Chức danh giáo sư vì sao không được mặn mà?

Chức danh giáo sư vì sao không được mặn mà?
TP - Năm nay có 571 tân giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS). Điều đáng nói là không có ứng viên nào từ nước ngoài.

> Chưa thu hút được trí thức ở nước ngoài
> Vinh danh gần 410 tân giáo sư, tân phó giáo sư

PV báo Tiền Phong đã trao đổi với GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, xung quanh vấn đề này.

GS.TSKH Trần Văn Nhung
GS.TSKH Trần Văn Nhung.

Xin GS đánh giá về kết quả của việc bình chọn chức danh GS, PGS năm 2013?

Trong số 57 GS được phong tặng năm nay, chỉ có 3 nữ, chiếm 5,26% và trong 514 PGS, có 116 nữ, chiếm 22,57%. Tỷ lệ nữ trong dân số là quá nửa, nhưng, phụ nữ đang rất thiệt thòi trong con đường công danh. Từ xa xưa, nữ đã chịu thiệt thòi trong con đường theo đuổi học vấn. Trong từng ấy bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, chưa có bà tiến sĩ nào.

Về tuổi đời, năm nay GS trẻ nhất là Trần Đình Hòa (sinh năm 1970, ngành Thủy lợi; PGS trẻ nhất Lê Anh Vinh (30 tuổi, ngành Toán học). Mọi năm, GS, PGS trẻ nhất là ngành Toán học; năm nay người trẻ nhất thuộc ngành ứng dụng, có liên quan đến dân sinh và đó là một điểm mới của việc phong tặng. Điều này cho thấy Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã quan tâm và đánh giá cao cả những đóng góp về mặt lý thuyết của văn minh thế giới và đồng thời cũng đánh giá cao những đóng góp của khoa học ứng dụng vào cải thiện đời sống của người dân, lao động của nông dân.

Điều đặc biệt là tuổi bình quân ngày càng trẻ hơn và tỷ lệ những người trực tiếp cầm phấn tăng lên. Số giáo viên tăng lên theo các năm, giáo viên thỉnh giảng giảm dần đi. Trong số 571 tân GS, PGS có 453 giảng viên chiếm 79,33% (năm ngoái tỷ lệ này là 76,97%). Nhà Triết học Ấn Độ Tagore từng nói: đầu tư để có một người đàn ông tốt, sẽ được một gia đình tốt, đầu tư vào thầy giáo thì được cả một thế hệ; phải tăng nữa.

Năm nay có ứng viên người VN ở nước ngoài nào được nhận chức danh GS, PGS không?

Năm nay không có ứng viên nước ngoài nào. Nhìn chung các năm, không có ứng viên nước ngoài hoặc đang công tác ở nước ngoài hoặc rất ít. Sau nhiều năm chúng ta phong tặng thì mới có GS Ngô Bảo Châu; sau đó là PGS.TS Trần Hải Anh, GS.TS Vũ Hà Văn, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành. Mới chỉ có chừng ấy GS, PGS là người VN đang công tác ở nước ngoài.

Theo ông, vì sao lại như vậy?

Bản thân sự giới thiệu các chức danh trong nước và sự sẵn sàng từ các ứng viên ở nước ngoài chưa gặp nhau. Hiện VN có hàng trăm nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý. Từ năm 2000, VN đã nghĩ đến việc phong tặng các chức danh GS, PGS cho những người này để thể hiện sự trân trọng của chính phủ VN đối với tài năng, tấm lòng của kiều bào đối với Tổ quốc. Nhưng, thú thực, các GS, PGS người Việt ở nước ngoài được công nhận tại VN chưa được quyền lợi gì mà chủ yếu là tình cảm đối với đất nước.

Vậy phải làm thế nào để thu hút được nguồn chất xám vô giá này?

Bất cứ nước nào cũng nghĩ đến việc tận dụng nguồn nhân lực to lớn của mình ở nước ngoài để được học hỏi, cập nhật kiến thức thế giới, để giúp đỡ và là cầu nối với nước bạn. Có nhiều việc phải làm nhưng Nhà nước phải thực sự cần họ trong hành động và phải chuẩn bị, phải có cơ chế chứ không thể nói một cách chung chung.

Cần phải trả lời rõ các câu hỏi: những người này về thì làm việc gì, ở đâu, điều kiện thế nào, các cộng sự và học trò thế nào, điều kiện sống ra sao... Một số nước có chính sách rất cụ thể: nếu ngoại kiều xuất sắc về nước lĩnh lương tháng từ 30.000 - 40.000 USD, lương GS bình thường cũng là 1.000 USD/tháng, có nhà chung cư, ô tô, thư ký giúp việc, có tiền mua sách, tiền mời khách nước ngoài đến nghiên cứu...

Ở nước ta đã bắt đầu có sự đầu tư và quan tâm, trường hợp GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Giảng dạy tại Mỹ nhưng một năm GS dành 3-4 tháng về VN để tham gia đào tạo bồi dưỡng học trò, tổ chức hội nghị, hội thảo theo chương trình của Viện Toán cao cấp và chương trình trọng điểm toán của VN. Việc đi về nước của GS đã kéo theo nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới cùng với các GS Vũ Hà Văn, Đàm Thanh Sơn về giảng, hướng dẫn nghiên cứu cho học sinh VN.

Lần đầu tiên chúng ta tạo ra được một không khí quốc tế hóa, đi-về thoải mái, bài giảng bằng tiếng Anh, đầu tư chương trình trọng điểm, cấp học bổng cho học sinh chuyên toán trong cả nước, các nhà khoa học có bài báo xuất sắc được tặng thưởng tiền... Tôi nghĩ, nếu Toán, Lý, Hóa và các ngành khoa học ứng dụng khác cũng thực hiện được mô hình đó thì sẽ tạo điều kiện cho nhiều người VN ở nước ngoài và kéo nhiều người nước ngoài về VN cống hiến.

Cảm ơn GS.

Hồ Thu
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.