> Góa bụa nuôi con tâm thần
> Cô gái trẻ liệt giường vì bệnh hiểm nghèo
Vừa thấy ông Bùi Văn Châu, vài đứa trẻ lao nhao nói không tròn chữ “ba, ba”, những trẻ khác thì nhìn bâng quơ một cách vô định, hầu hết chúng được đeo một chiếc đai trên mình và có dây buộc gắn vào ghế. Ông Châu nói: “Thương lắm, những đứa trẻ ở đây đều là khuyết tật, bại não không kiểm soát được hành vi. Cố gắng lắm chỉ có vài đứa tự ăn uống, chăm sóc vệ sinh”.
Biết cái tâm của ông Châu, bà con ở chợ luôn dành ra những phần rau, củ dư thừa cho ông mang về phân loại, thứ nào còn tốt thì làm thức ăn, loại nào hư thì dùng để chăn nuôi. Ông cho biết mỗi tháng chi phí hoạt động cho mái ấm hết khoảng 18 triệu đồng, trong đó tự trang trải được 2/3, phần còn lại là nhờ vào nguồn đóng góp của bà con, các nhà hảo tâm. |
Ẵm đứa bé mới 4 tháng tuổi, ông Châu, 56 tuổi, kể đây là đứa bé nhất, được đưa đến với một lá thư gửi gắm, thông tin duy nhất là cháu được 3 tháng tuổi (lúc đó). Ông làm khai sinh, đặt tên bé là Bùi Trần Thiên An, tất cả những đứa trẻ ở đây đều được ông đặt tên và mang họ Bùi. Ông coi sóc lũ trẻ như con của mình.
Người đàn ông một vợ bốn con này đã trải qua nhiều công việc gắn liền với hoạt động cộng đồng, như cộng tác viên CLB kỹ năng huyện đoàn Trảng Bom, giáo dục viên CLB đường phố Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, giáo dục viên nhà mở Cầu Kho, quận 1, TPHCM.
Năm 2004, ông Châu trở về huyện Trảng Bom lập Mái ấm Phan Sinh để nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Ban đầu chỉ có 5 trẻ, đến nay Mái ấm Phan Sinh đã có 44 trẻ khuyết tật và thêm 14 cụ già neo đơn, kể cả số người đến rồi đi thì mái ấm đã có khoảng 120 thành viên.
Hầu hết những đứa trẻ ở đây đều từng bị bỏ rơi, do ông đưa về. Nhiều trường hợp được người dân đưa đến khi phát hiện lang thang ngoài đường. Cũng có trẻ là do gia đình đưa đến gửi gắm rồi bỏ đi biệt. Hơn một nửa những người sống ở mái ấm không thể tự phục vụ bản thân mình, nên mọi việc từ ăn uống, vệ sinh cho những người khuyết tật, ông Châu và ba người tình nguyện phải đứng ra cáng đáng. Những hôm trẻ đau yếu, ông lại đích thân đưa các cháu đi bệnh viện và tự lo viện phí. Ông kể, hầu hết các cháu đều có vấn đề về thần kinh, nên mỗi khi thời tiết bất thường là la hét, đập phá.
Nuôi, chăm lo cho chừng ấy con người nhưng ông Châu tự xoay xở là chính. Để duy trì hoạt động, hàng ngày, cứ sau bữa ăn trưa, chiều của công nhân là ông lái xe đến các công ty trên địa bàn chở cơm thừa, sau đó chở đến bán cho các hộ chăn nuôi, một phần mang về nuôi gà, cá, ếch trong vườn nhà.