Dẹp dạy thêm: Tăng lương thôi chưa đủ

Dẹp dạy thêm: Tăng lương thôi chưa đủ
TP - Lâu nay công luận coi dạy thêm, học thêm như vấn nạn của ngành giáo dục. Người ta đổ lỗi cho chương trình nặng nề, lương giáo viên không đủ sống nên ép học sinh học thêm để tăng thu nhập.

> Để trong sạch, nhà giáo cần sống được bằng lương

Nhiều người còn quy kết dạy thêm như là nạn tham nhũng trong giáo dục. Bất chấp những nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục, dạy thêm, học thêm vẫn khó kiểm soát, bởi các giải pháp không giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo tôi, hiện tượng vì sợ bị giáo viên trù úm; học sinh phải học thêm thầy cô do muốn kiếm thêm thu nhập đã dùng xảo thuật ép học sinh học thêm là có nhưng chỉ xảy ra với những bậc học thấp hoặc ở thành phố.

Nếu coi đó là nguyên nhân chính, phổ biến để tìm cách đối phó thì sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Thực tế dạy thêm, học thêm cũng theo quy luật cung - cầu nên không thể giải quyết triệt để bằng những mệnh lệnh hành chính. Nếu còn học sinh có nhu cầu học thêm thì ắt sẽ có giáo viên dạy thêm.

Ở quê tôi, hầu hết các bậc phụ huynh có con đi học thêm đều chấp nhận tốn kém để thi đậu đại học, coi đó là mục tiêu phấn đấu cho tương lai. Đa số họ là công chức hoặc gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá giả.

Họ không hiểu lắm chương trình giáo dục mà chỉ biết muốn đậu vào một trường đại học danh tiếng nào đó thì phải trải qua kỳ thi rất khó khăn.

Nếu không đạt được mục tiêu đó thì coi như 12 năm cắp sách đến trường là vô nghĩa. Vì thế, dù con không muốn học thêm thì cũng bị bố mẹ ép phải học.

Đa số giáo viên có kinh nghiệm cũng đều cho rằng, chương trình phổ thông hiện rất nặng nề, dù đã được giảm tải, nên rất ít học sinh đủ tự tin tham gia kỳ thi đại học mà không đi học thêm.

Chỉ có những em không đủ điều kiện học thêm thì đành chấp nhận. Có lần giáo viên chúng tôi tự đặt câu hỏi với nhau: “Nếu bây giờ tăng lương cao cho giáo viên đủ sống thì có đi dạy thêm nữa không?”.

Một giáo viên dạy toán giỏi có tiếng ở quê tôi trả lời: “Với thực trạng học để ứng thí thì dù có tăng lương đến 100 triệu đồng tháng cũng không thể chấm dứt dạy thêm được. Thậm chí khi đó, giá học thêm còn đắt hơn, vì nó phải tương xứng với lương của giáo viên”.

Như vậy để giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm thì các nhà quản lý giáo dục phải tạo cơ chế để giờ học chính khóa giải quyết được đầy đủ các yêu cầu kiến thức kỹ năng mà học sinh cần cho cuộc sống và các kỳ thi.

Việc tăng lương để đảm bảo cho đời sống của nhà giáo là cần thiết nhưng đó không phải là giải pháp để giải quyết các tiêu cực của ngành và vấn đề dạy thêm, học thêm.

Hồ Tuấn Anh
Giáo viên trường THPT Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG