> 'Em mong vẫn được tính bài thi'
Gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô. |
Ngay trong ngày đầu tiên clip tiêu cực thi cử môn Hóa ở Hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang được đẩy lên các trang báo điện tử, chúng tôi đến xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang để gặp các tác giả của clip. Nay được sự đồng ý của những người trong cuộc, chúng tôi xin công bố nội dung cuộc trao đổi này. Xem video học sinh quay clip tố tiêu cực.
Tiếp chúng tôi trong một căn nhà khá khang trang ngay mặt đường lớn, anh N. chỉ vào cặp hồ sơ căng phồng và nói: “Tài liệu liên quan tới khiếu kiện về những tiêu cực ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô của tôi nhiều lắm, nhưng bố tôi cất hết rồi vì không muốn tôi theo đuổi việc kiện cáo. Nhưng tôi không thể bỏ bởi tôi tin việc mình làm là đúng đắn. Người ta không thể bao che mãi cho sự sai trái”.
Sau khi bị lãnh đạo Trường THPT Dân lập Đồi Ngô cho nghỉ việc (năm 2010), anh N. ở nhà tham gia kinh doanh với gia đình (vận tải, buôn bán lương thực).
Từng là giáo viên Trường Dân lập Đồi Ngô, lại là dân bản địa, anh N. có nhiều người quen, họ hàng là học sinh của trường. Qua trao đổi với các em, anh N. thấy các em bức xúc với một số hiện tượng diễn ra ở trường.
“Em học cũng không tệ lắm nhưng bị giáo viên trù dập nên sinh ra chán nản, chểnh mảng chuyện học hành. Sự bức xúc của em với trường lên đến cao độ khi một bạn gái trong lớp của em bị giáo viên tát chảy máu mồm, nhà trường biết nhưng vẫn không hề xử lý kỷ luật giáo viên”, S. nói.
Vì vậy, S. nhận lời giúp anh N. quay clip cảnh gian lận ở phòng thi.
Tiếp xúc với các phóng viên, S. kể: “Đầu giờ, khi mới bước vào phòng thi, giám thị cũng khá nghiêm. Thí sinh cũng biết ý, chưa làm gì. Về sau một vài thí sinh bắt đầu ngọ nguậy, thấy giám thị lờ đi, các thí sinh khác mới giở phao ra chép. Cũng có lúc phòng thi mất trật tự quá, giám thị nhắc nhở và có tịch thu phao của 4 - 5 bạn nhưng không ai bị lập biên bản cả”.
Khi mô tả cảnh cô giáo này, thầy giáo kia đến từng phòng đưa đáp án môn trắc nghiệm và môn Toán cho thí sinh rồi thu về cuối buổi thi ra sao, S. nhắc: “Cháu đề nghị các nhà báo không nêu rõ tên các thầy, cô trên mặt báo. Cháu nghĩ các thầy cô đi đưa phao như vậy cũng là có ý tốt của họ, muốn chúng cháu đỗ tốt nghiệp”.
Đối mặt với nguy cơ bị phát hiện là người quay clip, S. có vẻ buồn nhưng không hoang mang.
S. cho biết: “Cháu sẽ nói thật thôi. Cháu đã làm thì cháu phải chịu trách nhiệm. Với lại nói dối khó lắm vì họ chỉ cần vặn vẹo vài câu là cháu sẽ không biết trả lời thế nào cho người ta tin”.
Theo S., việc em đỗ tốt nghiệp hay không đến thời điểm này không còn thật sự quan trọng. Ngay từ trước kỳ thi, S. đã xác định học xong cấp 3 là sẽ ở nhà đi làm.
Mẹ S. mất cách đây vài năm, nhà chỉ còn 4 bố con, gia cảnh không khó khăn lắm. Trước khi ra về, S. nán lại cạnh anh N. rồi đề nghị: “Em nghĩ nếu công an hỏi thì em sẽ đứng ra nhận và chịu trách nhiệm, đừng để bạn kia (nhân vật thí sinh thứ hai thực hiện việc quay clip) phải liên luỵ”.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 8-6, anh N. nói điều anh thấy đáng tiếc là clip được công khai quá sớm, khi chưa có kết quả tốt nghiệp. “Tôi lo cho S. vì S. rất ngại với bạn bè là sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả thi của các bạn ấy”, anh N. nói.