Khu đô thị mới Hà Nội: Bùng phát mầm non tư thục

Khu đô thị mới Hà Nội: Bùng phát mầm non tư thục
TP - Hưởng ứng chủ trương xã hội hoá, trường mầm non tư thục, nhóm lớp tại Hà Nội mọc lên như nấm tại các khu đô thị mới. Bên cạnh ý nghĩa tích cực, hệ thống trường, nhóm lớp mầm non tư thục cũng đang bộc lộ nhiều bất hợp lý...

> Can thiệp sớm, trẻ tự kỷ có thể đi học
> Cuối năm tìm chỗ gửi con

Đủ kiểu mô hình

Lớp mầm non Búp măng xanh tại 22B1, Khu đô thị Đại Kim là căn nhà liền kề mặt đường lớn. Hệ thống cửa sổ hai bên căn nhà đều quay ra đường lớn tấp nập xe cộ qua lại khá ồn ào.

Trong vai phụ huynh đi tìm chỗ học cho con, chúng tôi được một cô giáo trẻ tại đây dẫn đi thăm quan từ tầng một đến tầng bốn. Do đóng kín cửa kính tầng một, lại thiếu thiết bị thông khí, điều hoà nên căn phòng khá bức bối bởi mùi thức ăn, ẩm mốc từ bếp.

Trèo lên cầu thang dốc ngược, chúng tôi bất ngờ nhận ra mô hình “hai trong một”. Đây cũng là nơi gia đình cô “hiệu trưởng” ở. Bếp nấu ăn tập thể được bố trí chung với không gian sinh hoạt của các cháu nên càng thêm chật chội, ngột ngạt.

 “Cả Khu đô thị Việt Hưng không có một trường mầm non công lập là vô lý. Trong khi đó, hàng chục ngàn mét vuông đất tại đây bỏ hoang cả chục năm qua được cho thuê kinh doanh nhà hàng, quán nhậu” 

Ông Nguyễn Như Điền, phòng 804K4, Khu đô thị Việt Hưng

Ngay gần đó, nằm khuất hẳn trong con ngõ nhỏ tại 24/F1 Đại Kim - Định Công là Trường mầm non Việt Mỹ. Bước vào tầng một, mùi hương khói lẫn với mùi bếp nấu xộc vào mũi. Tầng một tối om, dùng làm nơi để xe cho các cô. Trên các tầng, phòng học khá chật chội.

Tại Khu đô thị Linh Đàm, do nằm ngay mặt đường nên các cháu học tại Phân hiệu Sunrise thuộc hệ thống Trường mầm non tư thục Minh Phương phải chơi trên vỉa hè khá nguy hiểm mỗi khi có xe cộ chạy qua.

Cũng giống như nhiều cơ sở khác, trường này là một căn nhà liền kề được thuê lại, bố trí dày đặc các lớp học. Tại tầng 2 nhà này, do không cải tạo lại nhà nên vào lớp này phải đi qua lớp kia khá bất tiện, ồn ào và thiếu sự độc lập về không gian sinh hoạt cho các cháu.

Hệ thống bảo vệ chống tai nạn tại Phân hiệu Sunrise chỉ mang tính hình thức, tấm lưới màu trắng đục treo lơ lửng từ tầng một lên tầng 3 nhưng không được buộc hay níu vào đâu cả. Vào buổi trưa, khi bếp ăn ở tầng một nổi lửa là cả cô và cháu cùng hít chung mùi gas, mùi mắm muối không mấy dễ chịu.

Tại Khu đô thị Việt Hưng thuộc quận Long Biên, chỉ chừng hai mươi phút chúng tôi đã đếm được tới 9 trường mầm non tư thục, với những cái tên khá kêu như: Thế giới trẻ thơ, Thiên thần nhỏ, Sao Việt...

Riêng Trường mầm non Hải Phương có tới 3 cơ sở tại khu đô thị Việt Hưng. Trong đó, một cơ sở nằm cheo leo trên khu căn hộ thuộc K12 Việt Hưng. Ngoài ra, tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, nhiều nhóm lớp mầm non được treo biển là “trường mầm non”...

Vắng bóng trường công lập

Bác Nguyễn Như Điền, trú tại phòng 804K4, Khu đô thị Việt Hưng cho biết do thu nhập của vợ chồng người con trai quá thấp nên không thể thuê người giúp việc, cháu lớn 5 tuổi hằng ngày mẹ đưa đi học, còn đứa nhỏ mới 5 tháng giao lại cho ông nội. Bác Điền cho hay, lý do phải đưa cháu lớn đi học xa là các trường tư thục trong khu đô thị học phí đều từ 2,3 đến 3 triệu đồng/tháng, gia đình không thể lo được.

Ông Đặng Văn Trường, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, hiện nay, quận có 26 trường mầm non công lập và tư thục được cấp phép trên địa bàn 14 phường. Theo quy định, những nơi phải có 6-7 nhóm lớp trở lên thì mới đủ quy mô thành lập trường.

Ngoài ra, toàn quận còn có 150 nhóm lớp mầm non quy mô nhỏ do UBND các phường cấp phép. Các lớp này không được phép đề tên là trường mà phải ghi rõ là “lớp mầm non”.

Cũng theo ông Trường, đúng là nhóm lớp mầm non bây giờ mọc lên nhiều, ai cũng mong muốn các cháu được học ở những trường đạt tiêu chuẩn, có sân chơi, cây xanh rộng rãi. Tuy nhiên, các khu đô thị lớn tại quận Hoàng Mai như Pháp Vân - Tứ Hiệp, Linh Đàm, Định Công... đều không có trường công lập, trong khi đất xây trường bỏ hoang khắp nơi.

Với các trường khi được cấp phép đều phải tuân theo quy hoạch, nhưng với lớp mầm non thì không quy hoạch mà theo đề nghị của nhà đầu tư, nhu cầu của người dân.

Một nguyên nhân dẫn tới các lớp mầm non mọc lên nhiều những năm vừa qua, theo ông Trường, đó là dân số tăng nhanh. Năm 2004, quận Hoàng Mai chưa đầy 18 vạn dân thì đến nay số dân đã lên đến 35 vạn.

Trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu. “Về chuyên môn, hiệu trưởng các trường mầm non công lập giúp cho quận quản lý các lớp mầm non tư thục. UBND phường chịu trách nhiệm cấp phép mở lớp. Năm qua, quận Hoàng Mai đã đình chỉ một số lớp mầm non vi phạm...”- ông Trường khẳng định.

Đình chỉ trường mầm non không đủ điều kiện

Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập, theo đó cơ quan quản lý các cấp phải tăng cường rà soát, kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các cơ sở GD mầm non không đủ điều kiện hoạt động. Đối với cơ sở GD mầm non đang hoạt động mà chưa được cấp phép cần hướng dẫn, hỗ trợ để chủ trường, chủ nhóm lớp hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép theo quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.