Yên Bái: Đường bị vùi lấp từ bão Yagi đến nay chưa được khôi phục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đã hơn 6 tháng từ khi bão số 3 (bão Yagi) đi qua, một đoạn đường liên thôn ở xã Minh Bảo (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) vẫn bị vùi lấp, chưa được khắc phục khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận của phóng viên, đoạn đường dài hơn 300 mét, gần ngã ba đi các thôn Bảo Yên, Trực Bình và lối dẫn ra đường Thanh Liêm (xã Minh Bảo) bị sạt lở nghiêm trọng.

Lớp đất đá hiện vẫn vùi lấp nền đường, dày hơn 1 mét. Ngày nắng, đất khô cứng, mưa thì thành lớp bùn, đất lầy nhầy nhụa, biến đường giao thông thành phần nối dài của quả đồi bên cạnh. Một số đoạn đất đá bồi cao hai bên, tạo thành những vùng trũng ngập nước, cỏ dại mọc um tùm.

Yên Bái: Đường bị vùi lấp từ bão Yagi đến nay chưa được khôi phục ảnh 1

Con đường liên thôn bị vùi lấp tại thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Con đường này tuy là lối đi liên thôn nhưng là đường thông đi các trường học hoặc đi các xã, huyện khác nên lượng người lưu thông đông, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài việc đi lại, con đường cũng dẫn ra các khu vực ruộng nương, đồi núi sản xuất nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Lưu (57 tuổi, thôn Bảo Yên, xã Minh Bảo) cho biết, từ khi đường bị sạt lở (từ tháng 9/2024), bà phải đi vòng thêm hơn 2 km mới tới được ruộng và trường học của cháu.

“Tháng 12/2024, các hộ cuối đường đã góp hơn chục triệu đồng và hơn 100 lít xăng được chính quyền hỗ trợ để san lấp tạm thời, nhưng đoạn sạt quá lớn, không đủ kinh phí khắc phục hoàn toàn”, bà Lưu chia sẻ.

Yên Bái: Đường bị vùi lấp từ bão Yagi đến nay chưa được khôi phục ảnh 2Yên Bái: Đường bị vùi lấp từ bão Yagi đến nay chưa được khôi phục ảnh 3

Những cây cột điện gẫy, đổ còn sót lại là dấu vết hiếm hoi cho thấy nơi đây từng là tuyến đường.

Nằm sát mép phần đường sạt lở, căn nhà cấp 4 được lợp mái tôn là nơi sinh sống của 11 thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Tam (61 tuổi). Căn nhà có nền đất thấp hơn so với mặt đường bị sạt. “Chỉ cần mưa to, nhà tôi cũng bị ảnh hưởng vì đoạn đường bị sạt, lấp hết cống rãnh”, bà Tam cho biết.

Nhiều xưởng gỗ bóc, xưởng gạch ở xã Minh Bảo cũng bị ảnh hưởng. "Từ khi đường sạt lở, nguyên liệu phải đi đường vòng xa và khó hơn, nguồn nguyên liệu gỗ nhập để sản xuất cũng khó lưu thông được. Một số bạn hàng từ đường liên tỉnh 70 rẽ vào đường Thanh Liêm không vào được xưởng để giao thương, buôn bán. Vì thế, chúng tôi mất vài mối làm ăn", một chủ xưởng gỗ cho biết.

Yên Bái: Đường bị vùi lấp từ bão Yagi đến nay chưa được khôi phục ảnh 4

Căn nhà nằm thấp hơn mặt đường bị sạt khiến người dân lo lắng ngập lụt.

Bà Lương Thị Chi, Bí thư Chi bộ thôn Bảo Yên cho biết, tuyến đường sạt lở khiến 17 hộ dân tại thôn bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, các em nhỏ đi học xa hơn.

Không chỉ vậy, tuyến đường còn là đường dân sinh nối liền từ đường Thanh Liêm, qua thôn Bảo Yên về xã Cường Thịnh. Nguồn nguyên liệu, giao thương buôn bán của các cơ sở, xưởng sản xuất về cảng Hương Lý (thuộc huyện Yên Bình) đi các tỉnh cũng bị trì trệ, gặp nhiều khó khăn.

Các hộ dân còn lo ngại, việc chậm trễ khắc phục khiến tăng chi phí sửa chữa do đoạn đường bê tông bị ngâm lâu trong đất, đá.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Yên Bái, hiện dự án khắc phục đường tại xã Minh Bảo bị ảnh hưởng do bão Yagi thuộc gói thầu "Thi công xây dựng công trình Khắc phục khẩn cấp các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Yên Bái" đã được mở thầu từ ngày 1/4. Hiện đang chờ để chuẩn bị triển khai.

"Về thời gian cụ thể, chúng tôi sẽ có phản hồi sớm nhất", vị này cho biết.

Ngoài ra, một số hộ cũng phản ánh về việc chưa nhận được khoản hỗ trợ từ Nhà nước, dù bị thiệt hại về ruộng, đồi cây, ao cá... Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Minh Bảo xác nhận, có một số trường hợp bị thiệt hại về nông nghiệp trên địa bàn xã nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Ông Lợi lý giải, do không xác minh được nguồn gốc giống cây trồng, vật nuôi và số lượng nên các hộ dân chưa nhận được hỗ trợ.
MỚI - NÓNG
Quảng Nam đổi phương án, đặt tên xã, phường mới gắn với địa danh lịch sử, trầm tích văn hóa
Quảng Nam đổi phương án, đặt tên xã, phường mới gắn với địa danh lịch sử, trầm tích văn hóa
TPO - Sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, tỉnh Quảng Nam đã họp, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh, thay thế phương án đã ban hành trước đó. Theo đó, các xã, phường mới sau sắp xếp sẽ có tên gọi gắn với địa danh lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất thay vì gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2, 3
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Giáo hoàng Francis (chụp ảnh tại Vatican năm 2022) là giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu của thời hiện đại. Ảnh: Getty Images.

Giáo hoàng Francis: Sống để phục vụ, không phải để được phục vụ

TPO - Đức Giáo hoàng Francis không chỉ là lãnh đạo tinh thần của người Công giáo mà còn là một ngọn hải đăng đạo đức cho nhân loại. Ngài bảo vệ những người bị quên lãng, có cái nhìn cách mạng về lòng từ bi, bác ái, xây cầu nối trong một thế giới chia rẽ, thường xuyên nhắc nhở giới tu sĩ hãy sống để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ...