Trường công thêm quá tải?

Khối THPT được dùng 70% học phí chi cho lương. Ảnh: Hồng Vĩnh
Khối THPT được dùng 70% học phí chi cho lương. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Học sinh Hà Nội sẽ chỉ phải đóng học phí mỗi tháng 20.000 - 40.000 đồng, so với mức cũ có nơi giảm một nửa. Một số đại biểu HĐND lo ngại, trường công lập sẽ thêm quá tải và nảy sinh các khoản thu khác.

> Lo lắng trước đề xuất tăng học phí

Chiều 11-7, HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ

giáo dục quốc dân. Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa xã hội (VHXH), HĐND TP Hà Nội, cho biết, so với mức học phí cũ của 4 địa phương (Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội cũ) trước khi mở rộng Thủ đô, mức học phí mới được đưa ra cơ bản là giảm hoặc giữ nguyên: 20.000 đồng/tháng ở nông thôn và 40.000 đồng/tháng ở thành thị.

Một số địa bàn như huyện Mê Linh, so với khi về Hà Nội thì học phí tăng (mức cũ 7.000 đồng, hiện nay 20.000 đồng), nhưng được cho là không đáng kể và vẫn nằm trong quy định của Nghị định 49 của Chính phủ là học phí và các chi phí học tập không quá 5% thu nhập của hộ dân ở một vùng nhất định.

Về nguy cơ lạm thu tại các trường, đặc biệt sau khi quy định giảm học phí được áp dụng, bà Thùy cho biết, vừa qua, Ban VHXH đi giám sát và nhận thấy còn tình trạng một số trường thu các khoản không có trong quy định. Tới đây, căn cứ quy định 5% nói trên, trường nào lạm thu thì phải chịu trách nhiệm.

Trước những lo ngại về gánh nặng ngân sách sau khi giảm học phí, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, khẳng định, nếu theo nguyên tắc tính về học phí và chi phí học tập phải bằng 5% mức thu nhập của các hộ gia đình thì mức học phí đúng ra phải là 300.000 đồng/tháng cho học sinh thành thị và trên 177.000 đồng/tháng cho học sinh nông thôn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường, Hà Nội đã chi cho giáo dục tăng 20% mỗi năm so với cả nước

Với mức thu bị khuyết của các trường hiện nay do giảm học phí, Hà Nội sẽ lấy trong dự toán hằng năm 27 tỷ đồng để bù đắp, đảm bảo các trường vẫn hoạt động bình thường sau khi giảm học phí.

Bà Thùy cho biết, định mức thành phố cấp cho các trường là đủ cho điều kiện sinh hoạt bình thường. Qua giám sát cho thấy, điều kiện học tập ở các trường không giống nhau.

Có trường học sinh được học với điều hòa nhiệt độ cả mùa đông và mùa hè; có trường chỉ có quạt, mùa đông thì chống rét bằng cách đóng cửa sổ. Có trường lương giáo viên cao, có trường thấp…

Do đó, trường nào chi tiêu tiết kiệm thì sẽ đủ chi. Ban VHXH kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành rà soát, xác định tổng chi phí học tập và các khoản chi khác, sau đó tính toán ngân sách để đảm bảo cấp bù hợp lý cho các trường có mức
học phí thấp.

Theo nghị quyết nói trên, học sinh ở 13 xã miền núi khó khăn và 2 xã giữa sông được miễn học phí.

Lo trường công thêm quá tải

Trường công thêm quá tải? ảnh 1
 

Hiện nay, các trường ngoài công lập được phép thu học phí theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Trước những ý kiến cần đưa ra mức trần học phí cho khu vực này, bà Thùy cho biết, thu học phí liên quan đến chi phí đầu vào rất nhiều.

Các trường ngoài công lập ngoài hoạt động theo điều lệ trường, theo Luật Doanh nghiệp, có lợi nhuận mới đầu tư. Điều kiện học, cơ sở vật chất, môn học của mỗi trường khác nhau tùy theo thỏa thuận với phụ huynh, do đó đưa ra mức trần là rất khó.

Đó cũng là bất cập của cơ chế xã hội hóa giáo dục. Tới đây, Thường trực UBND TP sẽ báo cáo trung ương để xem xét điều chỉnh cơ chế này.

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa (quận Cầu Giấy) lo ngại, việc chỉ giảm học phí cho khối công lập có thể tạo ra sức ép quá tải cho những trường trong khối này và là nguyên nhân tạo ra các khoản thu khác.

Theo bà Hoa, mối quan tâm chính của người dân dường như không phải là học phí mà là các khoản thu khác của trường và chất lượng đào tạo. Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu đề nghị Hà Nội làm rõ các giải pháp để lường trước hệ quả có thể xảy ra do giảm học phí, như quá tải hoặc tăng thu…

TPHCM:

Rút lại tờ trình tăng học phí

TPHCM - Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM sáng 11-7, UBND TPHCM rút lại tờ trình về tăng học phí các cấp trong năm học tới. Theo lãnh đạo UBND TPHCM, sau khi cân nhắc ý kiến dư luận, cử tri, Ủy ban MTTQ, UBND TP tạm thời chưa trình kỳ họp thứ 5 vì nhận thấy tăng học phí vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, UBND TPHCM lại đề nghị xem xét, thông qua 8 tờ trình, trong đó có tờ trình về tăng phí giữ xe. Cụ thể, tăng phí giữ xe máy từ 1.000 - 2.000 đồng/xe máy số.

Mức phí trông giữ xe tay ga cao hơn xe số 1.000 đồng/lượt. Đối với ô tô, loại dưới 10 chỗ ngồi, mức phí mới là 20.000 đồng/lượt đối với các quận 1, 3, 5 và 15.000 đồng/lượt với các quận - huyện còn lại.

Phí giữ ô tô thay đổi tùy loại xe, chất lượng dịch vụ, khu vực và thời gian gửi. Càng vào trung tâm, mức phí càng cao. Phí giữ xe ban đêm cao gấp đôi ban ngày.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đối tượng gửi xe đạp, xe máy (kể cả xe tay ga) phần lớn có thu nhập thấp nên kiến nghị không tăng phí giữ xe.

Riêng các mức thu khác, HĐND TPHCM đồng ý với đề xuất của tờ trình. Hôm nay (12-7), kỳ họp thứ 5 tiếp tục với phiên chất vấn tại nghị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.