Chiêu 'bán bia kèm lạc' của doanh nghiệp BĐS
> Bất động sản kéo khách bằng chiêu lạ
Trước những lùm xùm kiện tụng về các vấn đề liên quan đến dịch vụ nhà cao tầng thời gian gần đây, doanh nghiệp địa ốc đã đưa ra một chiêu bán hàng mới là “bán nhà, kèm dịch vụ”.
Doanh nghiệp địa ốc tung chiêu "bán nhà, kèm dịch vụ" . |
Một trong những nguyên nhân khiến cho các vụ tranh chấp, kiện tụng tại các chung cư, khu nhà ở cao tầng diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây là do trong hợp đồng mua bán căn hộ không nêu các nội dung quản lý và dịch vụ sau khi đi vào sử dụng, hoặc có nêu nhưng chung chung, không cụ thể.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ (Cen Group) vừa quyết định ký kết hợp tác Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn bất động sản Thương mại Liên Minh Nguyễn nhằm cung cấp các dịch vụ cũng như đảm bảo việc quản lý, vận hành tốt nhất cho tòa nhà.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group, để tránh những phiền phức cho khách hàng sau khi mua sản phẩm, công ty sẽ đưa cụ thể từng nội dung về việc sử dụng, quản lý và vận hành tòa nhà vào ngay chính trong hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng.
“Khi các nội dung như sở hữu chung, riêng, hành lang, cây xanh, cảnh quan, các loại phí dịch vụ,…được quy định rõ ràng ngay từ trong hợp đồng, thì các khách hàng sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn của mình, cũng như tránh được các tranh chấp không đáng có sau này, khi đã chuyển về nơi ở mới”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, loại hình “bán nhà, kèm dịch vụ” này, nhiều khách hàng tỏ ra lo lắng vì giá dịch vụ sẽ có thể cao hơn hẳn so với việc người dân được lựa chọn và tự thuê các đơn vị quản lý. Hơn nữa, chất lượng phục vụ cũng chưa ai có thể biết được là sẽ ở mức nào.
Anh Nguyễn Văn Hải, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, hiện nay các công ty chuyên về quản lý bất động sản tại Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp, nên chất lượng thực sự không biết thế nào. Chưa kể, việc ký kết này liệu có xảy ra tình trạng cả chủ đầu tư và nhà cũng cấp dịch vụ cùng bắt tay nhau đẩy giá lên cao.
"Nếu nhà cung cấp dịch vụ tốt, có trách nhiệm, các điều khoản và mức phí được quy định rõ ràng, không ảnh hưởng đến giá nhà, thì tôi cho rằng đây cũng là một hình thức tốt, vì người dân sẽ không bị chủ đầu tư bắt chẹt vì những mức phí cao quá cao.
Nhưng nếu giá dịch vụ đưa ra quá cao, trong khi sản phẩm nhà lại đáp ứng được nhu cầu của người mua thì lại loại hình "bán nhà, kèm dịch vụ" này lại vô hình chung trở thành một khó khăn cho những người có nhu cầu thực sự", anh Hải phân tích.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hưng cho rằng, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Cen Group đã cân nhắc và lựa chọn đối tác là công ty Liên Minh Nguyễn - Pháp nhân sở hữu quyền thương mại của thương hiệu toàn cầu NAC và NAI.
Ông Hưng cho biết, hiện công ty này cũng đang quản lý khá tốt nhiều chung cư cao tầng ở TP. HCM. Ví dụ, một tòa nhà cao tầng ở quận 7 hay ở ngay khu Phú Mỹ Hưng (TP. HCM), mức phí dịch vụ hàng tháng mà cư dân ở đây phải trả rất rẻ, khoảng 150.000 đồng/tháng.
“Đã là kinh doanh thì đương nhiên là phải tính đến bài toán lỗ - lãi. Nhưng điều mà Cen Group và Liên Minh Nguyễn cam kết phải thực hiện là công khai, minh bạch. Việc quản lý phải thực thu, thực chi, các chi phí phải dựa trên thực tế. Cuối năm phải hạch toán rõ ràng để các cư dân nắm rõ”, ông Hưng cho biết.
Hiện Cen Group đã chào và giới thiệu dịch vụ này đến một số đối tác lớn và nhận được nhiều phản hồi tích cực trong đó phải kể đến chủ đầu tư các dự án: Dự án Huyndai Hà Đông, Dự án Phú Điền, Tập đoàn Hoà Phát…
Nếu mô hình “bán nhà, kèm dịch vụ” này được thực hiện tại Hà Nội, dù chưa biết mức độ khả thi đến đâu, nhưng ít nhất các khách hàng cũng sẽ được minh bạch các nội dung về quản lý, vận hành tòa nhà khi đưa vào sử dụng ngay trong hợp đồng mua bán nhà. Như vậy, ngoài lựa chọn về căn hộ, khách hàng có thể lựa chọn cả dịch vụ cho mình sau này.
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội), thời gian vừa qua tại nhiều chung cư ở Hà Nội phát sinh những mâu thuẫn giữa cư dân với đơn vị quản lý tòa nhà do những tranh chấp về quyền lợi, trong khi các cơ quan chức năng lúng túng trong giải quyết.
Cụ thể là các vụ tranh chấp tại tòa nhà Keangnam đường Phạm Hùng; Kinh Đô, 93 Lò Đúc; tòa nhà Sky City Towers, 88 Láng Hạ, Ba Đình...
Lý do dẫn đến xung đột, mâu thuẫn tại các chung cư nói trên là do cư dân không đồng tình với việc chủ đầu tư đã áp dụng các khoản phí "trên trời". Có thể thấy mâu thuẫn về mức phí chung cư không chỉ xảy ra ở phân khúc chung cư cao cấp, mà còn ở cả các chung cư trung bình. Ở chung cư nào, câu chuyện phí cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
"Theo tôi, nếu chủ đầu tư bán căn hộ kèm với gói dịch vụ được xác định cả về số lượng lẫn chất lượng, mức độ tăng giảm giá nếu có, thỏa thuận này được hai bên thống nhất rõ ràng ngay từ đầu, thì các tranh chấp mâu thuẫn về phí dịch vụ chung cư sẽ giảm đi đáng kể", ông Thắng nhấn mạnh.
TheoVTC