Giảng viên ‘kỳ dị’

Giảng viên ‘kỳ dị’
Môi trường đào tạo hiện nay có nhiều sự đổi thay theo chiều hướng xấu, ở một bộ phận giảng viên “kỳ dị”: trong tư cách đạo đức, trong sự khoe mẽ bản thân với các “thành tích” của gia đình con cái, hay 1001 cách thức “moi” tiền của sinh viên...

Giảng viên ‘kỳ dị’

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” câu nói của cha ông lưu truyền qua bao đời nay đã thể hiện được sự kính trọng của học trò đối với các thầy cô giáo. Thầy cô giáo như tấm gương sáng soi rọi và có tầm ảnh hưởng lớn đối với con đường lập nghiệp, thành danh của các thế hệ học trò cũng như góp phần nuôi dưỡng nhân cách của các học trò với tấm lòng “tôn sư trọng đạo”. 

Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển ở cả nhiều mặt của đời sống, môi trường đào tạo cũng có nhiều sự đổi thay theo chiều hướng xấu, ở một bộ phận giảng viên “kỳ dị”: trong tư cách đạo đức khi thầy bắt trò “đổi tình lấy điểm”, trong sự khoe mẽ bản thân với các “thành tích” của gia đình con cái mình ngoài yêu cầu bài giảng, hay 1001 cách thức “moi” tiền của sinh viên mà chỉ người trong cuộc mới có thể… hiểu được.

Cho dù đây chỉ là một ít những “con sâu” của môi trường giáo dục, đào tạo, song nếu không có những biện pháp mạnh tay, nó sẽ trở thành một trong những xu hướng bất cập cho giáo dục thời hiện đại.

1. Cuối tháng 4/2013, vụ việc ông T.T.B., giám thị của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình (TP HCM), đã có vợ và 3 con, thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được "giúp đỡ" nâng điểm đã khiến dư luận bất bình. Em N. một nạn nhân đã tố cáo vị giám thị này kể lại, em nhận được tin thông báo điểm số học kỳ 2 từ số máy lạ, nhắn em có một số môn bị điểm thấp nhiều, khả năng không thể lên lớp. Em hỏi lại thì mới biết đó là số điện thoại của thầy B., giám thị trong trường.

Khi em N. lên tiếng, rất nhiều học sinh khác cũng đã lên tiếng, một nữ sinh khác ở trung tâm cho biết, nhiều ngày liền em bị thầy T.T.B. nhắn tin đề nghị đi nhà nghỉ làm "chuyện người lớn" nếu muốn "đổi điểm". Nếu từ chối lời đề nghị, thầy B. hăm dọa năm nay sẽ cho em ở lại lớp. (Trong khi với các nam sinh thì muốn nâng điểm hoặc lên lớp thì có thể nhờ đến ông B. với giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/môn).

Trước hành vi đề nghị trao đổi tiền bạc và gạ tình học sinh của thầy T.T.B., Hội đồng sư phạm Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình đã có cuộc họp khẩn về trường hợp ông T.T.B. và đi đến quyết định ngưng hợp đồng làm việc với ông B. vào cuối tháng 4/2013, dù hợp đồng kéo dài đến tháng 5/2013.

Còn nhớ, giữa năm 2012, việc ông T.X.N. (53 tuổi), Trưởng Phòng Tài vụ - Kế toán, giảng viên môn Quản trị Doanh nghiệp, Đại học Tây Nguyên được phân công hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên C.T.D., một tuần ông N đã nhắn hơn 40 tin nhằm buộc D. phải đến nhà nghỉ cùng ông nhưng không được đáp ứng. Ông N. đã quay ra dọa dẫm sẽ đánh hỏng luận văn tốt nghiệp của cô.

Khi sự việc xảy ra, D. đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng trình bày: thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, giảng viên N. gần như không quan tâm gì đến việc hướng dẫn làm luận văn, chỉ khi thời hạn bảo vệ luận văn còn khoảng một tháng thì ông N. mới bắt đầu quan tâm hướng dẫn.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông N. thường xuyên nhắn tin, gọi điện, hẹn gặp trực tiếp với nội dung, ông N. sẽ giúp cho bài luận văn được suôn sẻ nếu em D. cho quan hệ tình dục. Sau sự việc xảy ra, Hội đồng kỷ luật Trường đại học Tây Nguyên quyết định đình chỉ một năm giảng dạy đối với ông T.X.N.

Cũng với trường hợp tương tự, một giảng viên đại học dạy môn thể dục ở một trường liên quan đến văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội. Một nữ sinh viên đã ghi âm lại cuộc gọi và trình lên Ban Giám hiệu nhà trường, khi thầy giáo thể dục gọi điện thoại cho cô nhiều lần buộc cô phải "đổi tình lấy điểm" mới có thể thi qua được môn học này. Trước hành động dũng cảm ấy, thầy giáo thể dục nói trên đã… phải xin chuyển đi trường khác.

Những trường hợp nêu trên chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp được "lộ ra ánh sáng" vì những hành động dũng cảm của các nữ sinh trước sự bức bách phi đạo đức của các giảng viên biến chất. Dù chỉ mới là một số "con sâu", song không ít người đã vin vào đó để đổ lỗi cho những nan giải của ngành giáo dục trong những năm gần đây.

Lý giải nguyên nhân những năm gần đây xảy ra nhiều vụ việc thầy giáo gạ tình học sinh, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học Sư phạm TP. HCM) khi trả lời báo giới đã đưa ra một số nguyên nhân sau: thứ nhất, do lỗ hổng của hướng nghiệp vì vậy nhiều người thi vào ngành này không phải vì cái tâm thật sự mà chọn nó như chọn một nghề nghiệp; thứ hai do môi trường kỷ luật chưa đủ chặt chẽ; thứ ba do học sinh chưa được giáo dục đầy đủ để có khả năng ứng xử trước những tình huống bị xâm hại.

Thầy cũng có lời khuyên cho các nữ sinh bị "yêu râu xanh" đội lốt thầy giáo xâm hại: "Một là kiên quyết từ chối. Sự kiên quyết sẽ làm đối phương e ngại. Hai là phải tìm cách tố giác ngay lập tức: phải lưu giữ lại tất cả tin nhắn hoặc những chứng cớ về việc gạ tình, hăm dọa. Kể với cha mẹ và gặp trực tiếp Ban giám hiệu, yêu cầu cha mẹ báo với chính quyền địa phương, liên kết các học sinh khác cùng cảnh ngộ để tạo lực lượng có tiếng nói. Nhà trường cơ bản vẫn là những người tốt, mọi người sẽ đứng về phía mình".

2. Không chỉ "biến chất" khi ép học sinh "đổi tình lấy điểm", một số giảng viên, những trí thức thời nay còn "kỳ dị" với rất nhiều kiểu "khoe mẽ" trên bục giảng. Thay vì giảng bài, đặc biệt là với các giảng viên đã có tuổi, đến giảng đường cả buổi chỉ thao thao bất tuyệt nói chuyện về… chính mình. Nào thì là mình vừa đi chỗ này chỗ kia, gặp người này người kia, nổi tiếng ra sao, giàu có như thế nào. Con cái mình giỏi giang, thay đổi máy iPhone này đến iPad khác cho hợp thời thượng… ra sao.

Những chuyện phiếm đó lặp đi lặp lại đến mức nhiều lớp sinh viên đã phải nghe đi, nghe lại một câu chuyện tới cả chục lần đến… phát ngán. Cuối kỳ học, thầy thường không tổ chức thi mà cho sinh viên nộp một bài luận với "đề tài mở" và cho thả sức chép tài liệu ở các giáo trình của thầy. Thường thì ở những môn học "ít kiến thức này" không có bất cứ một em nào điểm thấp vì thực ra thầy cũng không có thời gian để đọc từng bài, chỉ "phiên phiến" cho điểm. Bởi vậy, có rất nhiều sinh viên ra trường mà khái niệm chung về môn học vừa xong không hề nắm được.

Lại có những giảng viên sử dụng phần lớn thời gian trong các tiết học để phản bác, "nói xấu", chê không tiếc lời những giảng viên khác không cùng quan điểm với mình trong nghiên cứu khoa học. Tôi có biết giảng viên của một trường văn hóa, thầy giỏi đến nỗi, cùng một lúc dạy kiêm luôn cả ba môn học khác nhau.

Có lần gặp sinh viên trường ấy, tôi hỏi chuyện về thầy, sinh viên đã trả lời: "Thực ra, thầy dạy ba môn khác nhau nhưng kiến thức và vấn đề thầy mang lại thì hoàn toàn… giống nhau. Chúng em học xong mà tưởng mình vẫn còn học môn đã kết thúc từ năm học trước".

Theo Huy Tuấn
An Ninh Thế Giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.