> Thí sinh gào khóc nức nở vì đi thi muộn
> Nhiều thí sinh vẫn mang điện thoại vào phòng thi
Thí sinh làm bài thi sáng nay, 9/7, tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý. |
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: ĐỊA LÍ; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (8,0 điểm)
Câu I (2,0 điểm)
Trình bày khái quát về Biển Đông và các thiên tai ở vùng ven biển nước ta.
Đô thị hóa nước ta có đặc điểm gì. Tại sao tỉ lệ dân thành thị của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình của thế giới?
Câu II (3,0 điểm)
Phân tích những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành thủy sản nước ta.
Trình bày việc khai thác tài nguyên khoáng sản vùng biển nước ta. Tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển
Câu III (3,0 điểm)
Dựa vào bảng số liệu dưới đây, hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu của nó phân theo thành phần kinh tế ở nước ta năm 2006 và năm 2010
GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ
(Đơn vị : tỉ đồng)
(Nguồn : Niên giám thống kê Việt Nam 2011, NXB Thống kê, 2012)
2. Nhận xét quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu của nó phân theo thành phần kinh tế ở nước ta năm 2006 và năm 2010 từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
II. PHẦN RIÊNG (2,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc IV.b)
Câu IV.a. Theo Chương trình Chuẩn (2,0 điểm)
Phân tích những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên để phát triển nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Câu IV.b. Theo Chương trình Nâng cao (2,0 điểm)
Phân tích việc sử dụng đất nông nghiệp ở trung du và miền núi nước ta. Tại sao sử dụng hợp lí đất đai ở đây trở thành vấn đề quan trọng.
BÀI GIẢI
Câu I :
Trình bày khái quát về Biển Đông và các thiên tai ở vùng ven biển nước ta.
a/ Trình bày khái quát về Biển Đông - Biển Đông là một biển rộng, có diện tích 3,477 triệu km2 (lớn thứ hai trong các biển của Thái Bình Dương).
- Là biển tương đối kín, phía đông và đông nam được bao bọc bởi các vòng cung đảo.
- Biển Đông nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa.
Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa và tính chất khép kín của Biển Đông được thể hiện qua các yếu tố hải văn (nhiệt độ, độ muối của nước biển, sóng, thuỷ triều, hải lưu) và sinh vật biển.
b/ Các thiên tai ở vùng ven biển nước ta.
- Bão: mỗi năm trung bình có ba đến bốn cơn bão trực tiếp từ Biển Đông đổ bộ vào đất liền nước ta, gây nhiều thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống.
- Sạt lở bờ biển: xảy ra nhiều ở dải bờ biển Trung Bộ.
- Cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang hóa đất đai.
Sử dụng hợp lí nguồn lợi thiên nhiên biển, phòng chống ô nhiễm môi trường biển, phòng chống thiên tai là những vấn đề hệ trọng trong chiến lược khai thác tổng hợp, phát triển kinh tế biển ở nước ta.
Đô thị hóa nước ta có đặc điểm gì. Tại sao tỉ lệ dân thành thị của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình của thế giới?
a/ Đô thị hóa nước ta có đặc điểm
- Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra chậm chạp, trình độ đô thị hóa thấp:
- Tỉ lệ dân thành thị tăng: Năm 2005, số dân thành thị chiếm 26,9% dân số cả nước, nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực.
- Phân bố đô thị diễn ra không đồng đều giữa các vùng: Cả nước có 689 đô thị, trong đó tập trung nhiều ở Trung du miền núi Bắc bộ, ĐB sông Hồng, ĐB sông Cửu Long. Ít đô thị nhất là ở Tây Bắc, sau đó Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
b/ Tỉ lệ dân thành thị của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình của thế giới do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra chậm.
Câu II:
1. Phân tích những điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành thủy sản nước ta.
- Có bờ biển dài 3260km, vùng đặc quyền kinh tế rộng.
- Nguồn lợi hải sản khá phong phú (tổng trữ lượng khoảng 3,9 đến 4,0 triệu tấn).
- Có nhiều ngư trường trong đó có 4 ngư trường trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Thuận - Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hoàng Sa - Trường Sa, Cà Mau - Kiên Giang.
- Có ao hồ, sông ngòi dày đặc. Dọc bờ biển có nhiều vũng vịnh, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn có khả năng nuôi trồng. Thuận lợi cho ngành nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, nước ngọt.
2. Trình bày việc khai thác tài nguyên khoáng sản vùng biển nước ta. Tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển.
a/ Việc khai thác tài nguyên khoáng sản vùng biển nước ta:
Khoáng sản: Dầu khí (có trữ lượng lớn và giá trị nhất), hai bể dầu lớn nhất hiện nay là Nam Côn Sơn và Cửu Long. Các bãi cát ven biển có trữ lượng titan lớn. Cát trắng cho công nghiệp thủy tinh. Vùng ven biển còn thuận lợi cho nghề làm muối.
b/ Các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển
- Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa.
- Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.
Câu III.
1. Xử lí số liệu
CƠ CẤU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ
(Đơn vị :%)
Tính bán kính:
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN CƠ CẤU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ NĂM 2006 - 2010
2. Nhận xét quy mô giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu của nó phân theo thành phần kinh tế ở nước ta năm 2006 và năm 2010 từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.
- Từ năm 2006 đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp và cơ cấu của nó phân theo thành phần kinh tế có sự thay đổi :
+ Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 so với năm 2006 tăng 1,6 lần.
+ Tỉ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm (dẫn chứng).
+ Tỉ trọng của khu vực ngoài Nhà nước tăng (dẫn chứng).
+ Tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng (dẫn chứng).
Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao nhất, đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực kinh tế Nhà nước dù chiếm tỉ trọng thấp nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo.
- Có sự thay đổi trên là do đa dạng hóa các thành phần kinh tế, mở rộng quan hệ đầu tư nước ngoài nhất là khi nước ta gia nhập WTO.
Câu IV.
Phân tích những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên để phát triển nền nông nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
a. Thuận lợi:
* Đất đai: đất phù sa có 3 nhóm chính:
+ Đất phù sa ngọt: diện tích 1,2 triệu ha (chiếm hơn 30% diện tích tự nhiên của đồng bằng), màu mỡ nhất, phân bố thành dải dọc sông Tiền, sông Hậu.
+ Đất phèn: có diện tích lớn nhất với hơn 1,6 triệu ha (41% diện tích tự nhiên của đồng bằng), tập trung ở Đồng Tháp Mười, Hà Tiên, vùng trũng ở Cà Mau.
+ Đất mặn: với gần 75 vạn ha (19% diện tích tự nhiên của đồng bằng) ven biển Đông và vịnh Thái Lan.
- Đất đai thuận lợi cho việc hình thành vùng trọng điểm lương thực thực phẩm đứng đầu cả nước.
* Khí hậu: cận xích đạo. Tổng số giờ nắng trung bình năm là 2200 – 2700 giờ. Chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm 25 – 27oC. Lượng mưa lớn (1300 – 2000mm), tập trung vào tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).
- Thuận lợi cho việc trồng lúa, cây ăn quả nhiệt đới.
* Sông ngòi, kênh rạch: chằng chịt cắt xẻ châu thổ thành những ô vuông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, sản xuất và sinh hoạt.
* Sinh vật: rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu...) và rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp). Về động vật, có giá trị hơn cả là cá và chim.
* Tài nguyên biển: phong phú với hàng trăm bãi cá, bãi tôm và hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.
b. Khó khăn:
- Mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau. Vì thế, nước mặn xâm nhập vào đất liền, làm tăng độ chua và chua mặn trong đất. Ngoài ra, đôi khi có thể xảy ra các thiên tai khác.
- Phần lớn diện tích của đồng bằng là đất phèn, đất mặn. Cùng với sự thiếu nước vào mùa khô đã làm cho việc sử dụng và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một vài loại đất lại thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng hoặc đất quá chặt, khó thoát nước.
- Mùa lũ nước ngập trên diện rộng.
Phân tích việc sử dụng đất nông nghiệp ở trung du và miền núi nước ta. Tại sao sử dụng hợp lý đất đai ở đây trở thành vấn đề quan trọng.
a/ Phân tích việc sử dụng đất nông nghiệp ở trung du và miền núi nước ta:
- Đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác. Đất phù sa cổ, đất phù sa ven sông và các cánh đồng ở miền núi như Than Uyên, Nghĩa Lộ, Điện Biên, Trùng Khánh, …
- Các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.
- Đây là vùng chè lớn nhất cả nước với các loại chè nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái ...
- Các cây thuốc quí (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả...), các cây ăn quả (mận, đào và lê). Ở Sa Pa có thể trồng rau ôn đới và sản xuất hạt giống quanh năm, trồng hoa xuất khẩu.
- Kết hợp thuỷ lợi với canh tác làm ruộng bậc thang, đào hố vảy cá, trồng cây theo băng.
- Cải tạo đất hoang bằng các biện pháp nông-lâm kết hợp.
b/ Việc sử dụng hợp lý đất đai ở trung du miền núi nhằm đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây đặc sản cho phép phát triển nền nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả cao và có tác dụng hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng.
Nguyễn Thị Định
Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn