Bầu lãnh đạo mới, đối lập Syria tuyên chiến với Bashar al – Assad

Bầu lãnh đạo mới, đối lập Syria tuyên chiến với Bashar al – Assad
TPO – Sau 2 ngày nhóm họp tại Doha, Qatar, 400 nhân vật đại diện cho 29 nhóm đối lập Syria thống nhất bầu Moaz al-Khatib làm người lãnh đạo liên minh, đồng thời ra tuyên bố: Không đối thoại với chế độ Bashar Assad.
Ông Moaz al-Khatib được bầu làm lãnh đạo liên minh chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al - Assad
Ông Moaz al-Khatib được bầu làm lãnh đạo liên minh chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al - Assad.

Theo kế hoạch định sẵn, cuộc gặp giữa đại diện 29 phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al - Assad tiến tới thành lập tổ chức đối lập thống nhất và vạch ra chiến lược chung để đấu tranh chống chế độ Damascus.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) cũng muốn để phe đối lập bắt tay thành lập chính phủ chuyển tiếp trên địa bàn các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận hỗ trợ của các đồng minh nước ngoài.

Cuộc họp diễn ra từ ngày 4-11, dự kiến kéo dài 2 ngày, tuy nhiên do tính chất phức tạp của các phe phái, đến ngày 10-11 (giờ địa phương), các nhóm đối lập mới bầu được thủ lĩnh mới.

Tại cuộc họp, đại diện các phe đối lập chống chính quyền Syria nhất trí thành́ lập “Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria”, đồng thời bầu ông Khatib, một giáo sĩ ôn hoà sinh năm 1960, làm lãnh đạo liên minh chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Khatib được bầu với 54/58 phiếu ủng hộ.

Nhân vật bất đồng chính kiến Riad Sief và nhà hoạt động nhân quyền Sohir al-Atasy được bầu chọn làm cấp phó của ông Khatib, trong khi Mostafa al-Sabbagh được bầu làm Tổng thư ký.

Trước đó, ông George Sabra, nguyên là đảng viên cộng sản, sau theo Thiên chúa giáo, đã thay thế đại diện của cộng đồng người Kurd ở Syria Abdelbaset Sid ở chức vụ lãnh đạo SNC.

Ngay tối 11-11, một thỏa thuận chính thức về việc thành lập Liên minh quốc gia các lực lượng đối lập đã được ông Khatib và George Sabra, chủ tịch mới của nhóm đối lập chính là SNC ký tại thủ đô Doha của Qatar, trong đó khẩu hiệu đoàn kết phe đối lập là "Syria không có Assad".

“Liên minh dân tộc mới có nhiệm vụ xây dựng môt chính quyền quá độ gồm 10 thành viên và một hội đồng quân sự cho thời kỳ hậu chế độ Bashar al-Assad”, một đại biểu tham dự cuộc họp cho biết.

Theo các nguồn tin khu vực, trong một tuần diễn ra cuộc họp, 400 đại biểu đại diện cho 29 phe đối lập tại Syria không thể hiện bất cứ động thái nào cho thấy sẵn sàng ngồi đàm phán cùng chính quyền Bashar al – Assad để kiếm tìm một sự hoà giải.

Bác đề xuất của Nga

Ngay sau khi các phe đối lập tại Syria đạt thỏa thuận chung, ngày 11-11, Mỹ ra tuyên bố ủng hộ liên minh đối lập. Trong một tuyên bố, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ Liên minh Dân tộc (Syria) vì họ gánh vác sứ mệnh tiến tới chấm dứt sự cai trị đẫm máu của Assad để mở ra một tương lai hòa bình, công bằng và dân chủ mà toàn thể dân chúng Syria đáng được hưởng."

Cùng ngày, Thủ tướng Qatar Hamid bin Jassim và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cũng lên tiếng ủng hộ việc thành lập liên minh đối lập mới.

Trong khi đó, Nga đề xuất để Tổng thống Bashar al - Assad tiếp tục “tại vị” cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2014.

Nga khẳng định đang nỗ lực tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria thông qua việc thành lập chính phủ mới bao gồm đại diện của tất cả các bên. Trong đó, hai ghế Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng sẽ do người của ông Assad nắm giữ, còn các đảng phái đối lập sẽ chia nhau số ghế còn lại.

Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, ông Aleksandr Lukashevich cho biết: “Kết quả chính của cuộc gặp Doha và các cuộc họp tương tự khác phải là sự sẵn sàng của những người tham gia đoàn kết lại trên cơ sở giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Syria.

Người dân Syria phải giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại và đàm phán mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nga giữ lập trường nguyên tắc và chỉ ủng hộ bản tuyên bố Geneva về Syria do Hội đồng Bảo an nhóm họp và thông qua hôm 30-6-2012”.

Tuy nhiên phe đối lập Syria bác bỏ đề xuất mới của Nga, kiên quyết không hợp tác với chính quyền đương nhiệm chừng nào Bashar al – Assad còn nắm quyền.

Israel - Syria căng thẳng

Cuộc họp giữa các phe đối lập diễn ra trong bối cảnh tình hình Syria và Israel đột nhiên căng thằng sau khi một quả đạn pháo của Syria đã rơi trúng một đồn của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ở Cao nguyên Golan, gần với biên giới Israel – Syria.

Đáp lại, ngày 11-11, lực lượng quân đội Israel cũng bắn cảnh cáo sang phía Syria.

Cao nguyên Golan đột ngột căng thẳng sau 30 năm
Cao nguyên Golan đột ngột căng thẳng sau 30 năm "ngủ yên".

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố: "Quân đội đã nhận được mệnh lệnh chặn đứng cuộc chiến nhắm vào lãnh thổ của chúng tôi. Bất kỳ cuộc bắn pháo nào trong trong tương lai vào lãnh thổ Israel đều sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn ngay lập tức".

Hành động đấu pháo của Syria và Israel tại khu vực Cao nguyên Golan là động thái gây căng thẳng đầu tiên vượt qua ranh giới thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước kể từ khi két thúc cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973.

Ngày 11-11, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cho biết đang "dõi theo chặt chẽ những gì xảy ra ở biên giới với Syria cũng như sẵn sàng cho bất cứ diễn biến nào".

Cùng ngày. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Israel và Syria xoa dịu căng thẳng ở Cao nguyên Golan mà hai nước có tranh chấp, đồng thời cảnh báo cuộc xung đột tại Syria có thể lan sang khu vực này.

Theo Viết
MỚI - NÓNG