Bình đẳng
Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn
“Trước khi viết những dòng này gửi quý báo, qua đó gửi chút tâm tình đến các bác tướng lĩnh quân đội, cháu suy nghĩ nhiều”, bạn đọc Nguyễn Thành Trung mở đầu email gửi tòa soạn.
“Thưa các tướng lĩnh, cháu tự hỏi, mỗi người đều đòi hỏi đặc ân, đất nước sẽ ra sao? Đã là nhà nước pháp quyền, mọi thứ nên bình đẳng. Đọc báo mà ngẫm thấy sao thất vọng và hụt hẫng quá”.
Bạn Mai Bảo Hân cho rằng, mạng lưới giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá văn minh. Việc bẻ cong đường Trường Chinh vì lợi ích của một nhóm người, là quyết định sai.
“Những người có công với đất nước, Tổ quốc đã ghi công và nhân dân đời đời biết ơn. Nhưng nếu vì để trả công ơn ấy mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, thì không nên chút nào! Không thể làm như vậy được!”, Mai Bảo Hân nêu quan điểm.
Chia sẻ với Bảo Hân, bạn đọc tên Hoàng, cho rằng: Lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết. Bảo vệ đất nước là nghĩa vụ của mọi người, chứ không chỉ một cá nhân. Khắp đất nước còn nhiều trường hợp dân tự nguyện hiến đất xây đường, trường học... Nếu chỉ vì đất, nhà vướng quy hoạch mà đòi bảo vệ thì hơi quá. Mong các cấp quản lý sắp xếp, giải quyết cho phù hợp quyền lợi của cộng đồng.
Theo ý này, bạn đọc Đại Phong tiếp mạch, “có biết bao gia đình nông dân nghèo khó, không phải anh hùng, cuộc sống vật chất còn bấp bênh, vẫn sẵn sàng nhận đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đi nơi khác sinh sống. Họ sẵn sàng chịu thiệt vì cộng đồng. Vậy tại sao tướng lĩnh cấp cao, vì lợi ích cá nhân, lại cam tâm làm cho hình ảnh một con đường giữa Thủ đô lưu dấu ngàn năm, không thẳng? Xin hãy vì lợi ích chung giống như dân nghèo đã làm mới xứng đáng”.
Còn bạn đọc Gia An đặt câu hỏi: Lợi ích cá nhân hay lợi ích nhân dân hơn? Ai phục vụ ai? Không nên lấy lý do “đền ơn đáp nghĩa” mà làm xấu bộ mặt giao thông đô thị.
Gương mẫu
Trên cơ sở phân tích trên, nhiều bạn đọc cho rằng, những cá nhân có quyền lợi liên quan nên gương mẫu, “uốn” lợi ích cá nhân để đường Trường Chinh được thẳng.
Bạn Minh Anh viết, những ngôi nhà to của quan chức trong bài viết ấy là ai dân khu vực này đều biết. Các vị ấy là những người khá nổi tiếng, thậm chí thần tượng của giới trẻ. Vì thế, họ nên gương mẫu chấp nhận dỡ bỏ nhà, nhận bồi thường như bao người dân khác, con đường sẽ hết cong, lợi ích chung cũng không còn “cong” nữa.
“Nếu không làm rõ chuyện này sẽ gây tiền lệ xấu. Không ai có quyền đứng ngoài pháp luật. Chỉ có thể minh bạch, rõ ràng, bình đẳng trước pháp luật mới xóa được những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm”, bạn Quang Thành nêu ý kiến.
Theo bạn Trọng Nghĩa, việc mở rộng đường Trường Chinh cũng là bài học để mỗi chúng ta suy nghĩ về đặt lợi ích chung của thành phố Hà Nội, của đất nước lên cá nhân riêng lẻ. Từ đó, bài học gương mẫu có giá trị hơn, ý nghĩa hơn và lan tỏa trong cộng đồng.
“Đừng đứng ngoài bình luận, soi xét. Để đô thị được nâng cao, cả xã hội phải vào cuộc, và hành động. Nhà nước đã đài thọ nhiều, nhân dân cũng phải đóng góp chứ”, bạn Minh Hải gửi ý kiến về tòa soạn.
“Mỗi người bị chậm 3 phút khi qua tuyến đường này, nhân lên cả chục nghìn lượt qua đây một ngày, một năm, chi phí xã hội cho đường cong sẽ rất lớn… Nếu không dứt khoát và có những sáng tạo để làm đường, đến bao giờ bộ mặt đô thị mới đổi thay? Hãy bắt đầu từ những con đường thẳng, trên nền tảng sự gương mẫu và hi sinh của những cá nhân cụ thể”, Minh Hải viết.
Còn bạn Văn Minh Quang nói rằng, dù là ai, đối tượng nào, khi đã có quy hoạch được phê duyệt thì đều phải theo quy định chung. Cán bộ hay dân thường trước pháp luật đều như nhau. Càng làm cán bộ thì càng phải làm gương chứ!
Linh Thi tổng hợp