Hạ điểm vẫn không “bói” ra thí sinh

Hạ điểm vẫn không “bói” ra thí sinh
TP - ĐH Dân lập Cửu Long (Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là một trong số các trường được hưởng chế độ đặc thù: hạ điểm tuyển thấp hơn 1,0 điểm so với điểm sàn tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tình cảnh tuyển sinh của họ được bó gọn trong hai từ: khốn đốn!

> Hạ điểm chuẩn để cứu trường tư?

Dân lập, công lập đều khốn đốn

Sau khoảng mười ngày kể từ khi Bộ GD&ĐT bật đèn xanh cho một số trường đặc thù hạ điểm tuyển thì ĐH Dân lập (DL) Cửu Long mới có khoảng 23 thí sinh đến đăng ký xét tuyển vào trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường này là 3.000 người nhưng đến thời điểm này trường này mới tuyển được 1/3. Thí sinh vẫn không đến dù hạ điểm sàn. Ông Nguyễn Cao Đạt, Hiệu trưởng ĐH DL Cửu Long nói: Chủ trương này cũng không “cứu” được chúng tôi và chúng tôi thực sự không hiểu thí sinh ở đâu.

Năm trước, trường này tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ có năm nay các trường mới khốn đốn thế này, không cách gì cứu vãn nổi. Tôi được biết miền Trung có trường chỉ tuyển được 50 người!

Ông Phan Văn Thơm, Phó Hiệu trưởng ĐH Tây Đô nằm ở khu vực Tây Nam Bộ cho biết, sau khi có chính sách hạ điểm sàn cũng có thí sinh đến ĐH Tây Đô đăng ký nhưng không nhiều; khoảng 20-30 thí sinh nhưng không phải tất cả đều vào học ĐH mà còn vào CĐ, dự bị… Ông Phan Văn Thơm dự báo: các trường sẽ vẫn thiếu người học.

Ở khu vực phía Bắc, ĐH Thái Nguyên còn thiếu khoảng 3.000 người học ĐH và 1.000 học CĐ. ĐH Thái Nguyên rất thiếu nguồn tuyển. ĐH Tây Bắc còn thiếu 300 chỉ tiêu; ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai là ĐH công lập cũng chưa tuyển đủ sinh viên…

Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang cho rằng, chủ trương hạ điểm chuẩn của Bộ chỉ là giải pháp tình thế do sức ép của các trường ĐH mang lại.

Có nhiều trường tư, đến thời điểm này, mới tuyển được 20%; trường công như ĐH Tiền Giang cũng chỉ mới tuyển được 50% số sinh viên cần tuyển.

Đẻ ra mấy trăm trường rồi lại cản học sinh

Đây là khẳng định của hầu hết các nhà tuyển sinh. Ông Nguyễn Cao Đạt nhận định: Có thể do Bộ GD&ĐT không nắm được tình hình và chất lượng thí sinh năm nay nên đưa ra phương án điểm sàn chưa thích hợp.

Ông Thơm còn dẫn ví dụ về sự thay đổi chính sách trong tuyển sinh của ngành GD&ĐT chưa phù hợp: mọi năm, Bộ GD&ĐT cho điểm ưu tiên khu vực cách nhau không quá 1 điểm; năm nay chỉ cách 0,5 và như thế là Bộ GD&ĐT đã đánh đồng khu vực có trình độ cao giống với khu vực có trình độ thấp - khu vực Tây Nam Bộ cũng giống như Hà Nội, Nghệ An, TPHCM…

Theo ông Đạt, Bộ GD&ĐT cho các trường ĐH, CĐ tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên nhiều trường ĐH công lập đã tự tăng chỉ tiêu thêm 20% và các trường này vét, vớt hết thí sinh. Điều này dẫn đến không còn thí sinh cho các trường ĐH ngoài công lập.

Bỏ điểm sàn hoặc định điểm sàn riêng cho các khu vực khó khăn là tốt nhất nhưng đề nghị này đã không được Bộ GD&ĐT chấp nhận, khiến cho chính Bộ phải dùng hạ sách hạ điểm sàn.

Ông Hoàng Xuân Quảng nói: Khi xác định điểm sàn, Bộ GD&ĐT đã không dự báo chính xác khiến nguồn tuyển bị cạn. Điểm sàn đã được xác định không khoa học, bởi làm sao thí sinh ở Hà Nội chuyển vào Tây Nguyên hay ĐBSCL để học?

“Tôi mong năm sau ngành GD&ĐT có chủ trương sớm, khoa học để giữ điểm sàn hợp lý hoặc bỏ sàn luôn. Sinh ra trường phải có người học. Bộ đẻ ra mấy trăm trường xong lại đặt ra rào cản để hạn chế vào học. Học sinh tốt nghiệp THPT phải có quyền học tiếp nghề nghiệp. Nếu chất lượng THPT không tốt thì vì sao Bộ không hạn chế tỷ lệ tốt nghiệp? Có thể nói, hầu hết các trường đang rất bối rối. Mới 500 trường ĐH, CĐ mà đã thế này thì đến năm 2020 có 600 trường tuyển sinh thì tình cảnh sẽ ra sao?”, ông Hoàng Xuân Quảng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG