> Thảm kịch đời hai chị em lấy chung chồng
> Tình tiết chưa công bố trong 'Kỳ án Vườn Mít'
Lê Bá Mai (giữa) - bị cáo trong “Kỳ án Vườn Mít” từng 2 lần nhận án tử hình, vừa được tuyên vô tội. Ảnh: Hữu Vinh. |
Thưa ông, gần đây các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam liên tục có những hoạt động hợp tác quốc tế trong vấn đề hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự. Điều này có phải xuất phát từ thực tế vẫn còn nhiều vụ án oan sai ở Việt Nam vừa qua?
Cũng không hẳn như vậy. Trên thế giới, có hai mô hình tố tụng chính là tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Tố tụng thẩm vấn làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, nhưng tính dân chủ ít nên nguy cơ oan sai nhiều. Còn với tố tụng tranh tụng, quá trình giải quyết vụ án diễn ra dân chủ, bình đẳng giữa bên buộc tội (viện kiểm sát) với bên bị can, bị cáo, luật sư bào chữa nên chống oan sai rất hiệu quả.
Trong thực tế tố tụng hình sự ở Việt Nam không còn nguyên nghĩa tố tụng thẩm vấn truyền thống mà có sự giao thoa tích cực, chứa đựng nhiều yếu tố tranh tụng. Các phiên tòa so với trước đây được diễn ra dân chủ hơn, luật sư được tham gia nhiều hơn, sớm hơn ngay từ khi tạm giữ người phạm tội.
Phải nghiên cứu tiếp thu những tinh hoa của các trường phái tố tụng để đảm bảo mở rộng tính dân chủ, tính công khai hơn nữa đảm bảo yêu cầu buộc tội và gỡ tội minh bạch, không xâm phạm quyền con người, đặc biệt là không để oan sai.
Tồn tại lớn nhất trong mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam là gì?
Nó chưa phân định rành mạch chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan tố tụng. Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội nhưng vai trò trong giai đoạn điều tra chưa thể hiện rõ và còn thụ động. Nhiều quyết định, yêu cầu của viện kiểm sát chưa được cơ quan điều tra nghiêm túc thực hiện.
Hoạt động của viện kiểm sát chủ yếu là trên cơ sở hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra xây dựng. Nhiều vi phạm của cơ quan điều tra như lạm dụng bắt khẩn cấp, vi phạm thủ tục tố tụng chưa được khắc phục trong đó có trách nhiệm của viện kiểm sát với tư cách là cơ quan công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật... Đến giai đoạn xét xử, cơ quan toà án còn thực hiện nhiều việc theo thẩm quyền nhưng không thuộc chức năng của mình.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) TS Đỗ Văn Đương . |
Trong vụ án nguyên Tổng Giám đốc IMF mới đây, việc đưa ra xét xử của các cơ quan bảo bệ pháp luật ở Mỹ chỉ trong vài ngày. Còn ở Việt Nam, quá trình này thường kéo dài nên có người được minh oan đã chịu ngồi giam hàng tháng, hàng năm. Quan điểm của ông ra sao?
Đây là vụ án liên quan vị chức sắc số một của Quỹ tiền tệ quốc tế, có ảnh hưởng lớn trong công luận nên nó được coi là vụ án trọng điểm. Đã là vụ án trọng điểm thì bất cứ quốc gia nào cũng phải tập trung giải quyết một cách nhanh nhất.
Hơn nữa, đối với một nước tiên tiến như Mỹ thì hoàn toàn có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, vụ án này ở Mỹ cũng mới chỉ qua giai đoạn điều tra còn giai đoạn xét xử có lẽ vẫn còn phải trải qua một thời gian dài. Ở Việt Nam cũng đã có những vụ án được giải quyết trọn vẹn, dứt điểm trong vòng 1 tháng.
Quy định chứng cứ trong vụ án hình sự phải do người tiến hành tố tụng thu thập và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Như thế tự nó đã có tính áp đặt không khách quan?
Đúng là có tồn tại lớn trong khái niệm chứng cứ và trong thực tiễn là quy định chứng cứ của một vụ án phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập và cũng phải do cơ quan tố tụng chấp nhận. Đây là hạn chế, làm cho xã hội hiểu rằng việc quyết định tội lỗi như thế nào là do các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nhiều vi phạm của cơ quan điều tra như lạm dụng bắt khẩn cấp, vi phạm thủ tục tố tụng chưa được khắc phục trong đó có trách nhiệm của viện kiểm sát. |
Để khắc phục điều này, cần tôn trọng và đảm bảo quyền đề xuất chứng cứ và cho luật sư được thu thập chứng cứ. Chứng cứ của người bào chữa với chứng cứ của người tiến hành tố tụng phải có giá trị ngang nhau. Như thế mới tranh tụng được, còn ai vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Vì nếu không bình đẳng trong thu thập chứng cứ thì mọi kêu gọi về bảo đảm tính tranh tụng tại toà chẳng qua cũng là hình thức vì nòng cốt của tranh tụng là phải có sự đối trọng giữa chứng cứ của bên buộc tội và bên gỡ tội đưa ra. Mọi vụ án đều bắt đầu từ chứng cứ, mở ra từ chứng cứ, kết thúc bằng chứng cứ.
Tại sao hiện nay mới chỉ đặt ra việc bồi thường của nhà nước mà chưa nói đến trách nhiệm của cán bộ thực thi pháp luật đã làm sai khi xử lý vụ án?
Gốc rễ là vì trách nhiệm hình sự phát sinh giữa nhà nước với công dân phạm tội, mối quan hệ giữa nhà nước với công dân là mối quan hệ hình sự do chính hành vi phạm tội gây ra. Nhà nước yêu cầu phải truy tố tội phạm và tổ chức ra các cơ quan để thay mặt nhà nước xác định người phạm tội.
Thực ra nhân viên nhà nước là những công cụ của nhà nước, như là người “làm thuê” cho nhà nước để chứng minh tội phạm. Như vậy “ông chủ” là nhà nước phải bồi thường cho người bị oan sai. Đã có quy định cán bộ tư pháp làm sai phải bồi hoàn một phần thiệt hại do việc làm oan sai của mình gây ra nhưng trên thực tế chưa được thực thi vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cảm ơn ông.
Ngân Hà thực hiện