> Ngọng nghịu
> Sô diễn của Chế Linh, vì đâu thoát hiểm?
Còn Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long nói, ông “bất ngờ” về sự bất thường của nó.
Ông Phạm Quang Long: “Cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan trong sô Chế Linh thứ hai ở Hà Nội”. Ảnh: Phúc Nghệ. |
Ông nói ông bất ngờ khi ông Hoàng Tiến, người bị Sở cấm tổ chức chương trình Chế Linh ít nhất 6 tháng tới do những sai phạm của mình, lại xuất hiện trong đêm diễn 12-11 với tư cách nhà tổ chức?
Tôi hết sức bất ngờ, bất ngờ đến mức dù tôi hay tưởng tượng nhưng cũng không thể hình dung ra những sự việc như vậy.
Trả lời báo giới, ông Cục trưởng Cục NTBD có giải thích hành động vỗ mặt Sở vừa qua là để “cứu Chế Linh chứ không phải cứu bầu Tiến” - cho nên mới giữ nguyên kịch bản chương trình, thời gian, địa điểm, vân vân- so với sô bị hủy. Theo ông, có cách nào để “cứu” nghệ sĩ mà lại đỡ vụng về hơn không?
Tôi có thống nhất quan điểm xử lý vụ này với anh Vương Duy Biên là chúng ta xử lý những sai phạm của công ty Bích Ngọc theo đúng quy định, còn với ca sỹ, tôi chưa có ý kiến nào gây khó khăn cho anh ấy cả. Nhà báo thấy đấy, ngay cả khi có nhà báo đề nghị Sở xử lý Chế Linh vì hát những bài ngoài giấy phép trong đêm diễn đầu tiên ở Hà Nội, tôi đã nói rằng những bài ấy dù không có trong chương trình nhưng được phép hát và không gây hậu quả gì nên không cần phải xử lý.
Những người cố tình đánh tráo đối tượng nói rằng Sở cấm Chế Linh biểu diễn là xuyên tạc sự thực. Họ nên xem xét lại động cơ của việc tung tin này. Cả trong Thông cáo báo chí lẫn trả lời các nhà báo hôm họp báo đều không có nội dung ấy.
Tôi không bình luận về chuyện vụng hay không của chuyện này vì bản chất của nó đã bộc lộ ra hết rồi, còn gì không rõ nữa mà phải bình luận, làm sáng tỏ ra?
Dư luận đã đặt dấu hỏi ngay từ khi nhà tổ chức xoay được giấy phép đứng tên Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc và công ty Quyên Gia Bình. Nhưng những gì mà họ chứng kiến trong đêm 12-11 vừa qua thì hình như không phải màn kịch vụng về mà là sự cố ý?
Đúng là họ thách thức cả quy định của nhà nước, của cơ quan quản lý ngành. Tôi cho rằng không chỉ là sự thách thức mà cần xem xét trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức liên quan trong việc sao lại để xảy ra chuyện đó?
Trong đêm diễn, ngoài cảm ơn các vị lãnh đạo cao cấp dù những vị này không có mặt, ông bầu của Chế Linh còn tuyên bố sô Chế Linh sẽ diễn tiếp đêm 23-11 tới ở Nhà hát Lớn, “mời khán giả đặt mua vé theo số điện thoại cũ” (số điện thoại đã bán vé từ đêm đầu tiên 21-10). Như vậy có khả năng Chế Linh sẽ diễn ròng rã ở Hà Nội 6 tháng tới, trái ngược hẳn với lệnh của Sở “nếu vẫn nhà tổ chức đó, ít nhất 6 tháng tới Chế Linh không được cấp phép”?
Nếu vẫn bầu Tiến, vẫn nhà tổ chức đó thì chắc chắn không cấp phép.
Trước hôm họp báo, ông Hoàng Tiến đề nghị tôi cho ông ấy được lấy danh nghĩa một công ty khác mà ông ấy thường đứng ra làm người tổ chức để làm chương trình Chế Linh 12-11. Tôi trả lời dứt khoát là không vì như thế là lừa dối khán giả.
Hôm họp báo cũng có nhà báo nêu câu hỏi đúng như điều ông Tiến nói hôm trước. Nhà báo nói ông Tiến hoặc đại gia nào đó có 4-5 công ty, công ty này không được thì họ sử dụng công ty khác và hỏi quan điểm của tôi. Tôi nói mấy lần là bất kỳ công ty nào khác mà ông Tiến đã cộng tác, đã bị xử lý đều không được cho phép vì như thế là “làm xiếc” với xã hội.
Tôi còn nói nếu ca sỹ muốn mời những công ty đủ năng lực, nghiêm túc thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Không biết tôi nói thế đã rõ ràng chưa? Nói khác đi là cố tình hiểu sai điều tôi nói.
Còn nếu ai đó cố tình cấp phép cho các đơn vị đã vi phạm thì tôi miễn bình luận rồi.
Trong thư gửi khán giả trước đêm diễn vừa qua, Chế Linh viết: “Tôi rất lấy làm tiếc về tin tức rút giấy phép “Live show Chế Linh”, cấm tôi trình diễn vào 12-11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia và trong 6 tháng tại Thủ đô. Cuối cùng, trời không phụ lòng tôi và khán giả mến mộ”. Có lẽ thế lực tác động được vào chuyện này không phải là trời nhưng cũng “siêu”. Còn ông có bình luận gì không?
Tôi không có gì để bình luận, nhưng ca sỹ nên nói cho đúng quyết định của Sở. Chưa bao giờ Sở cấm Chế Linh biểu diễn đêm 12-11 và cấm diễn 6 tháng ở Hà Nội. Những gì chưa rõ nên hỏi Sở, đừng nên “nghe” thông tin sai lệch vì điều đó không đem lại lợi ích cho ai. Tôi biết những ngày đó, ca sỹ vẫn ở Hà Nội, sao không hỏi cơ quan chức năng cho rõ? Người ta nói “tam sao thất bản”, đó là chuyện xảy ra với mọi người nên cần kiểm tra.
Ông từng phát biểu giọng Chế Linh “hiếm, đáng để hát ở đây lắm”. Nhưng chương trình của anh lại gắn với một xì căng đan chưa từng có trước nay. Theo ông, phải làm thế nào để lập lại cân bằng trong kỷ cương, trật tự xã hội và các qui định của Nhà nước? Có người đã nói ông yếm thế, bất lực thông qua vụ này?
Đúng, tôi nghe một số bài Chế Linh hát, cả những bài đang hát và cả những bài chưa được cấp phép hát ở đất nước ta. Tôi nghe vì công việc và tôi thấy giọng ca có chất lượng.
Chiều nay 15-11, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam họp báo về thời sự bản quyền tác giả âm nhạc trong đó có sai phạm của chương trình Chế Linh trong việc thực hiện tác quyền. |
Tôi từng nói “tiếc cho Chế Linh” vì khi về Hà Nội biểu diễn lại dựa vào một đơn vị tổ chức vừa yếu về năng lực, vừa thiếu nghiêm chỉnh về tổ chức hành nghề. Được hay mất qua việc này, tôi chắc ca sỹ đã có cách đánh giá của mình, miễn cho tôi việc bình luận. Nếu tôi phải đi đâu, làm một việc gì đó, không bao giờ tôi dựa vào những đơn vị và con người có thể gây khó khăn cho tôi để thực hiện ước nguyện của mình.
Nói giản dị, tôi đến một nơi mới, tôi phải xem thái độ của chủ nhà, của người đón mình là ai chứ không bao giờ lại bỏ qua những chuyện đó cả. Đó là lẽ phải thông thường trong cách ứng xử.
Tôi không bất lực ở việc này nhưng có thể bất lực ở việc khác, đó cũng là lẽ thường. Ai mà lúc nào cũng tự tin với công việc của mình được? Còn yếm thế ư? Chắc không. Tôi nghĩ câu chuyện “ tái ông thất mã” vẫn còn mãi với nhân loại vì cuộc đời vẫn thường tồn tại những chuyện như vậy. Có gì phải thất vọng hay đắc ý vì việc này hay việc kia đâu? Có thể lừa dối được trăm người, không thể lừa dối được vạn người; có thể lừa dối được mười năm, không thể lừa dối được trăm năm. Không biết tôi nghĩ thế có gì sai không?
Bất thường thế nào?
Cần nhắc lại diễn tiến quanh sô diễn Chế Linh để bạn đọc dễ hình dung: Ngày 7-11, Sở VHTT&DL Hà Nội họp báo tái khẳng định hủy Giấy tiếp nhận biểu diễn dẫn đến hủy sô diễn thứ hai của ca sĩ Chế Linh vào tối 12-11 ở Mỹ Đình, do những sai phạm liên tục, kéo dài của công ty tổ chức và ông bầu. Tuy nhiên, cửa thoát hiểm đã mở khi Cục NTBD quyết định đứng ra cấp phép, với điều kiện mà Cục cho biết là đã thỏa thuận với Sở: Không để đơn vị vi phạm kia làm đêm diễn nữa, thay vào đó là một đơn vị thuộc Bộ, phối hợp với một công ty tư nhân. Cần nói rằng, dù cố “cứu”, Bộ VHTT&DL phải thừa nhận việc xử phạt là đúng. Tuy vậy, với hành động tréo ngoe này, ngay cả mục đích tốt đẹp mà họ đưa ra: “vì nghệ sĩ”, “vì khán giả” cũng đang bị dư luận đặt dấu hỏi. Thiết tưởng sau đấy phải kín kẽ hơn mới phải. Cuối cùng, điều kỳ lạ lại xảy đến trong đêm 12-11: Vẫn lại ông bầu kia xuất hiện với tư cách nhà tổ chức- nào lên sân khấu tặng quà; điều hành hậu trường trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả và báo giới; nào hẹn gặp lại tại live show Chế Linh- Nhà hát Lớn 23-11 tới, vân vân. Vừa qua, khán giả Hà Nội cũng như báo chí đều tỏ ra ưu ái ca sĩ Chế Linh, dành sự nồng hậu cho đêm diễn của anh. Với bước ngoặt xung quanh tấm giấy phép, có thể có người nói: “Vẽ chuyện, cấm với đoán, mà rồi có làm được đâu”!? Trong số phản hồi bài Sô diễn của Chế Linh vì đâu thoát hiểm (TP315 ra ngày 11-11), bạn đọc Thiên Thanh (thienhason2009@yahoo.com) viết: “Đây là kinh nghiệm mới cho các sô diễn tương tự? Việc khó đã mở, đi mãi thành đường. Những người làm chương trình này đã quá tự tin để bán vé và quảng cáo, họ chắc chắn đã có lối đi khác. Các nhà quản lý của ta tài thật!”. Sự bất thường trong một đêm nhạc tưởng như bình thường đến nay không còn là câu chuyện của Chế Linh hay ông bầu nào đó, không còn là chuyện Sở nọ Cục kia. Dư luận chờ đợi lời giải thích của Bộ VHTT&DL về sự bất thường này. |