiện và nhận dang mục tiêu (ATDS), bao gồm radar phát hiện các vật thể bay AN/SPS-70, tổ hợp khí tài hiển thị tình huống chiến trường trên không và chuyển tải thông tin về hàng không mẫu hạm. Thông thường các máy bay "Hawkeye" bay dọc theo bờ biển Việt Nam trên biển ở độ cao từ 8.000 — 8.500 m.

Máy bay "Hawkeye" được sử dụng như một đài chỉ huy trên không nhằm điều khiển, cảnh báo sớm, đồng thời cũng là trạm hải đăng quang-điện tử di động trên không cho máy bay chiến đấu quay trở lại tàu sân bay. Một chiếc máy bay “Hawkeye” có thể điều khiển một nhóm các phi đội máy bay cường kích tấn công chủ lực và yểm trợ hỏa lực đường không, đảm bảo kỹ thuật điện tử. Để tăng cường hiệu quả các đòn tấn công của KQHQ vào các mục tiêu mặt đất, quân đội Mỹ được phép sử dụng các thông tin của các vệ tinh trên không gian, các thông tin này chủ yếu là thông tin khí tượng và thời tiết. Các điều kiện địa hình khu vực, thời tiết khu vực đóng vai trò quan trọng trong tác chiến đường không. Những trận mưa nhiệt đới, sương mù, trần mây thấp và tốc độ gió mạnh là những tính chất quen thuộc của điều kiện khí tượng thủy văn từ tháng 5 đến tháng 10, không thể sử dụng KQHQ với tần suất cao, đồng thời do những cơn bão lớn hình thành trên Thái Bình dương và trên Biển Đông, các tàu sân bay bắt buộc phải lùi khỏi khu vực cơ động chiến đấu ven bờ.

Sơ đồ hoạt động tác chiến của KQ và KQHQ Mỹ

Sơ đồ hoạt động tác chiến của KQ và KQHQ Mỹ.  

Những phương pháp chủ yếu sử dụng KQHQ tấn công các mục tiêu trên đất liền là đồng loạt và liên tiếp tấn công. Trong những năm đầu tiên của chiến tranh, đặc thù của các đòn tấn công đường không là đồng loạt. Các đòn tập kích được tiến hành đồng thời bởi các phi đội cường kích ném bom, có số lượng từ 30 — 60 máy bay. Phi đội máy bay chế áp hỏa lực pháo binh phòng không có từ 4-6 máy bay và duy trì hỏa lực tập kích từ 1 —2 phút. Tiếp cận mục tiêu được thực hiện bằng đường bay ngắn nhất trên độ cao từ 800 — 1500 m và theo đội hình chủ yếu là chuỗi mắt xích các phi đội.

Khi đến gần mục tiêu, đội hình bay chuyển sang “chuỗi cặp đội” phi đội. Mục tiêu bị tiến công từ một hướng theo trình tự lần lượt tất cả các máy bay, các máy bay cường kích còn lại bay ở chế độ chờ trên các vật chuẩn địa hình của khu vực nằm ngoài khả năng tấn công của pháo phòng không. Tập kích ném bom thường được thực hiện ở độ cao từ 800—1.000 m bằng phương pháp bổ nhào.

Một số sơ đồ đường bay ném của KQHQ Mỹ

Một số sơ đồ đường bay ném của KQHQ Mỹ.  

Sự tăng cường hỏa lực phòng không đa tầm tính từ tháng 4 – 6.1965 đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong hoạt động chiến thuật của KQHQ Mỹ. Các hoạt động tác chiến yểm trợ càng ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong tác chiến đường không, KQHQ Mỹ tổ chức các phi đoàn chiến thuật nghi binh tác chiến có số lượng lớn, tăng cường lực lượng máy bay tiêm kích che chắn và yểm trợ đường không, tăng cường năng lực tác chiến của các đơn vị TCĐT bao gồm có các hoạt động trinh sát, cảnh báo sớm và các hoạt động gây nhiễu điện tử.

Sự tổn thất bởi lực lượng tên lửa trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến việc máy bay khi bay vào khu vực chiến sự phải thực hiện các hoạt động cơ động chống tên lửa. Đội hình chiến đấu của các máy bay được kéo dài, tầm bay của máy bay chiến đấu trong khu vực mục tiêu tăng lên từ 4000 m – 6000 m. Các máy bay chiến đấu tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau. Bom được thả với góc bổ nhào là 50 – 60o. Độ cao ném bom trung bình là từ 3.000 – 3.500 m.

Đầu năm 1965, các phi đội máy bay cường kích ném bom có 6 chiếc, nhưng đến năm 1966 đã giảm xuống còn 4. Số lượng máy bay trong một phi đoàn cường kích ném bom tăng lên từ 15 đến 50 máy bay. Thời gian tập kích đường không kéo dài đến 1 giờ hoặc hơn. Các đội hình công kích thường được sử dụng của KQHQ là hình thoi, hình chữ V và hình vòng cung "Rhombus", "wedge", "bearing", khoảng cách giữa các máy bay và các biên đội được rãn cách đáng kể. Số lượng lực lượng không quân làm nhiệm vụ yểm trợ, chi viện và bảo vệ đường không tính từ năm 1966 nhanh chóng tăng vọt, đạt đến 40% số lượng máy bay tham gia không kích trong một trận không tập. Điều kiện bay cũng trở lên vô cùng khó khăn, khi bay trên đất liền máy bay cường kích phải bay ở độ cao thấp (150 — 300 m) và tầm thấp giới hạn (50 — 100 m). Triển khai đội hình chiến đấu trong khu vực cận mục tiêu được tiến hành ở độ cao 700 đến 8.000 m.

Trong điều kiện tầm nhìn và phát hiện mục tiêu tốt, các máy bay chiến đấu Mỹ tiến hành công kích trên mặt phẳng ngang. Trong một số trường hợp khác, khi tấn công các mục tiêu khó hơn (cầu Hàm Rồng, cầu Long Biên) trên khoảng cách từ 15 – 20 km cách mục tiêu, máy bay ném bom thực hiện động tác kỹ thuật “leo núi” lên độ cao từ (1.200 — 2.000 m) sau đó bổ nhào hoặc cải bằng máy bay và thả bom. Từ đầu năm 1967, các phi công Mỹ chuyển sang các hoạt động chiến đấu ở độ cao trung bình và rải bom khi làm động tác bổ nhào. Số lượng máy bay chi viện hỏa lực, yểm trợ đường không được tăng lên đến 50 — 70% tổng số máy bay tham gia chiến đấu.

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II) ảnh 5
 

Khi phát hiện có tên lửa phòng không phóng lên, các phi công Mỹ làm động tác bẻ lái gấp với góc quay từ 90—180° đồng thời tăng tốc đột ngột. Nhưng không phải lúc nào kỹ năng đó cũng mang lại hiệu quả tránh được tên lửa. Kỹ thuật tránh tên lửa được coi là hiệu quả nhất là khi phát hiện tên lửa, phi công kéo cần lái lấy độ cao đột ngột, hoặc đột ngột giảm độ cao tối thiểu đồng thời khởi động khí tài gây nhiễu tên lửa. Phương pháp này đã cứu được nhiều phi công Mỹ trong các lần bay vào mục tiêu, ví dụ như sử dụng kỹ năng tránh tên lửa này, tháng 8.1967 trong số 16 máy bay Mỹ bị bắn rơi, chỉ có 6 chiếc bị tiêu diệt bằng tên lửa.

Các phi công Mỹ cho rằng đã phát hiện được 249 tên lửa được phóng lên (con số này có thể là do quá nhiều phi công cùng một lúc phát hiện phóng tên lửa) nhưng phi công Mỹ cũng không an toàn lắm trong các kỹ năng tránh tên lửa đã nêu, do còn có hỏa lực phòng không dày đặc ở tầm thấp và máy bay MIG ở tầm cao, hoặc khi tên lửa phóng hai quả liên tiếp (trường hợp thường xuyên). Lấy độ cao đồng thời với rơi vào trận địa phục kích của tên lửa và MIG, hạ xuống tầm thấp, phi công Mỹ khó thoát khỏi lưới lửa hỏa lực các cỡ nòng. Phi công Mỹ coi gặp gỡ với tên lửa SAM – 2 như “nhảy với tử thần”.

Lưới lửa phòng không Việt Nam đã làm rõ vai trò của lực lượng không quân nghi binh Mỹ khi khi tập kích đường không. Trong biên chế của nhóm nghi binh số lượng đạt đến 50% số lượng máy bay cất cánh. Những phi đội nghi binh này hoạt động trên độ cao trung bình hoặc cao, thu hút sự chú ý của lực lượng tên lửa về phía mình, khi phát hiện tên lửa phòng không sẽ tiến hành các kỹ năng tránh tên lửa và bay khỏi khu vực mục tiêu theo các tuyến hành lang đã quy định sẵn. Cũng trong thời gian đó, ở độ cao thấp và từ nhiều hướng khác nhau, các biên đội máy bay cường kích ném bom tiếp cận và tấn công mục tiêu. Thông thường các máy bay cường kích thường bay sát theo địa hình đồi núi hoặc dòng sông để nguy trang và tránh sự phát hiện của radars.

Nhằm giảm thiểu tổn thất và tăng cường hiệu quả tấn công đường không, KQHQ triển khai mạnh mẽ các hoạt động gây nhiễu tích cực và thụ động, đồng thời quyết liệt tấn công các trận địa tên lửa. Nhiễu chủ động thường là nhiễu loạn âm thanh (có định hướng và nhiễu ngăn chặn), nhiễu điều tiết theo biên độ phát xung radars, nhiễu phản xung (phát theo tầm xa và góc phương vị tọa độ). Nhiễu thụ động là các loại nhiễu phản xạ lưỡng cực được chế tạo từ các băng dây kim loại nhôm dẻo ( có kích thước từ 2,5 – 1200 cm), các sơi kim loại thủy tinh, các loại đĩa và hạt mồi bẫy có đường kích đến 30 cm.

KQHQ Mỹ tiến hành tập kích các trận địa phòng không theo hai phương án là tấn công bất ngờ, đơn lẻ hoặc tấn công dồn dập, quy mô lớn của các phi đội máy bay cường kích ném bom và sử dủng tên lửa Shrike. Tên lửa Shrike được phóng khi đã phát hiện được radar điều khiển tên lửa, máy bay khi phóng thường ở chế độ bay bổ nhào, đôi khi phóng ở chế độ bay lên với góc hướng vận tốc không lớn. Trong trường hợp không kích radar tên lửa ở chế độ bay bổ nhào, tên lửa được phóng ở tầm cao khoảng 1500 — 2000 m, góc bổ nhào của máy bay là 15 — 30° (tầm xa nhất phóng tên lửa là 45 km, tầm gần nhất phóng tên lửa là — 12 km).

Sau khi phóng tên lửa, máy bay tiếp tục bay theo quỹ đạo cũ khoảng từ 10—15 s, dẫn tên lửa vào mục tiêu. Khi phóng tên lửa ở chế độ bay lên cao, máy bay cường kích tiếp cận mục tiêu ở độ cao từ 500 m – 1.500 m, sau đó đột ngột lấy độ cao và ở khoảng cách 24 – 25 km tiến hành phóng tên lửa. Đội hình tác chiến không kích các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam được chia ra thành 5 cụm phi đội công kích chủ lực: Nhóm các phi đội cường kích ném bom, nhóm phi đội tiêm kích khống chế bầu trời, nhóm phi đội chế áp tên lửa phòng không, nhóm phi đội chế áp pháo phòng không, nhóm phi đội che chắn và bảo vệ phía sau. Khoảng cách giữa các nhóm từ 4.800 đến 9.000 m, khoảng cách giữa các máy bay — từ 150 đến 400 m.

Sơ đồ bố trí đội hình máy bay ném bom của KQHQ Mỹ

Sơ đồ bố trí đội hình máy bay ném bom của KQHQ Mỹ.  

Khi tiến hành không kích các mục tiêu quan trọng, các tốp máy bay chiến đấu tiến hành tập kích thành nhiều đợt tấn công, với giãn cách khoảng 10 phút hoặc hơn. Trong điều kiện trời mây mù dày đặc, các đòn không kích được tiến hành bằng các nhóm nhỏ - các biên đội từ trong mây. Mục tiêu được xác định bằng các radar trên máy bay, tiếp cận mục tiêu và ném bom được thực hiện nhờ sự trợ giúp của hệ thống “Tacan”, đồng thời theo mệnh lệnh của chỉ huy nhóm hoặc biên đội.

Tốc độ tổn thất máy bay và phi công đã buộc KQHQ Mỹ phải tiến hành các trận tập kích chủ yếu vào ban đêm. Nếu như vào thời điểm ban đầu của chiến tranh, các đợt không kích ban đêm chiếm từ 20 — 30% số lượng các đợt không kích trong tháng thì đến cuối năm 1965 các đợt không kích ban đêm đã lên đến con số 60%. Tỷ phần thực hiện các chuyến bay đêm của phi công KQHQ cũng theo xu hướng đó tăng lên: Vào đầu năm 1965, tỷ phần thực hiện các chuyến không kích ban đêm là 18% từ tổng số các đợt tham gia chiến đấu, đến năm 1967 tăng lên đến — 35%, vào năm 1972 là — 65%. Các đợt tập kích đêm được tiến hành bởi các máy bay chiến đấu đơn lẻ, hoặc các phi đội nhỏ. Bom được thả chủ yếu trong trạng thái bay trên mặt phẳng ngang, đôi khi do hỏa lực pháo phòng không, các phi công Mỹ tiến hành ném bom bổ nhào. Trong các trường hợp ném bom ban đêm, mục tiêu được chiếu sáng bằng đạn pháo sáng và các máy bay tập kích mục tiêu từng chiếc một.

Năm 1967 được coi là một năm sáng sủa của KQHQ Mỹ. tiến hành hơn 50.000 lần tập kích, KQHQ đã phá hỏng khoảng 955 chiếc cầu giao thông, gây hư hại nặng khoảng 1.086 chiếc cầu và ngầm vượt các loại trên toàn bộ chiến trường Việt Nam, băn hỏng bắn cháy khoảng 734 ô tô và đánh trúng khoảng 410 đầu máy và toa xe lửa, đánh chìm gần 3.000 thuyền, tàu nhỏ và các phương tiện trên biển, trên sông khác. Phi công Mỹ khi báo cáo thành tích hoàn toàn không phân biệt các phương tiện dân sự, các thuyền đánh cá, các loại cầu nhỏ hoặc ngầm. Những năm trước và những năm tiếp theo, kết quả thực sự rất kém. Giai đoạn sau này, vào năm 1972, KQHQ Mỹ được biên chế loại bom có đầu tự dẫn laser MK 118, nâng cao được khả năng đánh trúng mục tiêu, giảm thiểu tổn thất máy bay và phi công trong điều kiện lưới lửa phòng không quá dày đặc.

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II) ảnh 7
 

Do tổn thất về máy bay và phi công chiến đấu là sự kiện xảy ra hàng ngày đối với KQHQ Mỹ, nên vấn đề cứu hộ phi công được sự quan tâm đặc biệt của bộ chỉ huy ACTF-77 và Hạm đội 7 cũng như lực lượng Không quân Mỹ. Ngày từ thời điểm đầu tiên của cuộc chiến tranh không-hải, quân đội Mỹ đã tổ chức một lực lượng cứu hộ phi công Mỹ (AR) do chuẩn đô đốc Reedy chỉ huy. Trong lực lượng cứu hộ bao gồm có hai đơn vị cứu hộ được biên chế máy bay tuần thám, máy bay trực thăng và các tàu nổi. Một nhóm phụ trách khu vực "Yankee" và nhóm thứ hai phụ trách khu vực - "Dixie".

Thực tế hiệu quả cứu hộ của KQHQ Mỹ trên vịnh Bắc Bộ rất cao, tính đến tháng 10 năm 1966 trên bầu trời Bắc Việt Nam đã bắn hạ 269 phi công của không quân và KQHQ Mỹ, trong đó có 103 phi công được cứu hộ, 75 tử vong, 46 bị bắt và 45 phi công được coi là mất tích. Nói chung, nếu máy bay bị bắn cháy, phi công cố lết được ra biển thì có đến 90% được cứu hộ.

Sơ đồ cứu hộ phi công Mỹ ở Việt Nam

Sơ đồ cứu hộ phi công Mỹ ở Việt Nam.  

Ngoại trừ những máy bay bị bắn rơi, bắn hỏng và những tổn thất trong cuộc chiến tranh dữ dội và kéo dài nhất của lịch sử tác chiến không-hải quân đội Mỹ. ACTF-77 còn phải chịu thêm những tổn thất do những hậu quả khai thác vũ khí trang bị, trên các tàu sân bay đã xảy ra 19 vụ hỏa hoạn lớn và vừa, 32 vụ hỏa hoạn nhỏ. Hậu quả cũng rất lớn, 60 máy bay cháy rụi hoàn toàn, 80 chiếc bị hư hỏng nặng.

Hỏa hoạn trên tàu sân bay USS_Oriskany_(CV-34)

Hỏa hoạn trên tàu sân bay USS_Oriskany_(CV-34).  

Vụ hỏa hoạn nổi tiếng đầu tiên xảy ra vào ngày 26.10.1966 trên tàu sân bay "Oriskany" trong thời gian chuẩn bị máy bay cho cuộc không kích miền Bắc Việt Nam. Do thiếu cẩn trong khi làm việc với các tên lửa pháo sáng magiê và các tên lửa này bốc cháy. Trong khoảng khắc ngọn lửa bao trùm cả phần khoang chứa máy bay mũi tàu và các buồng công tác có chung vách ngăn. Ngọn lửa đe dọa kích nổ bom, đạn và các thùng ô xy hóa lỏng. Vụ hỏa hoạn được dập tắt sau 8 giờ với tổn thất 44 quân nhân tử thương, 4 máy bay cường kích "Skyhawk" bị hư hỏng nặng, 2 máy bay bị cháy chỉ còn khung. Hư hỏng nặng nề ở phần khoang mũi và một phần các buồng công tác, hệ thống phóng máy bay, thang máy vận tải và trang thiết bị điện tàu sân bay. Trong quá trình dập lửa, người Mỹ đã ném hàng tấn bom đạn và cơ sở vật chất dễ cháy nổ xuống biển.

Sau mấy ngày, một vụ cháy thứ hai lại xảy ra trên tàu sân bay "Franklin D. Roosevelt", Cuộc chiến chống lại hỏa thần diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Đám cháy bị dập tắt trong vòng 15 phút chỉ do nguyên nhân may mắn, ngọn lửa xuất hiện trong thời gian đang tiếp nhiên liệu và tất cả các trang thiết bị, phương tiện cứu hỏa đang ở trong trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Hỏa hoạn trên tàu sân bay USS Forrestal - CVA-59

Hỏa hoạn trên tàu sân bay USS Forrestal - CVA-59.

Lính cứu hỏa đang cố gắng ném 1 quả tên lửa xuống biển trên boong tàu USS Forrestal
Lính cứu hỏa đang cố gắng ném 1 quả tên lửa xuống biển trên boong tàu USS Forrestal.
 

