> Giảng dạy chủ quyền biển đảo
Sôi động tiết học chủ quyền
Chiều 10-9, tiết cuối lớp Địa lý 9/3 trường THCS Trưng Vương (Hải Châu, Đà Nẵng), cô giáo Nguyễn Thị Tình tổ chức buổi chuyên đề “tìm hiểu biển đảo” cho học sinh.
Cô Tình treo tấm đồ biển đảo to rõ giữa bảng đen. Vừa trình bày, cô vừa viết kiến thức cơ bản lên bảng. Dưới lớp, học sinh chăm chú.
“Hoàng Sa là huyện đảo thuộc Đà Nẵng, Trường Sa là huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa” - lớp học đồng thanh đáp lại câu hỏi của cô giáo. Em Trần Vũ Hạnh Quyên đọc từng tọa độ hai quần đảo.
“Những tiết học này vừa được lồng ghép trong các tiết Địa lý địa phương (tiết 48, Địa lý lớp 9), và những tiết tăng cường. Lớp 9, các em được học kiến thức cơ bản nhất về hai quần đảo trên, bắt đầu học chuyên sâu hơn về cả địa kinh tế, chính trị…”, cô Tình nói.
Em Quyên cho biết việc học chủ quyền biển đảo rất sôi nổi, đa dạng, vừa bằng bản đồ, vừa làm Power point trình chiếu. Những năm trước cũng được học về biển đảo, nhưng năm nay chuyên sâu hơn.
Thầy Nguyễn Tiến Khải - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Đầu năm học, giáo viên Sử, Địa được tập huấn kiến thức biển đảo. Ở tuần lễ công dân và tại các buổi chào cờ đầu tuần, trường đều tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.
Tại Khánh Hòa, cấp tiểu học, các cháu bé được dạy những kiến thức cơ bản nhất về Trường Sa, Hoàng Sa. Khối THCS trở lên thêm kiến thức về lịch sử, quá trình xác lập chủ quyền.
Ngoài ra, còn có các bài đọc thêm, hình ảnh minh họa, các chương trình ngoại khóa bắt buộc, như tầm quan trọng của biển, đảo; Trường Sa, Hoàng Sa hôm nay và trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Theo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, bề dày truyền thống lịch sử quê hương của hải đội Hoàng Sa, cùng hoạt động kinh tế biển đảo khiến các tiết học chủ quyền luôn sinh động.
Năm nay, ngành nhân rộng việc dạy học biển đảo, chủ quyền trên toàn tỉnh, từ ngoại khóa đến chính khóa. Theo thiết kế chương trình của Bộ GD&ĐT, các số tiết học Lịch sử, Địa lý địa phương sẽ chiếm từ 10-12 tiết cho hai cấp THCS, THPT, Quảng Ngãi dành phần lớn số tiết này tập trung dạy về Trường Sa, Hoàng Sa và các biển đảo.
Tài liệu chính thức
Theo thầy Nguyễn Minh Hùng- Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng: Thành phố chủ trương đưa nội dung biển đảo vào lớp học từ 4 năm rồi nhưng tài liệu, giáo trình chưa hoàn chỉnh.
Với tài liệu chính thức vừa được công bố như cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa (UBND huyện Hoàng Sa, NXB Thông tin và truyền thông, xuất bản tháng 1-2012), tạo cơ sở hoàn chỉnh các bài học về biển đảo, chủ quyền.
Trước thềm năm học, Sở GD&ĐT Khánh Hòa hoàn chỉnh và ra mắt bộ tài liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong các bài giảng Lịch sử, Địa lý địa phương.
Theo thầy Lê Tấn Tú, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, mỗi tập tài liệu dày 35-40 trang được Sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng Khoa học lịch sử hoàn chỉnh sau hơn 1 năm nghiên cứu, biên soạn tạo “bộ sườn” dạy học hoàn chỉnh nhất.
Ở mỗi phần địa lý, lịch sử có tài liệu, giáo trình riêng. Nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện đầy đủ dưới các lĩnh vực: tổng quan, điều kiện tự nhiên, địa lý, quá trình lịch sử xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam…
Thay vì tổ chức tự phát giảng dạy như trước đây, tài liệu này giúp các trường xây dựng nội dung, số tiết, phương pháp giảng dạy, hết thời “mò mẫm” tự biên, tự dạy.