Ai thâu tóm quản lý hạ tầng đô thị?

Ai thâu tóm quản lý hạ tầng đô thị?
TP - Không dừng lại ở việc chiếm dụng khuôn viên, lòng đường, một số doanh nghiệp (DN) còn đòi sở hữu cả không gian tĩnh tại khu tái định cư (TĐC) lớn nhất Hà Nội là Nam Trung Yên để trông giữ xe. Nhiều hộ dân và chuyên gia cho rằng việc này còn ẩn chứa điều gì đó mờ ám.

> ‘Xử’ hàng loạt khu ‘đất vàng’ sử dụng sai mục đích

Điểm đỗ xe ngày đêm của Cty Tân Thành trên nền khuôn viên cây xanh đã quy hoạch. Ảnh: Trọng Đảng
Điểm đỗ xe ngày đêm của Cty Tân Thành trên nền khuôn viên cây xanh đã quy hoạch. Ảnh: Trọng Đảng.

Sau lòng đường là hạ tầng đô thị

Theo quy hoạch chi tiết Khu TĐC Nam Trung Yên, ngoài các khối nhà cao tầng được đánh số A5, A6, A10, A14, B3, B6, B10, B11 thì khu vực trung tâm của các khối nhà này sẽ là một khuôn viên trồng cỏ, xây xanh.

Tuy nhiên, hiện các dãy giáp ranh như B6A và B10A đã được xây dựng xong và người dân đến ở gần 10 năm nay nhưng khu vực được quy hoạch làm khuôn viên cây xanh vẫn chưa có.

Thực tế tại khu vực rộng cả nghìn mét vuông này những ngày vừa qua bị xé nhỏ để làm các điểm trông giữ phương tiện, trạm rửa xe... Ngay ô đất phía trước dãy nhà B10A là điểm trông giữ xe ngày, đêm của Cty CP Thương mại quảng cáo Tân Thành (Cty Tân Thành).

Tại đây, mặt bằng được quy hoạch trồng cây xanh không chỉ là điểm trông giữ xe có mái che mà lòng đường và vỉa hè của các tòa nhà B6A, B10A cũng thường xuyên là nơi đỗ ô tô.

Một số khu vực còn lại của mặt bằng được quy hoạch trồng cây xanh này còn là nơi đỗ của taxi và xe khách... Hầu hết các điểm trông giữ xe đều có chủ quản lý là Cty Tân Thành. Tất cả các điểm trông giữ xe tại đây đều được cắm biển cấp phép của Sở GTVT.

Các hộ dân ở Khu TĐC Nam Trung Yên cho biết, các bãi đỗ xe trên phạm vi khuôn viên cây xanh và lòng đường tại các tòa nhà B6A, B10A đã hoạt động từ lâu.

Cùng với đơn thư có chữ ký của hộ dân gửi Báo Tiền Phong, đại diện các tổ dân phố tại Khu TĐC Nam Trung Yên còn gửi cả biên bản có chữ ký của đại diện 8 tổ trưởng tổ dân phố tại cuộc họp với đại diện đơn vị quản lý cuối tuần qua bày tỏ quan điểm không đồng ý cho DN khác vào tiếp quản, khai thác.

Theo ông Bùi Minh Quốc, tổ trưởng tổ dân phố 45 Khu TĐC Nam Trung Yên, sau khi Cty Tân Thành biến lòng đường, khuôn viên thành bãi đỗ xe, gần đây thêm 2 DN nữa là Cty CP tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Thành (Cty Hà Thành) và Cty TNHH Xây dựng - Thương mại dịch vụ Thăng Long tiếp tục lập kế hoạch vào tiếp quản toàn bộ không gian tĩnh tại các tòa nhà để được trông giữ xe; riêng Cty Tân Thành dựa vào giấy phép đã được Sở GTVT cấp đã lập nhiều điểm trông giữ xe tại sân vui chơi một số tòa nhà, như B11A, B11B, B11D và B11C làm điểm trông giữ xe.

"Tuy nhiên, do khu dân cư Nam Trung Yên đã có đơn vị quản lý là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác đô thị - Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội và việc lập các điểm trông giữ xe này xâm phạm đến phần diện tích sở hữu chung của khu chung cư nên chúng tôi không đồng ý", ông Quốc nhấn mạnh.

