Kiến trúc sư Nguyễn Luận:
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng có nhiều vấn đề thẩm mỹ
> 411 tỷ đồng dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng
Hình dáng của tượng đài có phải sửa sang gì cho phù hợp với việc ôm một nhà bảo tàng trong lòng, thưa ông?
Ngược lại. Bảo tàng- đúng là nhà trưng bày- ban đầu nằm ở phía ngoài. Tượng là độc lập. Sau các anh ở Quảng Nam mới lồng vào vì tượng cũng to, lại giảm được cái bảo tàng đi. Chứ không phải vì bảo tàng mà tượng mới to.
Lúc đầu tôi tính theo góc nhìn tượng cần cao 18m. Giờ nó cao hơn tí. Nó thay đổi rất nhiều, tôi cũng chẳng hiểu. Tôi chỉ chịu trách nhiệm về mặt quy hoạch hồi đó thôi. Hai năm nay tôi không tham gia dù họ mời vào mấy lần.
Có ý kiến công trình xa đô thị lớn, xa trục di sản Mỹ Sơn - Hội An. Như thế vị trí đặt tượng có vẻ không hiệu quả?
Vị trí do tỉnh xác định trước khi chúng tôi tham gia. Lựa chọn vị trí này có một đặc điểm có thể chấp nhận được là nó nằm ở quảng trường mà phía bên kia là khu kinh tế Chu Lai. Bây giờ cứ bảo phải gần đô thị, rồi thì Chu Lai phát triển lên thì sao. Chu Lai là khu đô thị- tốt hơn khu du lịch, vì khu đô thị mang tính đời sống nhiều hơn.
Hình dáng tượng nằm ngang với một cái đầu nhô lên ở giữa có vẻ hơi giống tượng vua Hùng ở khu du lịch Suối Tiên (TPHCM)?
Khi mời chúng tôi tham gia dự án, anh Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo) trình bày ý tưởng: Mẹ suối nguồn sinh ra từ đất, từ đá, từ núi… Tức là nó không giống loại tượng đài hiện tại bây giờ. Từ ý tưởng đó, bọn tôi mới tham gia. Các tượng khác theo kiểu tượng tròn bình thường chúng tôi không tham gia làm gì.
Mình làm tượng tròn thì rất xấu. Đây chỉ cần đúc cái đầu thôi. Đầu của mẹ giống như một ngọn núi, chân dung của mẹ lan tỏa hết cả không gian, có tính tượng trưng nhiều hơn tượng tròn “giơ tay giơ chân”.
Tượng vua Hùng kể trên có nước chảy ở trên xuống. Tượng này cũng có yếu tố nước thì lại càng giống?
Nước chủ yếu ở dưới, và tĩnh chứ không động. Ngoài hình ảnh của mẹ còn có tượng những người con của mẹ ẩn trong núi.
Hình dáng tương đối đơn giản và trải dài như thế làm bằng chất liệu bê tông cốt thép cũng được?
Làm bằng bê tông cốt thép thì thời gian đã kiểm nghiệm rồi. Bạn ra công viên mà xem phải sơn màu lên hết. Bộ VHTT&DL đã chủ trương từ lâu và tôi cho rằng đúng, tượng kiểu như thế bao giờ cũng phải làm bằng đá hoặc bằng đồng. Bằng đồng thì phức tạp hơn rất nhiều. Làm bằng bê tông cốt thép thì không có vấn đề gì, nhưng thẩm mỹ và tác động của thiên nhiên vào làm cái tượng ấy kinh khủng lắm.
Tượng Mẹ Tổ quốc của Nga quy mô như thế mà vẫn làm bằng bê tông cốt thép?
Thời kỳ đấy thôi (1940), bây giờ chắc cả thế giới chẳng ai làm bê tông cốt thép đâu.
Sau những ý kiến bàn tán về kinh phí, ý kiến ông thế nào?
Theo tôi nếu chúng ta có tiền và làm được thì đây không phải sự lãng phí. Thời gian vừa rồi làm Trung tâm Hội nghị Quốc gia to như thế, tiền như thế và do một nhóm KTS nước ngoài rất nổi tiếng làm rất nhiều công trình ở châu Á, châu Âu nhưng trong khi họ đưa ra rất nhiều phương án, mình lại chọn một thiết kế rất thường. Quan điểm của tôi, với một tác phẩm nghệ thuật thì cái tiền tốn sẽ được bù trì rất nhiều về sau này, nếu như nó vĩ đại, xứng đáng. Nếu cứ cho kinh phí đó là lớn thì mãi mãi mình không có một cái gì để nhắc đến.
Theo ông liệu mẫu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được chọn để xây dựng đã phải là mẫu tốt nhất?
Cái này về thẩm mỹ, chi tiết thì có nhiều vấn đề, nhưng cái ý tưởng tạo hình ảnh của mẹ gắn với núi non là được.
Mẹ gắn với núi non hay chỉ đầu của mẹ gắn vào núi?
Một đồ án đưa ra bao giờ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Mà trong 10 người, tác giả chỉ cần kéo 3 người đồng ý với mình thế là được rồi. Ví dụ ngày xưa ai đồng ý dựng tháp Eiffel. Chỉ có người duy nhất đồng ý và khích lệ tác giả là thị trưởng Paris, tất cả các nhà văn hóa đều phản đối cả. Cho nên chúng ta không nói những ý kiến nào sẽ quyết định câu chuyện mà vấn đề là khi người ta đã trao cho tác giả, tác giả đưa ra một ý tưởng và làm được, và có một phần nào đó đạt - thế là thành công.