Tác giả bài viết trao tặng ông Trần Bình Lục một số ấn phẩm có trích đăng tiểu thuyết Truyện anh Lục, trong lần đến thăm ông tại nhà một người con. |
Tôi biết về anh nhiều hơn là anh biết về tôi. Thế nhưng anh mới là người chủ động đến gặp tôi. Quả là tôi có hơi bất ngờ, nhất là đương buổi cuối năm, một thằng công chức như tôi đang phải lo làm đủ mọi thứ báo cáo, của cá nhân cũng như tập thể. Nhưng niềm vui được gặp anh, nhân vật của cha tôi, thì không gì ví được. Tôi lại càng cảm động khi biết lý do khiến anh muốn gặp được tôi ngay, càng sớm càng tốt, là vì anh đã bị ung thư, nay đã sang giai đoạn di căn. Ung thư! Tôi quá biết căn bệnh này, vì cha tôi cũng đã sớm phải ra đi vì nó, khi mới 49 tuổi ta, cách đây đã hơn nửa thế kỷ…
Vâng, cha tôi là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Còn anh là Trần Bình Lục, nguyên mẫu nhân vật anh Lục trong tiêu thuyết Truyện anh Lục của cha tôi. Qua tác phẩm của cha mình và nhất là qua nhật ký của Người, tôi đã biết anh nguyên là một cố nông quê ở vùng Nam Định, Thái Bình; hồi nhỏ phải đi ở cho địa chủ ở vùng Hạ Hoà, Phú Thọ; lớn lên gặp lúc có phong trào phát động quần chúng giảm tô, anh hăng hái tham gia đấu tranh với địa chủ, được chọn làm điển hình cốt cán, đi báo cáo các nơi.
Rồi anh được Đoàn thanh niên chọn làm thanh niên nông dân gương mẫu, được bồi dưỡng, phát triển lên. Tại lớp học cải cách ruộng đất đầu năm 1954, cha tôi đã gặp anh, một học viên của lớp. Cuộc đời cố nông đi ở của anh đã khiến cha tôi xúc động.
Ông đã hỏi chuyện anh, khai thác thêm tài liệu và xây dựng thành một cuốn tiểu thuyết dài ba tập. Trong đợt trao Giải thưởng văn học 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam, tác phẩm Truyện anh Lục của ông đã được nhận giải nhì về văn xuôi, cùng với Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán…
Nhưng xem ra cuốn sách này không phải là một kỉ niệm vui với cha tôi. Bản thân ông mau chóng cảm thấy không hài lòng với nó. Muốn gì thì muốn, đó vẫn là một thứ sản phẩm “phục vụ kịp thời” mà ông sớm mẫn cảm nhận ra là một quan niệm rất sai lầm trong sáng tác văn học. Những lời ong tiếng ve xung quanh giải thưởng càng khiến ông thất vọng. Lại nữa, do là tiểu thuyết nên ông đã hư cấu ít nhiều về các nhân vật, từ nhân vật chính anh Lục đến gia đình địa chủ Thị Cần mà anh Lục phải ăn nhờ ở đợ.
Trong không khí hừng hực đòi giảm tô, đấu tố địa chủ khi ấy, dễ hiểu là cha tôi đã xây dựng bà ta và các con như là những nhân vật đầy tội lỗi với nông dân. Thế mà mấy người con của Thị Cần lại đang phục vụ trong quân đội. Bộ đội khi ấy cũng đang tiến hành “chỉnh quân”.
Các con của Thị Cần cũng phải tham gia kiểm thảo. Đối chiếu kiểm điểm của họ với những gì được viết trong Truyện anh Lục, đơn vị thấy không giống, nên chất vấn. Họ viết thư cho Hội Văn nghệ, cho tác giả, yêu cầu phải có ý kiến về việc này. Chuyện xảy ra cho họ khiến cha tôi hết sức phiền lòng.
Ngày 6-11-1956, ông ghi nhật ký: “Nhận được thư của Lê Xuân Mấm, Lê Xuân Mô, con Lê Thị Cầu. Truyện anh Lục không đúng sự thật. Mô kiểm thảo, đơn vị cho là không thành khẩn, vì Truyện anh Lục khác. Không ngờ hậu quả tai hại thế. Không nên bao giờ viết người thực việc thực cả”. Và ông tự vấn: “Một điều đau xót: Ta nói dối”…
Năm tháng qua đi, những vấn đề của Truyện anh Lục cũng mất đi tính “thời sự” và cũng ít được nhắc đến trong các sáng tác của cha tôi. Sau lần xuất bản đầu tiên vào các năm 1955-56, tác phẩm này của ông chỉ một lần được in lại trong bộ sách về các tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sau đợt phong tặng năm 1996.
Nhưng tôi thì vẫn hay được nghe về anh Trần Bình Lục, nguyên mẫu trong tiểu thuyết Truyện anh Lục của cha tôi. Đầu những năm 1990, tôi vào công tác tại công trường thủy điện Yaly, nơi Tổng công ty xây dựng Sông Đà đang tiến hành xây dựng, thi công công trình thuỷ điện lớn nhất cả nước.
Khi biết tôi là con nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một đồng chí lãnh đạo Tổng công ty cho biết, ở đơn vị mình có anh Trần Bình Lục nguyên là nhân vật của ông, hiện đang làm công tác công đoàn. Thì ra “anh Lục” cũng nổi tiếng ra phết, tôi nghĩ với ít nhiều thú vị. Nhưng điều khiến tôi cảm động là anh vẫn luôn được biết đến với “gốc gác” văn học của mình.
Thế rồi tôi được đọc các bài báo của Dương Kỳ Anh, của Xuân Ba, đều là các cây bút của báo Tiền Phong về chuyện Sông Đà và các thế hệ thanh niên xây dựng thuỷ điện Việt Nam, từ Thác Bà qua Sông Đà đến Tạ Bú, Lai Châu… Nhiều bài nhắc đến anh Trần Bình Lục, một người từng lâu năm gắn bó với công tác Đoàn, từng lăn lộn trên nhiều công trình thuỷ điện, và bài nào cũng nói anh là nhân vật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm Truyện anh Lục.
Bài phóng sự của Xuân Ba, Tổ máy thuỷ điện Thác Bà, thậm chí còn trích một đoạn thư sau của tác giả tiểu thuyết gửi cho nhân vật của mình:
Anh Lục thân mến
Năm mới gửi lời mừng tuổi Lục. Tôi có biết Lục tới tìm nhưng không gặp. Thiết tha muốn gặp và nói chuyện với Lục. Lâu không gặp nên mình nhớ lắm. Nhà tôi rất mến Lục, muốn nói chuyện với Lục. Tết này Lục có về quê ăn Tết không? Nếu không về được thì Lục nhớ đến ăn Tết cùng gia đình. Tôi ở 40 phố Bà Triệu, trên gác nhà Lúa Mới. Ta sẽ có dịp nói chuyện nhiều.
Tái bút: Gửi Lục tập 1 và 2 Truyện anh Lục (tập 3 chưa in).
Cũng trong bài viết có cái tiêu đề khá chung chung ấy, tác giả đã cho bạn đọc hiểu rằng giữa mình và anh Lục đã không ít lần trở đi trở lại chuyện về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: như đoạn thư trên là do anh Lục đọc cho tác giả ghi lại trong một lần nói chuyện qua điện thoại; rằng hồi ấy, tiếp được thư của ông Tưởng, anh Lục đã không thu xếp để đến thăm gia đình nhà văn được, điều mà cho đến bây giờ anh vẫn còn ân hận; rằng giờ đây anh rất muốn liên lạc, muốn biết số máy của con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cứ như thể nhà báo thì cái gì cũng biết!...
Chuyện xảy ra sau khi tác phẩm ra đời khiến cha tôi hết sức phiền lòng. Ngày 6-11-1956, ông ghi nhật ký: “Truyện anh Lục không đúng sự thật. (..). Không ngờ hậu quả tai hại thế. Không nên bao giờ viết người thực việc thực cả”. Và ông tự vấn: “Một điều đau xót: Ta nói dối”… |
Tóm lại, qua bài báo, tôi hiểu rằng anh Lục đang rất muốn tìm gặp tôi, vì một lý do gì đấy. Tất nhiên tôi rất cảm động và cũng muốn được gặp anh, nhưng vì đủ mọi lý do lý trấu, việc chung việc riêng… tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn này.
Và thế rồi, như trên đã nói, trong lúc đang làm báo cáo cuối năm, tôi được thường trực cơ quan báo cho biết có ông Trần Bình Lục đến tìm, anh Thắng có tiếp được không? Có chứ, tôi chỉ kịp nói thế, và vội xuống gác đón anh. Vừa hay anh đang bước lên thềm, dáng đi xăm xăm khá đặc trưng của dân làm công tác thanh niên.
Một người đàn ông vóc dáng chắc nịch, người hơi thấp, da ngăm đen, rõ ra là người đã dạn dày với cuộc sống – đó là cảm nhận ban đầu của tôi về anh Lục. Tôi nói “anh” là theo ý anh – anh tự coi mình là học trò của cha tôi, vì đã từng nghe ông giảng bài đôi ba lần ở lớp học cải cách ruộng đất hồi đầu năm 1954 – chứ thực ra anh sinh năm 1935, nay cũng đã quá 75, đáng tuổi chú tôi…
Chúng tôi vồ vập hỏi han nhau. Trong câu chuyện, anh luôn nhắc đến cha tôi với đầy vẻ chân thành, nhiều lúc phải ngừng lời vì nghẹn giọng. Rõ ràng, anh đang xúc động lắm, tôi nghĩ. Anh kể rằng ông dạy anh viết thư, uốn nắn từng chữ từng câu, rằng ông nói tiếng Pháp rất giỏi nhưng lại hay mặc áo nâu như nông dân. Tiếc là ông mất sớm quá, anh lại nghẹn giọng… Rồi, như chợt nhớ ra một điều gì, anh bỗng nói:
- Anh bị ung thư, ung thư xương, anh nhắc lại, nay đã di căn. Lúc nãy, leo mấy lần gác, anh mệt muốn đứt hơi.
Tôi ngớ ra không tin vào tai mình. Nhưng trông kỹ lại, quả mặt anh vẫn hơi tai tái. Anh lấy hơi, nói tiếp:
- Hiện anh đang điều trị ở bệnh viện, nhưng xin được ngoại trú. Chẳng biết còn được bao nhiêu ngày nữa, hôm nay bảo thằng cháu đèo đến gặp em. Muốn nhờ em, hôm nào tiện, cho anh đến nhà thắp nén nhang cho “thày”. Tết năm ấy không đến được với ông, anh cứ ân hận mãi – anh chuyển sang gọi cha tôi bằng ông, khi thấy tôi thoạt đầu hơi ngớ ra vì chữ “thày”…
Rồi anh nói đến lá thư vẫn giữ của cha tôi mà anh có ý định trao lại cho tôi trước lúc… Rồi anh hỏi tôi có tập 3 Truyện anh Lục không thì cho anh, để con cháu đọc mà còn biết về cha ông mình. Rồi chợt nhớ ra, anh bảo phải về, không thằng cháu đợi dưới nhà lâu quá. Và anh cứ “thế nhé”, “thế nhé” khi hai anh em vừa chia tay vừa hẹn với nhau những gì tiếp theo… Đã toan đi rồi, anh còn quay lại nói:
- Hồi ấy, sau rất nhiều chuyện xảy ra, thày có nói với anh: “Dù có thế nào thì Nguyễn Huy Tưởng và Trần Bình Lục vẫn cứ là Nguyễn Huy Tưởng và Trần Bình Lục”.
“Hồi ấy” là hồi nào? Cha tôi gặp anh lần đầu tiên có lẽ là đầu năm 1954. Ông mất giữa năm 1960. Trong khoảng năm sáu năm ấy đã có những chuyện gì xảy ra quan thiết với cha tôi và với anh mà anh nói vậy? Cải cách ruộng đất? Chỉnh huấn chỉnh quân? Nhân văn giai phẩm? Hay còn gì gì nữa? Nửa tiếng đồng hồ gặp anh, một người bệnh ung thư không cho phép tôi hỏi hết mọi chuyện. Nhưng suy cho cùng, điều đó đâu có gì quan trọng. Với quãng lùi thời gian hơn nửa thế kỷ, chỉ có sự kiểm chứng của giờ đây mới là quan trọng. Và với tôi, qua những gì cảm nhận được từ anh, giờ đây anh vẫn là anh, như tôi vẫn luôn nghĩ thế về cha mình, cho dù thời thế có thay đổi thế nào…