Bám bản làm giàu
Con đường nhỏ dẫn lên HTX Mé Ban (Thuận Châu, Sơn La) xanh mướt những vườn chè, cây cà phê đến vụ thu hoạch. Anh Lò Văn Panh (sinh năm 1987), Giám đốc HTX cho biết, việc thành lập HTX bắt nguồn từ CLB thanh niên phát triển kinh tế ở bản Tát, bản Mé. Hai CLB hình thành tháng 9/2016, gồm 14 thanh niên với mục đích giúp nhau về vốn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Ban đầu, CLB đóng góp được 50 triệu đồng tiền quỹ và được hỗ trợ vay 270 triệu đồng phát triển kinh tế. Các thành viên có điều kiện cùng nhau chung sức, vốn, học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển trồng cây mận, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Dưới sự tư vấn của Tỉnh Đoàn Sơn La, HTX Mé Ban được thành lập tháng 4/2017 với một mục tiêu: Thanh niên không để đói nghèo. Đến nay, HTX Mé Ban trồng gần 30 ha cà phê, mận và chăn nuôi gà thả vườn. 15 thành viên đều có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, anh Panh chia sẻ.
Còn nhớ tháng 5/2017, những chàng trai trẻ của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai (Sơn La) mang 25 kg cá tép dầu khô về Hà Nội giới thiệu và bán sản phẩm. Lần đầu tiên ra mắt thị trường Thủ đô, số cá này được bán hết veo chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. Hầu hết khách hàng lạ lẫm với món cá này, nhưng đều hào hứng trước sản phẩm khởi nghiệp của những chàng trai 9x người dân tộc Thái.
Trước đó, năm 2015, xuất phát từ niềm đam mê kinh doanh của Là Văn Phong (sinh năm 1993) và những người bạn: Lù Văn Bình, Tòng Văn Sương, Điêu Đức Trọng. Họ đã thành lập nhóm Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để khai thác tiềm năng du lịch của vùng hồ thủy điện Sơn La (qua Quỳnh Nhai), nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang thơ mộng.
“Nhóm mình thành lập với mong muốn phát triển kinh tế dựa vào du lịch, làm giàu trên thế mạnh sẵn có của quê nhà. Về sau được Tỉnh Đoàn Sơn La hỗ trợ và tư vấn, nhóm thành lập HTX để có điều kiện phát triển, tiếp cận những gói vay ưu đãi và đầu ra cho sản phẩm”, Phong nói.
Hiện ngoài kết hợp với du lịch, chế biến cá tép dầu khô, HTX đang nuôi 44 lồng cá lăng, trắm, chép, trê với hình thức hữu cơ, đảm bảo cá sạch, an toàn, tạo nguồn thực phẩm phục vụ du khách tại các tour du lịch, làm quà... HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 thành viên. HTX góp vốn mua được 2 chiếc thuyền mới, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lái thuyền và 5 công nhân sơ chế cá tép dầu...
Thay đổi cách nghĩ bà con
Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Vàng A Lả, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La cho biết: Việc quy tụ, giúp đỡ những thanh niên có chí khởi nghiệp làm giàu khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp. Những gì các bạn ấy đã làm được đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ của người dân, tạo cách làm ăn mới cho những người trẻ ở các bản vùng cao.
Theo anh Lả, nhiệm kỳ 2017-2022, Tỉnh Đoàn Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trang trại trẻ, tổ hợp tác, HTX của thanh niên. Trong đó tập trung xây dựng và triển khai một số đề án, chương trình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới.
Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tỉnh xây dựng Quỹ Thanh niên khởi nghiệp Sơn La với sự hỗ trợ một phần nguồn vốn ban đầu để triển khai từ ngân sách Nhà nước để giúp đỡ những người trẻ “dám nghĩ, dám làm”, vươn lên khởi nghiệp thành công.
Nhiệm kỳ qua, Tỉnh Đoàn Sơn La đã hướng dẫn cho nhiều thanh niên lập hồ sơ vay vốn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; phối hợp giải ngân nguồn vốn 120 cho thanh niên nhằm phát triển sản xuất. Đến nay toàn tỉnh đã giải ngân trên 750 tỷ đồng.