> Chỉ đạo kiểm tra các vụ phá rừng trên đảo Phú Quốc
Ngày 28-5,Vườn Quốc gia Phú Quốc (VQGPQ) có báo cáo số 39/BC-VQG gửi Thường trực UBND huyện và tỉnh Kiên Giang, cho rằng đất rừng của đơn vị quản lý không bị xâm hại.
Khoảng 20 ha rừng tại ấp Lê Bát bị chặt phá nhưng VQGPQ cho rằng “đất của dân canh tác từ trước” . |
Lô đất khoảng 4.000 m2, tại tổ 2, ấp III: VQGPQ cho là đất của ông Trang Cảnh Tuôl, diện tích 14.050 m2 và giáp liền sau đất của ông Tuôl có 1.800 m2, nằm ngoài VQGPQ.
Thực tế, khu vực này trước đây hoàn toàn là đất rừng, đất do nhà nước quản lý. Theo sơ đồ địa chính, đất của ông Tuôl nằm phía sau đường mới mở, vụ chặt cây phá rừng xảy ra ngày 26-11-1011 và những tấm ảnh người dân chụp cho thấy, cảnh phá rừng với nhiều cây gỗ lớn.
Các miếng đất liền kề, ngày 28-6-2007, Kiểm lâm VQGPQ đã lập biên bản vi phạm phá rừng để làm nương rẫy đối với ông Lê Minh Lộc, diện tích bị phá, lấn chiếm 5.012m2 thuộc tiểu khu 81 Vùng đệm VQGPQ.
Một miếng đất liền kề khác của ông Lê Việt Hùng cũng bị Kiểm lâm VQGPQ lập biên bản ngày 26-10-2007 với cùng hành vi như trên, phạt ông Hùng 6 triệu đồng, buộc trả lại đất lấn chiếm 3.240m2, thuộc tiểu khu 80 VQGPQ.
Tương tự, ngày 18-8-2007, VQGPQ cũng lập biên bản về hành vi “lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp” đối với ông ông Hồ Viết Thống, diện tích 1.117,6 m2.
Báo Tiền Phong nêu: “Ở ấp IV, có khoảng 10 ngàn m2 đất rừng thuộc VQGPQ quản lý đã bị san phẳng. Lâm tặc đã dùng xe cơ giới vào san ủi, đào hàng ngàn mét khối đất vận chuyển xuống san lấp hơn một ha đất rừng ngập mặn các đó khoảng 1 km”.
VQGPQ cho rằng, khu vực lấy đất thuộc phần đất của ông Lê Văn Liêm, diện tích 13.376m2. Ông Liêm bán đất cho ông Nguyễn Văn Tước và ông này thuê xe đào, vận chuyển về san lấp khu vực đất gần cầu Cây Cóc tại ấp Lê Bát. Tuy nhiên, theo bản đồ địa chính của Bộ TN&MT năm 2005 mà chúng tôi có được, khu vực đất bị đào, san ủi là đất rừng vườn quốc gia.
Xã cũng cho biết, đất được khai phá năm 2002 và 2003, trồng tràm bông vàng và tràm tự nhiên chưa được cấp giấy. Tại một văn bản ngày 19-4-2007, chính VQGPQ cũng xác nhận giấy tờ đất 12.000m2 của ông Huỳnh Văn Kích tại khu vực này “thuộc tiểu khu 81, vùng đệm VQGPQ”.
VQGPQ thừa nhận có việc ông Trần Thông thuê xe cuốc vào phá rừng vườn quốc gia tại tổ 4, ấp 2, bị bắt quả tang, diện tích bị phá là 694,4 m2. Theo bản đồ địa chính thể hiện đất ông Trần Thông nằm trong VQGPQ, diện tích 13.483,2m2.
Báo Tiền Phong nêu khu đất 48.000 m2 của hộ ông Ngô Hải Lực, là đất rừng đã sang nhượng cho người khác 3,9 tỷ đồng. Và lô đất 36.000 m2 do ông Nguyễn Quốc Huệ đứng tên, đất có nguồn gốc chỉ 3.000 m2, còn lại là đất rừng. Tuy nhiên, ông Huệ đã chặt phá thêm 33.000 m2 đất rừng để được đưa vào danh sách bồi thường.
VQGPQ cho rằng, tất cả diện tích đất trên không thuộc quản lý của đơn vị. Song thực tế, ngày 19-7-2004, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã ký thu hồi 50.464m2 đất ở đây vì “trùng với đất lâm nghiệp thuộc vùng đệm VQGPQ”.
Về lô đất 18.000m2 của bà Hùng Thị Khuôl tại tổ 5, ấp II, do con gái Lê Thị Bé Thúy đứng tên, khai phá năm 1997, thuộc VQGPQ. Đầu tháng 5- 2011, Kiểm lâm và các ngành chức năng đến lập biên bản, gia đình bà Khuôl phải bỏ đi nơi khác. VQGPQ cho rằng, đất này nằm ngoài vùng đệm nhưng lại thừa nhận việc lập biên bản.
Vụ phá khoảng 20 ha rừng tràm ở ấp Lê Bát và khoảng 10 ha rừng tại ấp II, xã Cửa Cạn cũng hoàn toàn là đất rừng, đất nhà nước quản lý, không phải “đất canh tác từ trước” như báo cáo của VQGPQ.