>Bộ Y tế ‘xin’ tự xử lý vụ tham ô tài sản tại BV Nội Tiết
Từ lập danh sách khống lấy tiền đến ăn bớt vắc xin
PGĐ Bệnh viện Nội tiết T.Ư bị tố nhiều sai phạm
Bệnh viện Nội Tiết T.Ư. Ảnh: PLXH |
Hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến ngành y tế đã xảy ra: Từ ăn bớt vắc xin xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; đến vụ 3 trẻ sơ sinh chết tức tưởi sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Bình; rồi vụ nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội); Bác sỹ kết luận bị ngộ độc thức ăn, sản phụ lại chết vì bị thủng dạ con xảy ra tại Bệnh viện Thanh Oai (Hà Nội)...
Điển hình như vụ “tham ô tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Nội Tiết T.Ư, Bộ Y tế không chỉ gửi công văn 3486 sang Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) để xin tự xử các đối tượng là cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Nội Tiết T.Ư, mà trước đó bản báo cáo của Thanh tra bộ này còn kết luận các đối tượng trên đều vô can.
Thanh tra Bộ Y tế đã xác minh các lớp học là có thật, đúng đối tượng, đúng thời gian, chất lượng tốt và kết luận: “Nội dung tố cáo các cán bộ dùng thủ đoạn lập danh sách ma để chiếm đoạt tiền nhà nước là không có cơ sở”. Tuy nhiên, ngay sau kết luận này Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng lợi dụng lớp học này lập khống chứng từ rút tiền nhà nước.
Tiếp đó là nội dung tố giác ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết T.Ư kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo và Chỉ đạo tuyến và cán bộ dưới quyền gian lận trong việc treo khẩu hiệu nhân ngày phòng chống đái tháo đường thế giới 14/11 (đơn vị trúng thầu treo khẩu hiệu do ông Quang chọn và chỉ đạo treo thiếu 100 khẩu hiệu, tương đương số tiền 46,8 triệu đồng) bị nguyên Giám đốc Bệnh viện phát hiện, lập biên bản và yêu cầu không thanh toán số tiền treo khẩu hiệu khống này. Khi Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc lại yêu cầu Bệnh viện phải thanh toán nốt số tiền mà nguyên Giám đốc Bệnh viện cho là bị gian lận cho đơn vị treo khẩu hiệu.
Liên quan đến các lớp tập huấn bị tố cáo năm 2010 và 2011, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập kế hoạch tập huấn về bệnh lý tuyến giáp cho cán bộ không hưởng lương tại tuyến cơ sở (tuyến xã) có hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt yếu kém thuộc TP Hải Phòng; TP Hồ Chí Minh; Tỉnh Ninh Bình; Quảng Bình; Hà Nam; Bến Tre để lấy tiền nhà nước. Ngoài lớp tập huấn tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh đã được làm rõ thì những lớp tập huấn còn lại tại các địa phương nêu trên cũng đang trong “tầm ngắm” của cơ quan CSĐT.
Khi tiến hành điều tra, xác minh các lớp tập huấn bị tố cáo, Thanh tra Bộ Y tế đã bỏ qua những dấu hiệu quan trọng chứng minh vai trò của ông Quang trong việc để xảy ra sai sót và bao che cho những cán bộ tham ô.
Ông Quang đã “ỉm” thông tin về kinh phí lớp tập huấn – không thông báo kinh phí tập huấn cho các địa phương tổ chức lớp học. Chính vì các địa phương không được biết kinh phí lớp tập huấn được chi bao nhiêu, tiêu chuẩn của học viên như thế nào nên các cán bộ dưới quyền ông Quang mới “tự tung, tự tác” muốn lấy bao nhiêu tiền thì lấy. Ông Quang là cán bộ trực tiếp phụ trách, tham gia từ khâu lập kế hoạch đã bỏ qua công tác kiểm tra, giám sát. Khi đã được báo cáo lớp tập huấn có vấn đề ông này còn tạo đặc lợi cho những cán bộ trực tiếp liên quan đến vụ án tham ô đã bị công an khởi tố cho 2 cán bộ đang trong quá trình công an điều tra vào biên chế nhà nước.
Thanh tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Văn bản của Bộ Y tế gửi Công an quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: MĐ |
Trước khi Đoàn thanh tra Bộ Y tế làm việc, báo chí đã điều tra, xác minh và nêu rõ: Đây cũng là lớp học “ma” (học viên không có thật). Nhưng trong bản kết luận 1341 Thanh tra lại bao biện: “Đoàn thanh tra đề nghị Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh mời các học viên đến Trung tâm để xác minh một số nội dung nhưng học viên không đến được vì nơi ở của các học viên cách xa trung tâm và bận công việc gia đình hoặc đi làm ăn ở nơi xa”.
Kết luận 1341 của Thanh tra cũng nêu: Bệnh viện Nội Tiết T.Ư đã thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện tại các địa phương, khi triển khai ở địa phương đều có cán bộ y tế của các trung tâm y tế trực tiếp tham gia phối hợp trong các khâu như ghi danh sách, phát tiền cho học viên và học viên ký vào danh sách đầy đủ. Các lớp tập huấn đều có địa điểm tổ chức cụ thể, có hồ sơ chứng từ hợp lệ,... Như vậy, các cán bộ dùng thủ đoạn lập “danh sách ma” học viên dự lớp tập huấn để chiếm đoạt tiền nhà nước là không có cơ sở.
Thanh tra Bộ Y tế, có bản kết luận trong veo về lãnh đạo, cán bộ bệnh viện Nội Tiết là vậy, thế nhưng Cơ quan CSĐT Công an quận Dương Kinh (Hải Phòng) lại khởi tố vụ án “lập danh sách ma” tham ô tài sản nhà nước đối với một số cán bộ tại Bệnh viện Nội Tiết T.Ư. Sau đó cơ quan này đã chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội). Và ngày 12/07/2013, Công an quận Đống Đa ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng là bác sỹ, cán bộ Bệnh viện Nội tiết T.Ư gồm: Mai Anh Tuấn, Vũ Minh Phúc, Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Điều 13 Luật Thanh tra nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. |