Vinh danh nhà giáo: Quá ít chỗ cho giáo viên phổ thông

Vinh danh nhà giáo: Quá ít chỗ cho giáo viên phổ thông
TP - Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú là những danh hiệu cao quý nhất mà Chủ tịch nước phong tặng cho những người làm nghề sư phạm. Giáo viên phổ thông và mầm non chiếm số lượng áp đảo trong đội ngũ nhà giáo của cả nước nhưng rất ít người được xướng tên trong các đợt phong tặng danh hiệu cao quý này. Vì sao?

> Vinh danh nhà giáo nhiệt huyết với công tác Đoàn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho các nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2012
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho các nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2012.

Thờ ơ với danh hiệu ưu tú

Dịp 20-11 vừa qua, trên các phương tiện truyền thông ngập tràn thông tin Bộ GD&ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam, đồng thời vinh danh các nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (NGND, NGƯT) năm 2012.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi đề tài này với nhiều nhà giáo thì hầu hết các thầy, cô dù kỳ cựu hay mới vào nghề đều tỏ ra thờ ơ, xem đó là chuyện quá… xa vời.

Một giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn – Đông, Hà Nội cho biết: “Trường tôi từ ngày thành lập đến giờ (42 năm) có 5 thầy cô được phong tặng danh hiệu NGƯT, nhưng đều thuộc thế hệ cũ. Từ khi tôi về trường đến giờ đã 7 năm, chẳng thấy thêm thầy cô nào đạt danh hiệu đó. Hiệu trưởng, hiệu phó đương nhiệm cũng chẳng dám mơ nói gì đến lớp trẻ chúng tôi!”.

Một giáo viên THPT ở cụm Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới (tháng 2-2012) về việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, xét thấy một số tiêu chuẩn với giáo viên có vẻ giảm so với trước, một số giáo viên động viên những thầy, cô lớn tuổi và có uy tín của các trường trong cụm làm hồ sơ. Tuy nhiên, không một thầy cô nào đủ nhiệt tình để làm hồ sơ, vì cho rằng “có làm cũng không được”.

Ở Long Biên – Gia Lâm có 7 trường THPT công lập nhưng từ trước đến nay chỉ 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT, đó là thầy Tôn Tích Long và thầy Đặng Đình Đại.

Cả hai thầy đều từng là hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều và cũng chỉ được phong tặng danh hiệu NGƯT trước khi về hưu một vài năm.

Vướng từ địa phương?

Đến nay, cả nước có 528 NGND, 6.736 NGƯT. So với 1,2 triệu nhà giáo thì những con số nói trên không nhiều nhưng không phải là quá ít. Tuy nhiên, với giáo dục phổ thông và mầm non thì danh hiệu NGND thực sự là “của hiếm”.

Trong 40 NGND được phong năm nay không có một gương mặt nào đại diện các cấp học này. Danh hiệu NGƯT thì dễ hơn, trong 510 NGƯT được phong năm nay thì già nửa là nhà giáo của các địa phương, non nửa còn lại công tác ở các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo ĐH – CĐ.

Nhưng trong 294 nhà giáo của các địa phương được phong danh hiệu NGƯT năm nay chỉ có 69 giáo viên đang trực tiếp làm nhiệm vụ nuôi dạy, dạy học mà không phải là cán bộ quản lý (từ cấp Phó Hiệu trưởng trở lên).

So với tổng số 610 nhà giáo được phong tặng các danh hiệu NGND, NGƯT, con số này chỉ chiếm 11,3%!

“Đã xét NGND, NGƯT thì chỉ xét những người đang trực tiếp làm công tác dạy học. Còn muốn vinh danh cán bộ quản lý thì nên đẻ ra một danh hiệu mới cho họ, kiểu như cán bộ quản lý giáo dục xuất sắc. Còn một khi anh đã rời bục giảng để sang làm công tác quản lý nghĩa là anh chấp nhận đánh đổi sự nghiệp này để lấy một sự nghiệp khác. Anh làm quản lý rồi thì anh có niềm vui của người làm quản lý, anh còn ham cái phần thưởng của giáo viên mà làm gì?”, GS Văn Như Cương đề xuất.

Một cán bộ Phòng Thi đua khen thưởng Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, việc không nhiều nhà giáo bậc phổ thông và mầm non không làm quản lý được phong danh hiệu NGƯT phụ thuộc vào đề xuất của các địa phương.

“Chúng tôi lập danh sách đề nghị chủ tịch nước xét tặng NGND, NGƯT căn cứ vào hồ sơ ở dưới đề nghị lên. Riêng với giáo viên không làm quản lý ở dưới chuyển hồ sơ lên là chúng tôi thông qua ngay. Không chỉ vậy mà khi tham mưu cho lãnh đạo bộ soạn Thông tư 07, chúng tôi đã hạ rất nhiều tiêu chuẩn dành cho giáo viên, nhất là với giáo viên vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Chẳng hạn tiêu chuẩn về thời gian công tác với giáo viên được phong tặng NGƯT thì chỉ cần 15 năm, cán bộ quản lý phải 20 năm trong đó có 10 năm trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn còn được tính hệ số thời gian công tác là 1,33”, vị cán bộ này cho biết.

Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng cho rằng, việc xét đề nghị tặng danh hiệu NGƯT chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là của lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Căn cứ đề nghị của các địa phương năm nay cho thấy, bên cạnh những tỉnh/ thành chỉ có lãnh đạo mới được đề nghị phong tặng NGƯT thì có ba tỉnh mà đa số giáo viên trong danh sách đề nghị không làm quản lý: An Giang có 6/7 NGƯT là giáo viên không làm quản lý; Bình Dương có 13/19; Vĩnh Long có 6/10.

Còn lại, rất nhiều nơi danh sách đề nghị xét tặng NGƯT chỉ thấy giám đốc - phó giám đốc sở, trưởng phòng, phó phòng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… Như Lâm Đồng có 2 NGƯT giữ vị trí giám đốc sở, phó giám đốc sở; Lào Cai duy nhất một NGƯT đang ở vị trí giám đốc sở; Phú Yên có 3 NGƯT thì 2 người là phó giám đốc sở; Lai Châu cũng có 3 NGƯT thì hai người là giám đốc và phó giám đốc sở .v.v…

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ cũng như của hội đồng thi đua khen thưởng các cấp là rất quan tâm tới đội ngũ nhà giáo không làm quản lý.

“Nếu ít nhà giáo không làm quản lý đạt các danh hiệu này là do khi đưa ra xét các thầy cô không đủ tiêu chuẩn được quy định trong thông tư 07/2012 của Bộ GD&ĐT”, ông Hùng nói.

Nhưng nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý cho rằng, nên xem xét lại các tiêu chuẩn cũng như đối tượng quy định trong thông tư 07 khi xét tặng các danh hiệu NGND, NGƯT.

Chẳng hạn không nên gộp cán bộ quản lý (cho dù quản lý giáo dục) và giáo viên trực tiếp vào một danh xưng chung là NGND, NGƯT.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG