Lương thấp, nghề giáo mất dần vị thế

Lương thấp, nghề giáo mất dần vị thế
Lương không đủ sống, thầy cô giáo phải làm thêm, dạy thêm. Muốn nâng vị thế người thầy trước hết phải nâng lương.

Lương thấp, nghề giáo mất dần vị thế

Lương không đủ sống, thầy cô giáo phải làm thêm, dạy thêm. Muốn nâng vị thế người thầy trước hết phải nâng lương.

Các thế hệ thầy trò trao đổi về nghề tại buổi tọa đàm sáng 8-11
Các thế hệ thầy trò trao đổi về nghề tại buổi tọa đàm sáng 8-11. Ảnh: QV
 

Sáng 8-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Người thầy nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo”. Hội thảo đã thu hút hơn 60 tham luận xoay quanh vấn đề làm sao để nâng vị thế người thầy trong xã hội hiện đại khi đồng lương thấp với vòng quay mưu sinh “cơm-áo-gạo-tiền” khiến các nhà giáo phải bươn chải bằng nhiều cách mà chủ yếu là dạy thêm.

Đừng để “sư hinh” thành “sinh hư”

Mang đến buổi tọa đàm bài báo “Sư Hinh” (nghĩa đen là tiếng thơm người thầy giáo) của Bác Hồ đăng trên báo Nhân Dân ngày 9-7-1963 nói về đạo đức người thầy, PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, “mong muốn qua bài báo này, có thể liên hệ đến hình ảnh người thầy ngày nay”. Trong bài báo, Bác Hồ đánh giá: Tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo của chúng ta đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng, làm gương mẫu cho học trò và xứng đáng với hai chữ “Sư Hinh”.Sau đó, Bác dẫn ra hai câu chuyện ở hai ngôi trường không thực hành tiết kiệm mà lại làm những việc ảnh hưởng đến danh hiệu người thầy.“Cha mẹ học trò rất thắc mắc về việc làm của các thầy. Và có nhiều người đã nói một cách mỉa mai “sư hinh” hay là sinh hư!” - Bác viết.

Ông Biên đặt vấn đề: “Có lẽ nhận định như Bác Hồ cách đây gần nửa thế kỷ về trước vẫn đúng với thực trạng đội ngũ thầy cô giáo trong nền giáo dục nước nhà hiện nay. Trong đội ngũ giáo viên đương chức, những “sư hinh” vẫn chiếm tỉ lệ cao nhưng cũng nhiều lắm những hiện tượng không xứng danh với hai chữ “sư hinh”, ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của người thầy, ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách của học trò”.

Hãy để người thầy sống được bằng lương

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn thẳng, nói thật: Nhà giáo hiện nay có tâm tư rất nặng nề bởi nguồn thu nhập đã hạn hẹp sẽ càng hạn hẹp hơn và uy tín người thầy đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ tiểu học hỏi hiệu trưởng mình: “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không?”. Cô hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào tình thế phải làm thêm việc bất khả thi là quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt giấy cấp phép như thế nào, phải hậu kiểm ra sao. Dùng lực lượng nào, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì...

Đồng cảm, PGS Trần Chí Đáo, nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM: Thầy cô mất bản chất, tạo sức ép cho học sinh phải đi học thêm khi không có nhu cầu chỉ là số ít, phần đại đa số nhà giáo rất tốt, họ sống có nguyên tắc, kỷ cương, giản dị và giàu lòng tự trọng. Một mực yêu cầu thầy cô giáo phải toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục mà đồng lương họ không đủ nuôi gia đình, con cái thì sự đòi hỏi này thiếu công bằng, thiếu dân chủ.

TS Hồ Thiệu Hùng phân tích thêm: “Thử hỏi lương của một giáo viên hiện nay đủ nuôi gia đình mình sống tại đô thị trong bao lâu? Một tuần, hay nửa tháng là cùng. Vì vậy, nguyện vọng số một của nhà giáo là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh hơn, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học và để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình”.

Theo Quốc Việt
Pháp luật TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG