> Chủ tịch tỉnh lắng nghe cô giáo...khóc
> Nhà trường không tổ chức đi tham quan trước và sau Tết
Hiệu phó cũng ngoài biên chế
Từ khi Quyết định 402/2012/QĐ-UBND có hiệu lực ngày 9 - 2 - 2012, nhiều giáo viên được khích lệ, động viên, song không ít người làm nhiệm vụ cô nuôi buồn tủi vì chịu nhiều thiệt thòi, trong đó có 20 cô nuôi đang làm việc tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Nga Sơn.
Các cô cho biết, cũng là người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cùng được Nhà nước cho đi học, song các cô đứng lớp thì được đưa vào tuyển dụng viên chức, hưởng chế độ theo quy định, còn các cô nuôi lại nằm ngoài đối tượng tuyển dụng, khiến họ thiệt đơn thiệt kép.
Bà Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường Mầm non Nga Hải (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) than thở: 32 năm cống hiến cho ngành giáo dục, tôi được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nga Hải, liên tục được bầu là chiến sĩ thi đua cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được trao Huy chương vì sự nghiệp giáo dục…
Năm 2003, tôi được ngành cử đi học lớp chế biến dinh dưỡng do tỉnh tổ chức. Nhưng, trong đợt tuyển viên chức vừa rồi, tôi lại nằm ngoài đối tượng tuyển dụng, rất thiệt thòi - Bà Hằng nói.
Tương tự, bà Lê Thị Liên (sinh năm 1966, giáo viên Trường Mầm non Ba Đình) cho biết, năm 1996 – 1997, bà học lớp sư phạm Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, năm 2003 – 2005 tiếp tục học trung cấp chế biến ăn uống. Bà được ký hợp đồng làm giáo viên nuôi dưỡng của trường Ba Đình từ năm 2005.
Theo Quyết định 402, bà Liên hoàn toàn đạt “chuẩn” để tuyển dụng viên chức. Nhưng, chỉ vì là giáo viên nuôi dưỡng, bà cùng nhiều người khác phải “nằm ngoài” biên chế.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những trường hợp như bà Hằng, bà Liên đều công tác ở trường mầm non từ những năm rất khó khăn, khi trường lớp còn là túp lều tạm, chế độ phụ cấp chỉ 10kg thóc/tháng. Không ít người, vì chế độ quá bèo bọt, đã bỏ nghề, song bà Hằng, Liên và nhiều người khác vẫn cố bám trụ để chăm sóc trẻ đến ngày hôm nay.
Chi trả thấp
Ông Bùi Đình Cảm, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, hiện, kinh phí chi trả cho giáo viên mầm non rất thấp, trong đó tỉnh hỗ trợ khoảng 600.000 đồng/người/tháng. Đến năm 2011, huyện hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người/tháng. Cộng với xã phấn đấu thêm 200.000 đồng, mỗi cô được trả 1,1 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Cảm, cuối năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính cấp hỗ trợ cho ngành học mầm non trên địa bàn, đồng thời tỉnh cũng trích ngân sách để giải quyết chế độ cho ngành học này.
Theo đó, ngân sách của trung ương và tỉnh trả cho công chức (giáo viên giảng dạy, nhân viên hành chính), với các chế độ theo quy định. Với cô nuôi, do ngân sách khó khăn, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, xã thuê hoặc ký hợp đồng. Tiêu chuẩn mỗi lớp 50 cháu một cô nuôi. Trường thu kinh phí của phụ huynh để chi trả lương, bảo hiểm y tế… cho đối tượng này.
Ông Cảm cho biết, huyện Nga Sơn có 20 cô nuôi được ký hợp đồng trước 31 - 12 - 2010, chín cô ký sau. Trong 20 cô này, 10 cô có thâm niên ít nhất trên 10 năm.
"Trước đó, huyện động viên các cô vào làm việc nên không có bằng cấp. Về sau, Nhà nước quy định giáo viên bậc mầm non phải có bằng từ trung cấp sư phạm trở lên, nên huyện cử 10 cô đi học lớp chế biến nấu ăn (do Sở GD&ĐT đứng ra tổ chức)".
"Đến nay, khi thực hiện Quyết định 402, những cô đủ tiêu chuẩn bằng cấp, được tuyển vào biên chế. Những người chỉ có bằng trung cấp nấu ăn, thì dùng kinh phí đóng góp của cha mẹ học sinh chi trả. Như vậy, 20 cô nuôi nằm ngoài diện này nên các cô mới thắc mắc”, ông Cảm nói.
Không công bằng
Về trường hợp các cô nuôi không được xét tuyển biên chế ở Nga Sơn, ông Bùi Trung Anh, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, danh sách tỉnh duyệt do huyện đưa lên. Kinh phí về tới huyện rồi mà không chuyển biên chế, thì phải xem lại trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, xem lý do gì mà không tuyển.
Còn ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Xương, khẳng định: Ở huyện Quảng Xương, chúng tôi làm rất nghiêm, không có kế toán trong biên chế.
Trước đây, Sở GD&ĐT Thanh Hóa thấy, dù là trường mầm non bán công, nhưng việc ăn ở bán trú của các cháu rất cần thiết, cần phải có nghiệp vụ nấu ăn để đáp ứng nhu cầu, nên Sở đã tổ chức mở lớp trung cấp nấu ăn và cử các cô có chứng chỉ sơ cấp sư phạm mầm non đi học. Do đó, hầu hết các cô này đều đủ tiêu chuẩn tuyển vào biên chế theo quyết định của tỉnh.
Ông Trương Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Xương cho biết thêm, cô nuôi là những người tham gia đóng góp công sức từ nhiều năm nay, thế mà bị loại ra, thực sự không công bằng.
Lãnh đạo đang… xem xét? Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trường hợp 20 cô giáo ở Nga Sơn tôi cũng đã được biết. Thông thường, Nghị quyết về tổng biên chế ngành giáo dục do chúng tôi tham mưu, trình hội đồng, làm quyết định cho UBND tỉnh ra thông báo. Nhưng, do ngành giáo dục hơi đông nên chúng tôi chịu trách nhiệm về tiểu học và trung học cơ sở, còn mầm non là Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm hoàn toàn. Sở GD&ĐT đưa về cho các huyện chọn. Lúc đó, Sở không nói với chúng tôi, chứ nói thì đã khác, phải mời họ lên rồi bàn, chứ sao lại để huyện tự xét. Tôi không nhớ chính xác nhưng nghe người ta nói là có người đủ tiêu chuẩn không được, người chưa đủ lại được - ông Dũng cho hay. Cũng theo ông Dũng: Không riêng huyện Nga Sơn, mà còn một số huyện nữa đều có trường hợp cô nuôi bậc mầm non được Sở GD&ĐT mời đi học về nghiệp vụ nấu ăn và chăm sóc trẻ, nhưng giờ lại không được xét vào biên chế. “Hôm trước, ông Ninh, Bí thư Tỉnh ủy (ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – PV) điện thoại cho tôi, nói, chính các cô nuôi còn quan trọng hơn một số đối tượng khác, vì họ đã cống hiến, hi sinh bao nhiêu năm cho ngành giáo dục. Vậy mà khi chuyển các cô mầm non bán công sang công lập lại không thấy ai báo cáo chuyện này. Tôi cũng đang bàn với Sở GD&ĐT để tìm phương án giải quyết cho số cô nuôi này”, ông Dũng nói. |