Trường Đại học Lomonosov của Nga giữ vị trí thứ 33 trong bảng xếp hạng 100 trường đại học tốt nhất thế giới năm ngoái. |
Chảy máu chất xám là vấn đề nước Nga lo ngại hiện nay. Hệ thống giáo dục nước này đang phải cố gắng cạnh tranh để khẳng định vị trí trên thế giới.
Bảng xếp hạng 100 trường đại học hàng đầu thế giới do tạp chí danh tiếng Times Higher Education vừa công bố gần đây cho thấy, ưu thế vượt trội của các trường đại học Mỹ và sự vươn lên về vị trí xếp hạng của Trung Quốc, trong khi trường đại học Nga ngày càng tụt bậc và không có tên trong danh sách trên.
Phil Baty, biên tập viên phụ trách hệ thống xếp hạng các trường đại học của tạp chí Times Higher Education, cho biết, nước Nga cũng có một số trường đào tạo có tiếng, tuy nhiên nền giáo dục của họ nói chung gặp rất nhiều khó khăn.
Năm ngoái, trường đại học Lomonosov của Nga giữ vị trí thứ 33 - thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education.
Ông Viktor Sadovnichy, hiệu trưởng trường đại học Lomonosov, cho rằng, một trong những lý do trường tụt hạng vì các đại học của Nga nói chung chưa có danh mục chính thức về đào tạo bậc sau đại học, trong khi, tiêu chí đánh giá xếp hạng chủ yếu dựa trên chất lượng nghiên cứu hơn là chất lượng giảng dạy tại các trường đại học.
Hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời tiến sĩ Fursenko cho hay, bảng xếp hạng là công cụ cho thấy sự cạnh tranh, tầm ảnh hưởng của các trường đại học trên thế giới và không nên được xây dựng độc quyền.
Tiến sĩ Fursenko cũng cho biết, Nga đang làm việc với những chuyên gia quốc tế để chuẩn bị tạo ra hệ thống xếp hạng các trường đại học thế giới theo các phương pháp đánh giá do nước này đưa ra.
Hồi đầu tháng hai năm ngoái, thủ tướng Vladimir Putin yêu cầu tiến sĩ Fursenko và các quan chức khác thuộc bộ giáo dục tiến hành xác lập hệ thống xếp hạng các trường đại học quốc tế của riêng nước này.
“Các chuyên gia phương tây chắc chắn coi bảng xếp hạng là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường lao động. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thận trọng hơn với họ. Chúng ta cũng nên tạo ra một phương pháp đánh giá của riêng về chất lượng giáo dục mà các sinh viên tốt nghiệp nhận được từ các trường đại học”-trích lời thủ tướng Nga Putin tại cuộc họp thảo luận về vấn đề công nhận bằng tốt nghiệp đại học nước ngoài tại Nga.
Vào tháng 8 năm ngoái, ông Putin cam kết sẽ đầu tư một khoản trị giá 2,34 triệu USD vào công tác cải cách giáo dục ở Nga trong giai đoạn năm năm tới.
Bên cạnh việc xác lập riêng một hệ thống bình chọn các trường đại học, giới chức trách Nga cũng chú trọng hơn vào công tác cải cách giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất cho những trường đại học trong nước.
Cụ thể, kỳ thi đại học có tiêu chuẩn như SAT (bài thi khảo sát chất lượng) của Mỹ, có thể sẽ được áp dụng tại Nga.
Trường đại học kinh tế của Nga đang chuyển sang hình thức giảng dạy và xuất bản bằng tiếng anh.
Các trường đại học Nga thực hiện những chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học California của Mỹ, trường đại học Bochum và Freiburg của Đức.
Hiện nay, những cải cách mới bước đầu được thực hiện và nền giáo dục vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước này hy vọng, những nỗ lực trên sẽ góp phần cải thiện thứ hạng, cũng như chất lượng giáo dục của các trường đại học trong nước.
Phượng Vũ
Theo NewYork Times