Tại Việt Nam, hãng viễn thông khổng lồ này cung cấp hơn 6 triệu đơn vị thiết bị đầu cuối bao gồm thiết bị cầm tay, USB 3G, các thiết bị đầu cuối, modem ADSL mang lại doanh thu doanh thu 290 triệu USD năm 2011.
Trước sự lo ngại về rủi ro an ninh của người dùng, Huawei khẳng định: “Các giải pháp của hãng phục vụ hoạt động của 6 trên 7 mạng viễn thông di động tại Việt Nam một cách an toàn, ổn định và chưa từng xảy ra một sự cố lớn nào gây mất an toàn, an minh mạng của các mạng viễn thông”. Cũng theo giải thích của Huawei, việc nhập khẩu và sử dụng các thiết bị viễn thông tại các mạng viễn thông di động Việt Nam đều được kiểm tra chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ngành về an toàn, bảo mật. Bản thân các mạng viễn thông cũng đều có những biện pháp kỹ thuật – công nghệ riêng để đảm bảo an toàn.
Được biết, Huawei thành lập văn phòng đại điện tại Việt Nam năm 1998 và đến năm 2008 trở thành Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam.
Sau ‘nghi án tình báo’, nhiều quốc gia đã có phản ứng ban đầu với Huawei. Mỹ, Úc và gần đây nhất là Canada đã cấm Huawei tham gia vào những dự án lớn của chính phủ. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn tìm cách hợp tác kinh doanh với Huawei. Uỷ ban châu Âu trong khi đó còn tạm hoãn vụ tranh chấp thương mại chống lại 2 gã khổng lồ viên thông Trung Quốc, trong đó có Huawei, làm dịu căng thẳng với Bắc Kinh. Các hãng tin lớn của quốc tế đều có cách nhìn nhận khách quan hơn về ‘nghi án tình báo’. Hãng tin Bloomberg cho rằng điều còn thiếu trong bản báo cáo của Uỷ ban tình báo Hạ viện Mỹ là bằng chứng và điều này cũng đưa ra dấu hiệu của chế độ bảo hộ. Huawei cũng đã phản pháo Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ, rằng để có báo cáo trên, Ủy ban mất 11 tháng mới hoàn thành, nhưng đã không cung cấp được thông tin hay bằng chứng rõ ràng để chứng minh những vấn đề mà Ủy ban đang lo ngại là chính đáng.