Dự án BT: Hết thời đối ứng bằng đất

Dự án BT: Hết thời đối ứng bằng đất
TP - Thị trường bất động sản lao dốc kéo dài, kinh tế khó khăn cộng với phải chờ đợi quy hoạch phân khu nên nhiều nhà đầu tư tỏ ra không mặn mà với dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) mà đặc trưng là đối ứng bằng quỹ đất...

> Người nước ngoài mua nhà: Đừng chối bỏ một nhu cầu
> Gói 30.000 tỷ cho bất động sản vẫn quá bé!

Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi công khai thông tin giới thiệu dự án, tìm kiếm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT từ tháng 10/2012 cho đến hết ngày 12/12/2012, chỉ có 9 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào 8 dự án BT, còn lại 7 dự án không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Gia Phương, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT đều “đối ứng” bằng quỹ đất.

Hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BT đối ứng bằng đất, vì kinh tế khó khăn, bất động sản quá trầm lắng, vốn tín dụng huy động khó khăn.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, Công ty CP Bất động sản Thái An là chủ đầu tư dự án BT xây dựng tuyến đường 70 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Nhổn đã đề nghị được thanh toán bằng tiền! Chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn trên địa phận Hà Nội là Tổng Cty Sông Đà đã có văn bản gửi Chính phủ xin thôi làm chủ đầu tư dự án này...

Với các dự án đang triển khai, nhìn chung tiến độ còn chậm. Một số dự án đã hoàn thành nhưng vẫn dây dưa ở khâu quyết toán. Nhiều dự án chưa thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa xác định được quỹ đất đối ứng.

Một số dự án đã giao chủ đầu tư nhưng tiến độ đàm phán hợp đồng rất chậm. Bên cạnh đó, do quy hoạch giao thông vận tải và các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị vệ tinh chưa được phê duyệt dẫn đến xác định quy mô một số công trình BT và quỹ đất đối ứng chưa thực hiện được. Cũng theo Sở KH&ĐT Hà Nội, dự án BT giảm sức hấp dẫn còn do quy định về thủ tục thực hiện dự án BT còn nhiều bất hợp lý.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả các dự án BT, Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo cơ quan quản lý hợp đồng của 5 dự án đã hoàn thành gồm Bảo tàng Hà Nội, Cung Trí thức, đường trục Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở khẩn trương kiểm tra, đôn đốc quyết liệt nhà đầu tư thực hiện các thủ tục quyết toán công trình.

Với dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch dự án đối ứng tại ô đất CT03 thuộc quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long để sớm bàn giao cho nhà đầu tư, tránh kéo dài làm tăng chi phí lãi vay và vốn đầu tư.

Sở GTVT cần sớm phối hợp thực hiện quy hoạch đường trục Bắc – Nam tỉnh Hà Tây cũ; đường Đỗ Xá - Quan Sơn làm cơ sở để triển khai dự án. Để tránh việc tính lãi vay vốn vào công trình BT, Sở KH&ĐT đề nghị thành phố chỉ đạo: Chỉ thực hiện chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký hợp đồng BT khi đã xác định rõ quỹ đất đối ứng...

Hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BT đối ứng bằng đất, vì kinh tế khó khăn, bất động sản quá trầm lắng.

Tính đến ngày 10/4, trong 65 dự án BOT, BT thuộc danh mục tiếp tục triển khai thì có 12 dự án đã và đang triển khai, 20 dự án đã chọn nhà đầu tư, 25 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhưng chưa chọn nhà đầu tư...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.