Thảm họa lớn nhất trong xuốt lịch sử của Hải quân Mỹ là vụ cháy nổ trên tàu sân bay USS Forrestal - CVA-59 ngày 29.7.1967. Khi chuẩn bị cho chuyến không kích của 12 máy bay cường kích "Skyhawk", 7 máy bay tiêm kích hạng nặng F-4 "Phantom" và hai máy bay trinh sát "Vigilante" đang nằm trên đường băng boong tầu thì xảy ra hỏa hoạn. Nguyên nhân của vụ cháy nổ này, theo điều tra của một ủy ban đặc biệt, là bộ phận khóa an toàn phóng của ống phóng rockets 127 mm "Zuni" treo dưới cánh máy bay bị chập mạch. "Zuni" phóng ra và lao vào thùng dầu phụ của chiếc "Skyhawk" ở phía trước và phát nổ. Dầu bay tràn ra toàn bộ đường băng và bốc lửa ngay tức khắc. Các đội cứu hộ khẩn cập lập tức triển khai dập lửa. Các máy bay chiến đấu đang sẵn sàng cất cánh và bom đạn bị đẩy xuống biển. Các tàu sân bay "Oriskany", "Bon Homme Richard", các tàu khu trục hộ vệ cảnh giới Mackenzie", "Rupertes" lao đến hỗ trợ dập lửa. Chỉ huy các tàu khu trục, không ngần ngại trước các vụ nổ bom đạn, đã đưa tàu tiếp cận kề sát Forrestal và dùng hơn 20 vòi rồng tưới nước lên tàu.

Do không kịp phong tỏa cách ly các khoang và buồng công tác, khói nhanh chóng lan tỏa khắp tàu, sau đó là lửa tràn vào các khoang bên trong và đốt cháy tất cả. 18 tiếng liên tục chống chọi với hỏa thần, cuối cùng vụ cháy được dập tắt. Khi khói tan hết, Forrestal dường như vừa thoát ra khỏi một trận chiến khốc liệt. Trong 9 khoang sàn boong tầu, 6 khoang bị hư hại nặng nề. Do các quả bom bị kích nổ nên trên đường băng bằng thép bị thủng 7 lỗ có đường kính đến 7m mỗi lỗ thủng. Hậu quả của hỏa hoạn trên tàu "Forrestal" là 29 máy bay bị cháy hoàn toàn, 42 chiếc bị hư hỏng nặng. Thủy thủ đoàn chết 132 người, 64 người bị thương và bỏng nặng. Tổn thất ước tính vào lúc đó là khoảng 135 triệu USD.

Sửa chữa tàu sân bay "Forrestal" mất gần như một năm. Nguyên nhân chính của thất bại không dập tắt được hỏa hoạn ngay là hiệu quả dập lửa của các trang thiết bị, khí tài cứu hỏa rất thấp, thủy thủ đoàn được huấn luyện chống cháy nổ với chất lượng không cao đồng thời công tác chỉ huy triển khai tổ chức các hoạt động cứu hỏa cứu hộ kém.

Cùng với những tai nạn cháy nổ trên các tàu sân bay, xuất hiện nhiều vấn đề về khả năng sống còn của chiến hạm trên biển đối với các chuyên gia an toàn hàng hải. Từ những vụ cháy nổ cho thấy, các trang thiết bị cứu hỏa và cấp cứu có hiệu suất rất thấp trong cuộc chiến chống thần lửa đồng thời các tàu sân bay có khả năng hỏa hoạn rất cao. Vào tháng 7.1967 trong biên chế cơ trang bị cho tàu sân bay đã tiếp nhận 1 hệ thống cứu hỏa, đây là một phương tiện tự hành, chở trên mình nó 180 kg bột chống cháy khô "Purple-K" và bồn đựng nước 190 lít, chứa 6%"nước nhẹ". Trong thử nghiệm hệ thống phòng hóa này 50 m2 nhiên liệu máy bay đang bốc cháy bị dập tăt trong vòng 21s.

Mặc dù trên thực tế Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn không có các phương tiện chiến đấu mặt nước và dưới mặt nước hoặc vũ khí trang bị bảo vệ bờ biển, hạm đội Mỹ hoạt động trên biển không gặp sức kháng cự đáng kể, nhưng cũng không thoát được sự trừng phạt của bộ đội và dân quân tự vệ bờ biển. Rất thường xuyên, các chiến hạm Mỹ cơ động ven bờ bị các các trận địa pháo binh nòng dài tập kích. Chỉ riêng năm 1972 hạm đội bị trúng 80 quả đạn pháo, tàu tuần dương hạng nhẹ "Oklahoma City" và "Boston" bị thiệt hại vì đạn pháo, khu trục hạm "Higbee" và "Hanson" bị tổn thất nặng nề, hai xuồng pháo binh cao tốc bị đánh chìm. Các chiến hạm đều có tổn thất về binh lực và sinh lực.

Một trận địa pháo bờ biển của dân quân Miền Bắc Việt Nam
Một trận địa pháo bờ biển của dân quân Miền Bắc Việt Nam.
 

Một tổn thất nữa mà người Mỹ phải chịu là do sơ suất của hệ thống nhận biết bạn thù, người Mỹ đã tấn công ngay chính lực lượng của mình. 15.7.1968 các máy bay cường kích đã sử dụng tên lửa tấn công các chiến hạm Mỹ, khi các chiến hạm nay đang bắn phá các mục tiêu trên bờ. Kết quả là tuần dương "Boston" bị thiệt hại về người và hư hỏng vũ khí trang bị, tàu khu trục "Hobart" của Úc cũng bị tổn thất nặng, hai xuồng tuần biển "Swift" bị đánh chìm.

Năm 1972, máy bay cường kích hải quân đã tấn công tàu hộ vệ tên lửa "Warden" bằng tên lửa chống radar Shrike. Tên lửa nổ tung ở khoảng cách 20 – 30m phía trên. Một trận mưa mảnh tên lửa và mảnh đạn đã trùm lên tàu. Trên chiến hạm xuất hiện các sự cố chập điện, hệ thống an toàn ngắt điện toàn thân tàu, tất cả các hệ thống khí tài và trang bị không hoạt động. Chiếc tàu bất lực thả trôi hơn nửa giờ gần bờ biển. Khi tàu "Warden" được sửa chữa và đưa trở lại biên chế, khả năng chiến đấu của nó chỉ còn khoảng 60% theo nhận định của hạm trưởng và chỉ có thể trở lại bình thường sau một thời gian dài sửa chữa lớn trong nhà máy sửa chữa tàu biển.

Tổn thất rõ ràng rất lớn. Toàn bộ các hệ thống công trình trên boong tàu bị xuyên cắt bởi các mảnh kim loại nhỏ, các mảnh kim loại này không xuyên xuống tầng hầm và không xuyên qua được lớp vỏ tàu, do đó không bị tràn nước. Toàn bộ hệ thống ăn ten, các bộ cáp điện nằm lộ thiên trên boong tàu bị cắt xuyên nát. Một số lớn các thiết bị ngoại vi thân tàu và trong khoang đài chỉ huy cũng bị công kích bởi các mảnh kim loại nhỏ. Khi thu thập lại, thì 2/3 các mảnh vụn xuyên phá chính là các mảnh vỡ nhôm tổng hợp của thân tàu 2/3. Một vấn đề mới nảy sinh trong đóng tàu chiến hạm nổi, thay toàn bộ các lớp vỏ bên ngoài các công trình trên boong bằng thép nhẹ, có độ bền cao chống xuyên phá mảnh.

