Áo phao làm cảnh

Áo phao làm cảnh
TP - Quy định hành khách phải mặc áo phao, mang dụng cụ nổi khi đi đò đã có từ lâu nhưng hành khách và chủ phương tiện gần như không tuân thủ, áo phao chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

> Cơ quan chức năng vào cuộc vụ “Rợn người đò ngang Nam Phong”

Một chuyến đò ngang qua sông Đồng Nai, không hành khách nào mặc áo phao
Một chuyến đò ngang qua sông Đồng Nai, không hành khách nào mặc áo phao.

Chở đầy người và xe máy, chiếc đò sắt lặc lè rời bến đò An Hảo (xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) sang KCN Biên Hòa 2. Trên đò có trên 30 người, đa số là công nhân đứng chen chúc dọc theo lan can bởi giữa lòng đò đã dành hết cho hơn 20 chiếc xe máy.

Ông chủ đò đi từ đầu đến cuối thu tiền, chẳng hề có một lời nhắc hành khách đi đò mặc áo phao.

Dọc theo lan can đò treo lủng lẳng một số áo phao, phao cứu sinh và có lẽ chưa bao giờ được tháo ra cho hành khách sử dụng theo quy định.

Lên đò ở bến đò Xóm Lá, phường Bửu Long (TP Biên Hòa), trời mưa nặng hạt nhòa cả mặt sông Đồng Nai. Tôi và hơn chục hành khách dồn hết vào khoang lái để trú mưa.

Chủ đò cũng không một lời nhắc khách đi đò mặc áo phao. Thử tìm một chiếc áo phao, tôi chỉ thấy những chiếc áo phao mốc thếch, ướt sũng nước mưa đang treo trên đò.

Có lẽ người cẩn thận nhất cũng chẳng dám mặc áo phao ở đây, vì nó bám đầy muội dầu máy, đất, có thể làm bẩn quần áo đang mặc trên người.

Trên chuyến đò ngang từ bến đò Long Chiến (huyện Vĩnh Cửu) qua chợ Tân Uyên (Bình Dương) đem chuyện mặc áo phao hỏi một hành khách chung chuyến đò, vị khách xua tay: “Từ hơn chục năm nay ngày nào tui cũng hai lượt đi đò qua đây buôn bán không mang áo phao có sao đâu, nói thiệt gần đây đò mới treo áo phao chứ bao năm qua làm gì có”.

Một hành khách khác ngần ngại: “Đò qua sông có vài phút, áo phao mặc vào rồi cởi ra chi cho phiền phức, với lại mấy cái áo công cộng này mang lên bẩn hết đồ”.

Theo số liệu của Phòng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Đồng Nai) thì toàn tỉnh Đồng Nai có 53 bến đò ngang, trong đó có 25 bến không phép.

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển, đội trưởng Đội thanh tra giao thông đường thủy (thuộc Phòng thanh tra giao thông Đồng Nai) cho biết, hằng năm, ngành vẫn kiểm tra, đình chỉ các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động, nhưng vì điều kiện thực tế tại địa phương, các bến đò không phép vẫn tồn tại để phục vụ nhu cầu giao thông của người dân.

Theo ông Tuyển, một thực tế là quy định mặc áo phao khi đi đò đã có từ lâu, nhưng việc thực hiện còn phụ thuộc ý thức của hành khách và các chủ phương tiện. Họ chỉ mặc áo phao khi có lực lượng kiểm tra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG