>Chủ tịch nước: Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam thực hiện đúng tôn chỉ
Sau những tòa nhà chung cư cao ngút trời tại khu vực Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) là những hố rác thải gây ô nhiêm môi trường vừa làm mất cảnh quan đô thị.
Người thương binh Vũ Quang Hải hàng ngày đi chạy xe ba gác kiếm tiền nuôi gia đình, những lúc rảnh rỗi, ông dùng cuốc, xẻng, chuyển những đống phế thải ấy đi để làm đẹp cảnh quan môi trường, đến nay đã cải tạo thành bãi trông xe khang trang sạch đẹp.
Năm 1999, cùng với một số người anh em, đồng đội, ông tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) Thương binh Thịnh Sơn. Rồi tiếp theo đó, đến năm 2009, ông cùng các đồng đội lại tiếp tục thành lập Công ty Thương binh Thịnh Sơn và đảm nhiệm vị trí Giám đốc.
Dù ngành nghề kinh doanh chính của công ty là trông giữ ôtô, xe máy, thương mại dịch vụ... nhưng lúc đầu do nguồn vốn eo hẹp trong khi địa điểm hầu hết là phải đi thuê nên hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, là sự cạnh tranh của không ít các đơn vị khác cũng khiến công ty chịu nhiều áp lực.
Giám đốc Hải đã tập trung anh em lại, cùng suy nghĩ, bàn bạc và với tinh thần, ý chí của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa cùng với sự năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ đã giúp công ty hoạt động ổn định. Sau khi bãi rác thải tại tòa nhà A3, Đền Lừ 2 được làm sạch, năm 2010, với sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, công ty chính thức được giao quản lý, khai thác bãi xe A3, rồi tiếp đó là các diện tích kinh doanh ăn uống tại khu tái định cư Đền Lừ 2.
Để tạo công ăn việc làm cho đồng đội và thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, ông Vũ Quang Hải đã thành lập Công ty thương binh Thịnh Sơn và ký hợp đồng với Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) với giá 10 triệu đồng/tháng làm điểm trông giữ xe theo đúng quy định của thành phố.
Chỉ còn lại 1 chân, 1 mắt, hàng ngày ông Hải vẫn chăm chỉ, cần mẫn lao động, tham gia các hoạt động xã hội. “Tàn nhưng không phế”, không chỉ kiếm kế mưu sinh nuôi sống gia đình, ông còn giúp cả chục đồng đội cùng vươn lên tạo dựng cuộc sống có thu nhập ổn định. Đến nay, sau gần 4 năm ra đời và phát triển, Công ty Thương binh Thịnh Sơn đã tạo việc làm ổn định cho hơn 20 thương binh với mức lương hàng tháng tối thiểu là 3 triệu đồng.
Tuổi cao cộng với những vết thương chiến tranh để lại, những lúc trái gió, trở trời, ông luôn phải vật lộn với những cơn đau đớn xe lòng do những vết thương hành hạ. Dù vậy, Giám đốc Vũ Quang Hải vẫn cố gắng cùng anh em trong công ty điều hành công việc, mưu sinh trong mưa nắng... “Với tôi, anh em công ty là ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà hạnh phúc của tôi, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Khoái, cùng là thương binh, hiện là Chủ tịch HĐTV Công ty Thương binh Thịnh Sơn chia sẻ: Ông Hải là người chúng tôi luôn kính trọng. Là thương binh nặng nhưng trong mọi công việc, anh đều không quản ngại khó khăn, cố gắng hết sức mình vì anh em, trong sinh hoạt hàng ngày anh cũng rất trung thực, thẳng thắn, nghĩa tình.
Bãi trông xe khang trang sạch đẹp. |
Hồi sinh kì diệu dù từng suýt bị...chôn sống Ông Vũ Quang Hải, sinh năm 1942, là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo tại Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1960 sau khi hoàn thành chương trình học, ông được phân về làm công nhân tại đội máy kéo Hà Nội. Tháng 8/1964, cùng với hàng nghìn thanh niên, công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thủ đô, anh công nhân Hải khoác ba lô lên đường nhập ngũ và được điều chuyển về tiểu đoàn 752 Cục Vận tải. Đến năm 1968, người lính lái xe Quang Hải được lệnh lên đường đi B. Trong suốt những năm tháng tại chiến trường B, ông làm nhiệm vụ tại C141 Binh trạm Bắc thuộc B3 nắm chức vụ Tiểu đội trưởng. Năm 1969, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng và sau đó được thăng lên Trung đội trưởng ôtô. Năm 1972, trong một lần tham gia vận chuyển vũ khí chi viện vào chiến trường, xe của anh bị dính mìn chống tăng của địch cài trên đường khiến anh lại bị thương nặng, mất 2 chân, 1 mắt và nửa hàm răng dưới và nhiều vết thương khác. Sau đó ông Hải được đưa vào bệnh xá cấp cứu, nhưng nhiều anh em đã bảo nhau là đưa đi chôn “thế này thì còn gì mà sống nữa…cũng may người y tá thấy tim còn đập nên đã ngăn lại và bảo cho về tuyến sau chăm sóc...". Sau hơn 2 năm điều trị, trải qua viện 103, viện 5 rồi trại thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Đến năm 1974, phục viên trở về nhà, ông Hải được xác định mất sức lao động 100%. |