> Bộ GD&ĐT công bố đáp án môn thi tốt nghiệp
Thí sinh trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Ảnh: Đỗ Hợp |
Vi phạm giảm
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, cả nước thành lập 2.307 hội đồng coi thi với tổng số 40.620 phòng thi, huy động 124.153 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 963.474 (trong đó 856.097 thí sinh Giáo dục THPT và 107.377 thí sinh GDTX).
Tỷ lệ thí sinh đến thi đạt 99,71% (tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2011 (99,64%).
Cũng theo Bộ GD&ĐT, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 34 (giảm 11 trường hợp so với năm 2011 và giảm 56 trường hợp so với năm 2010). Cả nước có tám giám thị bị đình chỉ coi thi.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc giao quyền chủ động đã phát huy được trách nhiệm và sự tự chủ, sáng tạo của các cấp chính quyền của ngành giáo dục và các ban ngành đoàn thể, clực lượng xã hội tại địa phương.
Ý thức chấp hành quy chế của thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi, theo đó, cũng được nâng cao, kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi chặt chẽ hơn...
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhận định, kỳ thi vẫn còn có hạn chế bất cập như một số cán bộ giáo viên còn chưa thuần thục trong việc thực hiện nhiệm vụ coi thi, hoặc có biểu hiện thiếu sâu sát, để thí sinh mang tài liệu trái quy định vào phòng thi.
Tại một số hội đồng coi thi, sau buổi thi, còn hiện tượng vứt bỏ tài liệu không được mang vào phòng thi ở sân trường, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục.
“Tuy còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, với những điều chỉnh hợp lý, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và được tổ chức đúng kế hoạch, diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế”- Thứ trưởng Hiển khẳng định.
Đề thi bảo đảm
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 “được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng coi thi, các phòng thi và thí sinh, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi”.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, đề thi các môn có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với học sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời phân hóa được trình độ thí sinh.
Đặc biệt, đề thi các môn Ngữ Văn, Lịch sử và Địa lý được dư luận đánh giá cao về việc ra hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn”.
"Phao vẫn còn nhưng ít hơn"
Trong cuộc họp báo chiều nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói, hiện tượng rải “phao” thi vẫn có nhưng ít hơn mọi năm: “Học sinh thường lo lắng đến phút chót vẫn cầm tài liệu để ôn tập lại bài trước khi thi và thi xong thường mang tài liệu ra xem lại”
Ngoài ra, cũng theo Thứ trưởng Hiển, có những thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, hi vọng có thể quay cóp, nhưng không phải tất cả giấy tờ vất ra ngoài phòng thi đều là "phao thi". Tuy nhiên, các trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này, không để thí sinh mang "phao" vào khu vực thi.
Kiểm tra chặt chấm thi
Bộ GD&ĐT có giải pháp khắc phục cục bộ trong chấm thi của các vùng miền, nhằm tránh làm lại barem môn Văn của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long năm ngoái? - phóng viên nêu câu hỏi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời, Bộ không cho phép địa phương nào viết lại hướng dẫn chấm thi của Bộ, chỉ có hướng dẫn cụ thể hơn cho giám thị về hướng dẫn chấm thi của Bộ mà thôi. Đơn vị nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Năm nay, Bộ sẽ nâng số lượng bài chấm chung so với năm trước để đảm bảo chấm đều tay.
“Thanh tra Bộ sẽ chấm lại số lượng bài nhất định - khoảng 5% bài đã chấm - để xem việc chấm thi có đảm bảo đúng hướng dẫn chấm thi của Bộ hay không”- Thứ trưởng Hiển nói.