Giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu

Giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu
TPO - Đó là ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra trong Hội nghị tổng kết ba năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học theo chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, diễn ra sáng nay, 11/9.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chuẩn đầu ra còn “na ná” nhau

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới quản lý giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo triển khai chậm, thiếu quyết liệt; việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức,…

Bộ GD&ĐT thừa nhận hạn chế trong công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học còn chậm so với kế hoạch. Một số văn bản chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, về kiểm định chất lượng, trong ba năm qua công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học chậm được triển khai; công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát huy được hiệu quả, chưa trở thành công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm như: xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế, kiên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo bất chấp quy đinh. Các trường hợp vi phạm tiêu biểu như Đại học Lương Thế Vinh, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, Cao đẳng ASEAN…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ ra, thực thế trường ĐH, CĐ thực hiện ba công khai còn mang tính đối phó. Nhiều trường chỉ công khai mức học phí, một số hoạt động đào tạo dẫn đến thiếu thông tin cho người học, công tác kiểm tra, giám sát bị hạn chế.

Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường nặng tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình. Chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.

Chấm dứt đại học dạy đại học!

Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học, trong đó có các quy định hướng dẫn cụ thể việc thi hành Luật Giáo dục Đại học.

Cùng với việc giao quyền tự chủ, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, tập trung quản lý chất lượng đào tạo; các điều kiện mở ngành đào tạo, việc cấp phát bằng,…

Quy hoạch nhân lực cho ngành sư phạm: Sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và chấm dứt tình trạng đào tạo giáo viên vượt quá nhu cầu như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo cần tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao và xây dựng một số chương trình giáo dục đại học đạt trình độ quốc tế, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đầu tư xây dựng một số trường đại học xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực. Quy hoạch ngành đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của vùng miền, cân đối tỷ lệ đào tạo giữa các khối ngành một cách hợp lý.

Xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cầu, đảm bảo về chất lượng, phấn đấu đến năm học 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học.

Đào tạo theo nhu cầu XH và hợp tác với doanh nghiệp

Bộ GD&ĐT nhận định, trong ba năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đã tập trung triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành: Công nghệ thông tin và Truyền thông, Y tế, Xây dựng và giao thông, Tài chính- Ngân hàng, Du lịch, Chế biến thực phẩm, Quốc phòng, An ninh theo kế hoạch. Phối hợp với các cơ quan liên quan; các địa phương, các ngành và tổ chức quốc tế xây dựng dụ báo nhu cầu nhân lực trình độ đại học, cao đẳng giai đoạn 2011-2015.

Về cơ bản, hoạt động mở ngành đào tạo được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo các điều kiện theo quy định; bước đầu, việc mở ngành đã bám sát quy hoạch phát triển nhân lực. Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã định hướng cụ thể việc mở các ngành đã có hiện tượng thừa nhân lực như ngành: Kinh tế; Kế toán Quản trị Kinh doanh; Tài chính- Ngân hàng và có sự định hướng, hỗ trợ các trường trong việc xây dựng và phát triển các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.