Tương tự như chiến tranh ở Triều Tiên, khi tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên bờ biển, KQHQ đã liên kết phối hợp với pháo hạm cùng tấn công. Hệ thống pháo hạm có khả năng tấn công các mục tiêu đang nằm ven bờ biển cách khoảng 20 km so với mép nước. Để thực hiện nhiệm vụ pháo binh tấn công bờ biển, Hải quân Mỹ tổ chức một đơn vị chiến thuật các pháo hạm OG 70.8. Tọa độ mục tiêu cho pháo hạm và không quân do phòng tham mưu hạm đội 7 cung cấp. Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công hỏa lực, các chiến hạm Mỹ duy trì liên lạc thường xuyên với trung tâm theo dõi tình huống trên biển của ACTF-77 và trung tâm phòng không của cụm không quân hải quân.

Chiến tranh không-hải Mỹ ở Biển Đông (II) ảnh 13
 

Các trận tập kích hỏa lực pháo hạm thông thường được thực hiện ban ngày, các tàu pháo hạm cơ động với tốc độ chậm hoặc neo đậu tại chỗ. Phần lớn các đợt pháo kích đều tiến hành theo khu vực tấn công hỏa lực, được điều chỉnh và dẫn bắn, chị thị mục tiêu từ trên không. Trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, trinh sát pháo binh Mỹ trên bờ điều chỉnh hỏa lực pháo hạm, nhưng những trường hợp tương tự rất ít. Hải quân Mỹ thường xuyên pháo kích khu vực miền Trung Việt Nam và trong một thời gian dài, các pháo hạm của Mỹ đã bắn bình quân mỗi tháng đến 6.000 viên đạn pháo. Chỉ trong 120 ngày cơ động trong khu vực tác chiến, tuần dương hạm "New Jersey" đã thực hiện 434 nhiệm vụ pháo kích vào bờ biển Việt Nam, bắn 5.688 quả đạn pháo 406-mm và 13 nghìn quả đạn pháo 127-mm. Các mục tiêu bị tấn công chủ yếu là các cầu, ngầm, hải cảng nhỏ, đường giao thông ven biển…Để công kích một nhà ga nhỏ định mức tiêu hao của hải quân Mỹ là 500 viên đạn pháo, để phá hủy một chiếc cầu nhỏ, định mức tiêu hao đạn là 120 viên.

Trong tác chiến không hải trên chiến trường Việt Nam, KQHQ Mỹ chiến ưu thế tuyệt đội về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh và công nghệ quân sự rất hiện đại. KQHQ Mỹ mà lực lượng tác chiến chủ yếu là cụm không quân hải quân chủ lực ACTF-77 cũng đã thực hiện đúng ý đồ chiến lược của Hải quân Mỹ, các phương án tác chiến được thực hiện rất nguyên tắc, có cơ sở lý luận quân sự và thực tế tác chiến rất cao. Đồng thời phương thức bố trí và kỹ năng tác chiến của phi hành đoàn trên các tàu sân bay cũng đạt cấp độ cao của tác chiến không hải hiện đại.


Tuy nhiên, rõ ràng tác chiến không-hải cũng không phải là chiếc đũa thần dành chiến thắng trên chiến trường. Kết quả của chiến tranh Việt Nam đã minh chứng rất rõ điều đó. Kịch bản tác chiến không-hải hiện đại trong tương lai không xa có thể có những mô hình tác chiến khác về vũ khí công nghệ, phương tiện chiến tranh, cũng như các thủ đoạn không kích hiện đại như “ phẫu thuật ngoại khoa”, “ công kích ngoài đường chân trời” nhưng cũng không thể vượt qua được những quy luật khắc nghiệt của chiến tranh, đặc biệt là ý chí chiến đấu, sự hiểu biết sâu sắc vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh và năng động, sáng tạo trong chiến dịch, chiến thuật. Bên giành được thắng lợi là bên có được ý chí quyết tâm cao, tư duy chiến lược hiện đại và đúng đắn, có ý đồ chiến dịch và chiến thuật năng động và sáng tạo cũng như ý chí chiến đấu quật cường của con người.

Trịnh Thái Bằng
Nguồn: Tư liệu lịch sử Bộ quốc phòng Liên Xô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG