> Chẻ nhỏ căn hộ cho 'vừa' gói 30.000 tỷ đồng
Trong khi đó tại hầu hết các ngân hàng, nhân viên tư vấn đều thừa nhận các thủ tục cho vay còn rất khó khăn.
Tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hà Thành (81 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), phóng viên được nhân viên tín dụng tên Xuân Q. tư vấn về thủ tục cho vay mua nhà ở xã hội (NOXH). Buổi tư vấn kéo dài chừng 30 phút, nhân viên Q. liên tục phải mở đủ các loại giấy tờ để tư vấn cho khách hàng với thái độ không mấy nhiệt tình và tỏ ra thất vọng khi PV vẫn chưa có hợp đồng mua nhà.
Theo nhân viên Q, để có thể được hỗ trợ cho vay mua NOXH tại BIDV thì đầu tiên phải có hợp đồng ký kết với chủ đầu tư mua nhà trước ngày 7/1/2013. Đây là quy định bắt buộc, và chỉ sau khi có hợp đồng này thì ngân hàng mới xét duyệt các loại giấy tờ tiếp theo như: giấy chứng nhận của UBND phường, xã về tình trạng nhà ở, hợp đồng lao động, bảng lương, bảo hiểm xã hội, giấy chứng minh nhân thân...
"Bây giờ chị vẫn chưa ký kết hợp đồng với chủ đầu tư thì hơi khó. Phải mất vài tháng chắc mới xong cái này, nhưng phải có hợp đồng này thì em mới có thể hướng dẫn cho chị những thủ tục tiếp theo được. Nhìn chung, những thủ tục này khá khó khăn, dù nói dành cho đối tượng thấp nhưng lương thấp quá thì cũng khó khăn. Người có cái này thì lại thiếu cái kia, có cái kia thì lại thiếu cái này nên giờ ở chỗ em cũng chưa có ai được vay cả" - Nhân viên tín dụng Q. cho biết.
Cũng theo anh này, ngoài hợp đồng mua NOXH đã được ký kết, thì sau đó khách hàng phải chuẩn bị khoảng hơn 10 loại thủ tục, giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ. Đó đều là những loại giấy tờ không thể thiếu trong quá trình xét duyệt.
Tương tự, tại chi nhánh Ngân hàng Quân đội (MB) ở địa chỉ 98A Nguỵ Như Kon Tum, nhân viên tín dụng Phạm Thị H. cũng hướng dẫn một loạt các loại thủ tục cần thiết cho khách hàng trong vòng.... 5 phút.
"Chị cần phải chuẩn bị hợp đồng mua NOXH, giấy đề nghị vay vốn, giấy xác nhận của đơn vị công tác, giấy xác nhận của UBND phường xã về tình trạng nhà ở, Hợp đồng lao động phải còn thời hạn ít nhất 1 năm và đã công tác ít nhất 1 năm, bảng lương của cả vợ và chồng..."
Trước hàng loạt thủ tục mà nhân viên H. đưa ra, khách hàng ghi chép không kịp và không biết chính xác là mình phải chuẩn bị bao nhiêu thủ tục. Khi khách hàng than thở sao mà lắm thủ tục và khó khăn đến vậy, nhân viên MB bank cũng mỉm cười chia sẻ: "Thủ tục nhiều và khó nhưng vẫn phải chuẩn bị đủ thì bên em mới xét duyệt hồ sơ được. Chương trình này cũng ít người vay và cũng chưa có ai vay được".
Tại ngân hàng Agribank, dường như việc hỗ trợ cho vay mua NOXH còn khá mới mẻ, nên nhân viên tín dụng chỉ dám xin số điện thoại của khách hàng và hứa sẽ liên hệ lại để tư vấn khi được cung cấp đầy đủ tài liệu và kiến thức.
Riêng chi nhánh Ngân hàng Vietinbank tại đại chỉ 101 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội, nhân viên tín dụng Nguyễn Xuân H. cho biết, hiện ngân hàng vẫn chưa thực hiện triển khai gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỷ này. Lý do được đưa ra là vẫn chưa có quy định cụ thể về mức thu nhập bao nhiêu được cho là thu nhập thấp, nên hệ thống Vietinbank chưa triển khai gói hỗ trợ này.
Trong khi đó, anh Đào Trần Lâm (TP. Nha Trang - Khánh Hoà) thuộc đúng đối tượng được vay mua NOXH và đang trong quá trình làm hồ sơ để nộp cho ngân hàng. Tuy nhiên, giống nhiều khách hàng khác, anh Lâm cũng gặp vô vàn khó khăn bởi thủ tục hành chính nhiêu khê.
"Bản thân doanh nghiệp đứng ra giao dịch là VNC(Vinaconex) cũng không chủ động được vì quá nhiều thủ tục giấy tờ từ yêu cầu của phía tỉnh. Ví dụ như giấy xác nhận tình trạng nhà ở, tôi chưa có nhà, về địa phương xác nhận thì phải nộp lên địa chính, sau đó phường xuống xác minh. Nhưng cho đến nay, tôi nộp 2 tuần rồi mà không có tin tức gì.
Tiếp nữa, giấy tờ xác minh tình trạng nhà ở, theo quy định thì cơ quan ký duyệt được mua bắt phải có 4 bản gốc, tức là cũng 1 nội dung xác nhận, cơ quan phường phải ký cho tôi 4 chữ ký, đóng 4 con dấu đỏ. Nếu dùng 1 bản photo công chứng cũng không được. Mặt khác, giấy xác nhận tình trạng công tác của cơ quan lại đòi 2 bản, đều ký 2 chữ ký và đóng 2 con dấu.
Theo tôi, chính quyền đã thương dân nghèo tạo điều kiện cho mua nhà xã hội lại bày ra những cái thủ tục hành chính quá rườm rà và phức tạp như vậy thì e rằng chủ trương cải cách thủ tục hành chính sẽ không có tác dụng. Những người dân có thu nhập thấp thường là ngu ngơ trước các thủ tục giấy tờ, họ sợ đến cửa các cơ quan công quyền như sợ cọp thì nói gì tới việc hiểu biết đường đi lối lại của các loại thủ tục hành khổ dân? " - Anh Lâm cho biết.
Thông tư số 11/2013/TT-NHNNN Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ có quy định, điều kiện được phép vay mua nhà ở xã hội bao gồm: Thứ nhất: có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư. Nhà ở này phải có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Hợp đồng phải ký kể từ ngày 07/01/2013. Thứ 2: phải có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ 3: phải có giấy cam kết của khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Thứ 4: có văn bản xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở. Thứ 5: Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (phường) nơi khách hàng có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Đối tượng được phép vay mua nhà ở xã hội là người chưa có nhà ở, hoặc có nhà nhưng không đủ diện tích tối thiểu theo quy định (dưới 8m2/người). Thứ 6: Giấy tờ chứng minh nhân thân người vay và người bảo lãnh (nếu có), bao gồm: Giấy Chứng minh nhân dân (trong thời hạn 15 năm); Hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Thứ 7: Giấy tờ xác định, chứng minh nguồn thu nhập (Hợp đồng lao động, quyết định lương, giấy xác nhận của cơ quan đơn vị nơi công tác/làm việc, các giấy tờ chứng minh thu nhập khác... |
Theo Duyên Duyên
Báo Đất Việt