Chung cư Hà Nội thưởng Tết cho dân

Chung cư Hà Nội thưởng Tết cho dân
Tại nhiều chung cư, mâu thuẫn về lợi ích giữa cư dân và đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý sử dụng ngày càng nhiều. Trong khi đó, mô hình Hợp tác xã quản lý nhà ở đã xuất hiện mang lại cơ hội tự quản lý chung cu cho người dân với chi phí rẻ, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp.

Đến hẹn, tại văn phòng Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển, tòa nhà 17T10, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hà, ở tầng 12 đến đóng tiền phí dịch vụ tháng 10. Nhà chị phải đóng 20.000 đồng/tháng bao gồm tiền phí vệ sinh, bảo vệ, an ninh, cầu thang máy.

20.000 đồng/tháng phí vệ sinh khi sống ở chung cư có lẽ là điều không tưởng. Tuy nhiên, những hộ dân sống tại tòa nhà này lại đang được hưởng một cơ chế khá đặc biệt, ngoài mức đóng tiền dịch vụ hàng tháng ít, những hộ dân ở đây mỗi năm còn được thưởng tiền tết từ 200.000 - 500.000 đồng/hộ. Các cháu học sinh được 150.000 - 200.000 đồng/cháu/năm tiền quà tết.

Ngoài ra, chế độ ma chay, hiếu hỉ, ngày lễ mừng thọ... của những hộ dân trong chung cư đều được thực hiện đầy đủ. Vé gửi xe tháng ở đây cũng chỉ có 30.000 đồng/tháng. Đây chính là thành quả của Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển đang tiến hành quản lý chung cư này từ năm 2007.

Trong khi đó, thời gian gần đây, liên tiếp có các vụ mâu thuẫn giữa cư dân sống ở chung cư và đơn vị quản lý toàn nhà. Điển hình nhất là mâu thuẫn của cư dân sống ở Keangnam. Người dân ở đây phải chịu mức phí dịch vụ quá cao, giá giữ ô tô lên tới 1.462.000 đồng/tháng và xe máy 104.000 đồng/tháng. Trong khi mâu thuẫn về phí dịch vụ chưa được giải quyết dứt điểm thì chủ đầu tư và ban quản lý Keangnam còn làm những việc như cắt điện cầu thang máy không hộ dân nào về được nhà, để côn đồ tấn công người dân... khiến căng thẳng càng gay gắt.

Tình trạng này còn xảy ra ở các chung cư như Golden Westlake 151 Thụy Khuê (quận Tây Hồ), The Manor, 93 Lò Đúc, N05 - Đông Nam Trần Duy Hưng... Mức phí dịch vụ tại đây hầu hết đều từ 400.000 đồng/tháng trở lên.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết: Hiện nay có rất nhiều loại hình chung cư như vừa làm nhà ở, trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng... Trong khi một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư nêu trong Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Nhận thức một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà ở chung cư, của một bộ phận người dân về việc quản lý, sử dụng nhà ở chung cư còn nhiều hạn chế nên trong thời gian qua đã xảy ra một số vướng mắc trong quá trình quản lý hoặc xảy ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư...

Mô hình phi lợi nhuận

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng hiện tại đang có một số dạng quản lý chung cư như: chủ đầu tư lập ra công ty con phụ trách quản lý dịch vụ của chung cư; hợp tác xã do người dân đứng ra tự làm, tự tính toán hoặc thuê đơn vị khác làm theo yêu cầu của người dân; chung cư có ban quản trị tự đứng ra lựa chọn đơn vị quản lý.

"Có những nơi, chủ đầu tư, công ty quản lý coi đó là hình thức kinh doanh, có lợi nhuận nên tính giá cao. Từ đó sẽ sinh ra tranh chấp giữa người dân, chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh. Trong khi đó, hợp tác xã nhà ở do chính người dân tự lập ra sẽ là một hình thái tương đối tốt, vừa tạo việc làm cho xã viên, vừa tính toán kinh doanh để giảm chi phí cho người dân thấp nhất. Đây gần như hình thức phi lợi nhuận. Nói chung, để chấm dứt tranh chấp tại chung cư, người dân phải là người quản lý, mức phí quản lý là do dân tự quyết định", ông Liêm nói.

Anh Nguyễn Đình Thực, một người dân sống tại tòa nhà 17T10 tâm sự: Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện quản lý theo mô hình hợp tác xã. Từ khi về đây sống, tôi có việc làm, có thu nhập hàng tháng và gia đình chỉ phải đóng một mức phí dịch vụ rất thấp là 20.000 đồng/tháng. Tiền điện, nước tính theo giá nhà nước. Nhiều người như tôi có việc làm ngay tại tòa nhà mình ở.

Mô hình hợp tác xã nhà ở Thụy Điển được thí điểm ở chung cư 17T10 từ cuối năm 2007 trong dự án hỗ trợ của Thụy Điển cho Việt Nam. Ông Phạm Đình Thái, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã chia sẻ: Giai đoạn 2007 tình trạng ở khu dân cư rất yếu kém, đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm, nặng về khai thác, nhà cửa xuống cấp. Ban quản trị lâm thời của tòa nhà quyết định tự quản nhưng vì luật pháp không cho phép.

Ngay lúc đó, chúng tôi được chọn làm thí điểm mô hình quản lý tại khu chung cư do chính người dân ở đây tự làm. Cơ quan chức năng cấp giấy đăng ký kinh doanh với đầy đủ chức năng của hợp tác xã nhà ở. Từ đó đến nay, đời sống nhân dân, an ninh trật tự và công tác quản lý tòa nhà được thực hiện có hiệu quả.

Cụ thể, hợp tác xã đã giải quyết được gần 20 lao động tại tòa nhà có việc làm ổn định và trên 10 lao động thời vụ khác với các việc bảo vệ, trông giữ ô tô xe máy, tạp vụ vệ sinh, căng-tin, sửa và rửa ô tô, xe máy... Ngoài việc trả lương cho người lao động, hợp tác xã đóng góp kinh phí để chung cư lăn sơn, sửa chữa nhỏ cho các công trình, mua sắm các thiết bị phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn phòng, từng bước giảm dịch vụ, hiện nay người dân chỉ phải đóng mức 20.000 đồng/tháng.

Hiện tại, Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển đang phục vụ tư vấn cho hàng chục khu chung cư của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để thành lập ban quản trị nhà chung cư và tự quản thông qua mô hình hợp tác xã nhà ở. Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển đang trực tiếp quản lý nhà 17T10 Trung Hòa - Nhân Chính; nhà D - cụm chung cư Vinaconex 3 - Dịch Vọng, nhà N06B2 - đô thị mới Cầu Giấy, nhà F5 - GC3 - nhà GD3, đô thị mới Yên Hòa...

Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đang có đề án Xây dựng mô hình Hợp tác xã nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội trong đó lấy mô hình hợp tác xã nhà ở Thụy Điển làm nòng cốt với mong muốn giải quyết được các tranh chấp xảy ra ở các chung cư như hiện nay.

Theo Vef.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.