> Làng cổ đầu tiên được công nhận di tích quốc gia
“Thời gian này, người dân đang quan tâm tới việc giải quyết những vướng mắc về bảo tồn nhà cổ tại Đường Lâm, nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng trước sự xuống cấp của đình Đoài Giáp từ nhiều năm nay”- ông Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Chi bộ thôn Đoài Giáp nói khi trao đổi với PV Tiền Phong.
Ông Phúc cho biết, cùng với một loạt các di tích khác trong xã như lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ, đình Cam Lâm, chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh - đình Đoài Giáp cũng là một di tích quan trọng trong quần thể di tích của làng cổ Đường Lâm.
Đình được xây dựng khoảng thế kỷ thứ X để tưởng nhớ công ơn đánh giặc của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay đình Đoài Giáp vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật như khu hậu cung của đình, tấm bia đá được tạc vào năm 1473 nói về thân thế sự nghiệp của Phùng Hưng, các di vật quý như khám thờ, hương án, long ngai, đỉnh, hạc... mang đậm nét chạm khắc tinh xảo từ thời Lê.
Hệ thống xà bị mối mọt tại gian đại bái. Ảnh: K.N. |
Trước giá trị lịch sử của đình Đoài Giáp, tháng 7/2001, đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ), Phòng Văn hoá-Thông tin Thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm và thôn Đoài Giáp đã từng họp hội nghị để thống nhất hồ sơ khuôn viên đình Đoài Giáp. Theo đó, toàn bộ cảnh quan về di tích như đình Đoài Giáp, ao đình, các cảnh quan thiên nhiên xung quanh đều được phân khu vực để bảo vệ. Tháng 12/2001, Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành quyết định công nhận đình Đoài Giáp là di tích lịch sử quốc gia.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, từ khi được công nhận di tích quốc gia đến nay, đình Đoài Giáp chưa từng được tu bổ, tôn tạo. |
Hiện nay, đình Đoài Giáp đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Hệ thống cổng và tường bao đã bị đổ nên ngôi đình trở nên trống trải, ảnh hưởng đến cảnh quan di tích cũng như việc bảo vệ các di vật quý của đình. Gian đại bái hư hỏng nặng khi hệ thống kèo, cột, xà dọc, xà ngang bị mối mọt, có nguy cơ gãy đổ; mái ngói bị vỡ hoặc xô lệch khiến mỗi khi trời mưa lại bị dột. Gian hậu cung dù là khu còn nguyên vẹn nhất của đình, nhưng toàn bộ hệ thống cửa đều bị mọt, nền lún...
Ngoài ra, một khu đất trống nằm cạnh gian đại bái và hậu cung, trước đây từng là một gian nhà cổ của đình nhưng đã bị phá để tiêu thổ kháng chiến, đến nay vẫn còn nền móng cũ nhưng cũng chưa được phục dựng lại. “Đầu năm nay, trước tình cảnh gian đại bái có đôi chỗ bị hỏng nặng, thôn chúng tôi phải đứng ra sửa chữa nhỏ để tạm khắc phục”- ông Cát Xuân Mới, Trưởng Ban bản lý di tích thôn Đoài Giáp cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, từ khi được công nhận di tích quốc gia đến nay, đình Đoài Giáp chưa từng được tu bổ, tôn tạo. Hiện Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm đã hoàn thành dự án tôn tạo đình Đoài Giáp để trình cấp có trách nhiệm, nhưng chưa được phê duyệt.