Cao ốc “bức tử” di sản văn hóa

Cao ốc “bức tử” di sản văn hóa
TP - “Không chỉ bị xóa sổ, xâm hại, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá ở TPHCM đang bị bức tử hoặc làm cho méo mó, biến dạng bởi hàng loạt cao ốc mọc chen chúc giữa trung tâm thành phố” - Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại hội thảo “di sản kiến trúc đô thị” do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 14-12,

> Nên cấm xây cao ốc ở trung tâm TP HCM

Theo Thạc sỹ KTS Phạm Phú Cường, từ năm 1991 đến nay, chỉ riêng ba quận 1, 3 và 4, đã có trên 100 công trình cao ốc từ 15 tầng trở lên được thỏa thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, trong đó có trên 50 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Quá trình xen cấy cao ốc đã làm biến đổi cơ bản các yếu tố cấu thành hình ảnh đô thị đặc trưng, đặc biệt là yếu tố “mảng”, “tuyến” của trung tâm thành phố.

Từ năm 2007 đến nay, TPHCM còn đưa thêm 20 “khu đất vàng” với tổng diện tích hơn 50 ha chủ yếu thuộc trung tâm quận 1 để mời gọi đầu tư. Nhiều công trình cao 40-45 tầng, thậm chí có công trình cao đến 65 tầng.

KTS Phạm Phú Cường nhận định: Tình trạng xen cấy nhà cao tầng phá vỡ mối liên hệ tổng thể về không gian của di sản đô thị và tính hài hòa của “địa điểm di sản” bao gồm công trình và bối cảnh của môi trường đô thị.

Từ thực trạng này, không gian quảng trường Nhà hát thành phố dường như bị thu nhỏ lại dưới khối tích đồ sộ của khách sạn Caravelle.

Tính liên tục và đồng nhất về quy mô chiều cao của cảnh quan đường Đồng Khởi bị xâm hại bởi những công trình mới, đột xuất về tầng cao, khối tích…

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, việc không xem quy hoạch là di sản đã tạo ra nhiều chuyện bi hài. Đó là những khu phố giả cổ, dự án giả cổ cho phù hợp với tuyến di sản.

Quanh trụ sở UBND TPHCM, các công trình xưa cũ bị tháo dỡ xây mới với yêu cầu giả cổ, cho phù hợp cảnh quan. Những hàng giả này được sáng tạo với các mô tip, gờ chỉ, cột, mặt tiền, mái vòm, mái đón, hoa văn một cách tùy thích.

Bi hài hơn, những công trình cao tầng vây quanh nhà thờ Đức Bà cũng được yêu cầu chóp mái cho giống và “hài hòa” với nhà thờ. Xung quanh nhà hát thành phố cũng vậy.

“Khách sạn Caravelle cao ngất nhưng cũng có chóp tạo vòm. Người ta hy vọng sẽ “hài hòa” với nhà hát song thực ra, nhà hát thành phố trở thành “tổ mối” cạnh gã khổng lồ. Những công viên xưa nhỏ với không gian mở dành cho khách bộ hành nay trở thành sân trước của tòa cao ốc nhôm kính mà cư dân sở tại chỉ dám ngồi ké dọc lề đường, đưa mắt nhìn không gian bóng lộn bên trong” - ông Dũng cho biết.

Đua nhau… xóa sổ di tích

KTS Nguyễn Ngọc Dũng nói Công viên Tao Đàn còn sót lại khối kiến trúc duyên dáng ẩn mình trong cây xanh gọi là Cercle Sportif Saigonnais (hiện là Cung Văn hóa Lao Động TPHCM).

Di sản này đang bị cơ quan chức năng đề nghị phá dỡ thay thế bằng cụm công trình hoành tráng hơn mặc dù trước đó lãnh đạo thành phố đã yêu cầu bảo tồn.

KTS Phạm Phú Cường cho biết nhiều công trình nằm trong danh sách bảo tồn cảnh quan kiến trúc đã và đang có kế hoạch tháo dỡ như cầu Sở Thú, cầu Ông Lãnh, khu nhà tại giao lộ đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn (quận 1)… Nhiều công trình nhà, kho, cầu, xưởng có tuổi đời cả trăm năm dọc kênh Tàu Hũ - rạch Bến Nghé đã hoàn toàn bị xóa bỏ trong quá trình thi công đại lộ Đông - Tây.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng xót xa: Những ngôi biệt thự ở quận 3 được xây dựng trong khu đường sá vừa phải, ngăn nắp, ẩn mình trong cây xanh và những hàng rào nhẹ nhàng.

Thế nhưng, khối di sản kiến trúc vô giá này được chia lô biến thành nhà phố, hàng quán… Lâu lâu, TPHCM lại cho “đục lõm” để xây chung cư cao tầng hoặc các cao ốc văn phòng nhôm kính.

Đó là tòa nhà Sindozime xây năm 1999, tòa nhà TTXVN trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tòa cao ốc 222 Điện Biên Phủ.

Hàng loạt biệt thự đang chịu chung số phận, nhất là trên đường Phạm Ngọc Thạch, biệt thự trở thành phố nhà hàng, văn phòng. Đường Lê Quý Đôn trở thành phố ăn uống tự phát.

“Không biết ai đã sáng tác ra phương thức “hợp pháp hóa, cao tầng hóa trong khu vực”, bằng cách chia công trình làm ba lớp cho mỗi ô đất.

Lớp trong cùng được xây cao tầng thoải mái theo dạng hình tháp, lớp ngoài thấp tầng cho phù hợp với đường nhỏ của Sài Gòn xưa. Từ đó, khái niệm nhà đế, nhà tháp ra đời. Chính tháp và đế này trở thành “kim chỉ nam” phá bỏ cây xanh, biệt thự cổ, vỉa hè cổ.

“Vỉa hè là không gian công cộng quý giá còn sót lại nhưng đến nay vẫn chưa thấy một bản đồ vỉa hè nào của TPHCM được đem ra phê duyệt, trưng bày lấy ý kiến người dân” - ông Dũng băn khoăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.