Dân than khổ vì "một cổ nhiều tròng"

Theo quy định, khu TĐC thuộc quỹ nhà ở xã hội nằm dưới sự quản lý trực tiếp của TP Hà Nội. Với Khu TĐC Nam Trung Yên, đây là quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời để phục vụ các dự án trọng điểm của TP Hà Nội.

Vậy nhưng, TP Hà Nội vừa có hàng loạt quyết định giao việc này cho DN khác. Các hộ dân ở Khu TĐC Nam Trung Yên phải di dời về đây để giao mặt bằng cho TP Hà Nội thực hiện các dự án như nút giao thông Kim Liên, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Đường Vành đai 3... Các hộ dân đã di dời về đây sống được 5 năm nay, mọi hoạt động nều nằm dưới sự quản lý của DN thuộc TP Hà Nội là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác đô thị.

Tuy nhiên, thời gian qua các hộ dân ở đây phải tiếp các nhân viên của Cty Tân Thành rồi Cty Hà Thành đến vận động chấp thuận việc xây bãi đỗ xe.

Họ nói rằng, việc trông giữ xe tại đây hiện đã được TP Hà Nội giao cho Cty Hà Thành và Cty TNHH Xây dựng - Thương mại dịch vụ Thăng Long đảm nhiệm, người dân nên chấp thuận và ủng hộ.

Nhằm tránh những hệ lụy khi không gian tĩnh bị giao cho DN tư nhân quản lý, khai thác, cuối tuần qua, 8 tổ trưởng dân phố, đại diện cho hàng nghìn hộ dân tại khu TĐC Nam Trung Yên đã có cuộc họp với đại diện đơn vị quản lý là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác đô thị để kiến nghị với TP không cho DN tư nhân vào tổ chức trông giữ xe.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ 8 cụm dân cư tại khu TĐC Nam Trung Yên, toàn bộ nội dung cuộc họp đã được lập thành biên bản.

"Theo đó, chúng tôi mong muốn giữ nguyên đơn vị quản lý tại khu Nam Trung Yên là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác đô thị, không chấp thuận cho DN tư nhân vào quản lý, khai thác không gian tĩnh tại đây", ông Thanh nhấn mạnh.

Tiền hậu bất nhất

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài chỉ đạo cấp phép cho Cty Tân Thành được trông giữ xe ở lòng đường, dải phân cách, vừa qua UBND TP Hà Nội còn có văn bản đồng ý cho Cty Hà Thành và Cty TNHH Xây dựng - Thương mại dịch vụ Thăng Long được vào quản lý, khai thác hoạt động trông giữ xe tại khu TĐC Nam Trung Yên.

Cụ thể, vào ngày 25-6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản số 4858 đồng ý cho Cty Hà Thành và Cty TNHH Xây dựng - Thương mại dịch vụ Thăng Long tổ chức trông giữ ô tô tại khu TĐC Nam Trung Yên.

"Giao Sở GTVT hướng dẫn, cấp phép trông giữ phương tiện để liên danh tổ chức trông giữ phương tiện, ô tô tại các vị trí nêu trên bắt đầu từ ngày 1-7", văn bản nêu rõ.

Vậy nhưng, theo các tài liệu mà PV có được, thì năm 2009, trong Quyết định số 6157 UBND TP Hà Nội cũng quy định về nhiệm vụ hoạt động của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội.

Theo đó, Cty có nhiệm vụ giúp UBND TP tổ chức tiếp nhận, vận hành và khai thác quỹ nhà ở, quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà ở xã hội, quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp, quỹ nhà ở công nhân, quỹ nhà ở cho sinh viên, quỹ nhà ở tái định cư phục vụ GPMB và các quỹ nhà khác theo quy định của TP và pháp luật.

Việc TP Hà Nội cho DN vào quản lý, khai thác dịch vụ trông giữ xe tại khu ĐTM Nam Trung Yên là đi ngược lại các quy định về đơn vị quản lý quỹ nhà TĐC đã được ban hành trước đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.