Đọc sách như thấm một cơn mưa

Đọc sách như thấm một cơn mưa
TP - Cho đến cuối cuốn sách, bạn đọc, cũng như tôi, sẽ nhận ra rằng các phỏng đoán về chủ đề của tác phẩm này hóa ra đều không đúng, hoặc chỉ đúng một phần.

Những trang đầu của quyển sách này đã đánh lừa tôi, và chắc sẽ đánh lừa cả bạn. Bạn sẽ tưởng như đang đọc một câu chuyện quá nhẹ, quá lỏng lẻo, nhân vật mờ mờ, lẫn vào nhau đến nỗi dù chúng không nhiều lắm, nhưng ta thấy khó phân biệt. Thậm chí khó xác định ngay giới tính của nhân vật.

Sau ít trang, có vẻ mọi thứ hơi khác. Tôi đã nghĩ có thể đây là câu chuyện về nỗi buồn của những người du học. Ở lứa tuổi đầy rung cảm đầu đời, họ bị rơi vào một môi trường không có sự ấm áp quen thuộc của quê hương, nơi họ lớn lên. Cho dẫu nơi họ đi học là một nơi rất đẹp đẽ, yên bình hay một nơi đầy ắp những âm thanh ào ạt của một nhịp sống đầy cuốn hút, lộn xộn và lạ lẫm của nền văn hóa khác… thì cái mà người trẻ đi học xa quê không tránh được - là nỗi cô đơn. Tôi nghĩ giờ đây, nỗi cô đơn ấy còn sâu sắc hơn. Nếu người du học trước kia có một nỗi cô đơn giản dị của kẻ xa nhà, thì giờ đây, những người trẻ đi học ở nước ngoài mang theo nỗi cô đơn ngay từ quê hương, nơi cuộc sống có quá nhiều nguyên do khiến tâm hồn trẻ hoang mang và lạc hướng (có lẽ, đó là khó khăn, cũng là ân sủng của cuộc đời cho họ - thế hệ trước như tôi không có ân sủng ấy). Họ khám phá ra rằng phía sau những khác biệt rất lớn, tưởng chừng như thể giữa hai thế giới khác nhau, của quê nhà và xứ người, là sự giống nhau đến lạ lùng của nỗi niềm, thân phận. Lời thốt lên “Singapore này thật quá nhỏ bé” như thể chứa một hàm ý sâu xa về sự giống nhau trong nỗi u uất, niềm cô đơn, sự thèm khát cảm thông, kiếm tìm và chờ mong tình yêu cứu rỗi - những trạng thái của tâm can ta có thể gặp ở bất kỳ đâu trên trái đất này. Phải chăng sự giống nhau trong hiện đại hóa của nếp sống đem lại sự giống nhau trong tâm trạng mất phương hướng, cô đơn, chật hẹp?

Nhưng rồi những chục trang viết tiếp theo cho ta thấy có vẻ đó cũng chẳng phải là chủ đề của tác phẩm không dài, cũng không ngắn bạn đang cầm trên tay. Các tình tiết, vẫn đơn giản, như quyện đặc lại dần, và bạn đã có cảm giác rằng đây không phải câu chuyện về những nỗi buồn vô cớ, mà là câu chuyện về những số phận khắc nghiệt, những cảnh đời không giản đơn. Mọi thứ ngột ngạt dần lên, gay gắt dần lên. Phải chăng đây là câu chuyện về những vết thương, về những người trẻ tuổi phải bước vào đời và phải sống với những vết thương khó lành trong tâm hồn? Phải có lý do để họ, vào tuổi yêu, trong một môi trường không bị đói nghèo thiếu thốn đe dọa, lại có cảm giác như trong lời thứ hai nói về sự nhỏ bé (có thật theo kích cỡ địa lý, không thật theo chiều kích nhân gian) của đất nước này: “Singapore bé nhỏ nhưng sao chẳng thể nào đi hết những mệt mỏi ở nơi này”… Hay đây là câu chuyện về một thế hệ, theo ngôn ngữ triết học hiện sinh, đang bị ném vào thế giới hiện hữu - cái thế giới là di sản của những năm tháng trước đó, cái thế giới vẫn bị sức ép và sự độc đoán của những năm tháng trước chi phối?

Mỗi thế hệ tích lũy năng lực sống của mình theo một kiểu khác nhau - Không theo ý muốn của thế hệ đó, mà do bối cảnh quy định. Trong một thời buổi nhiều ngả rẽ này, không phải là lỗi của họ, nếu những người trẻ tuổi giờ đây không thể tích lũy năng lực sống theo cách giản dị, hào sảng, hồn nhiên, mà phải theo cách vật lộn với sự ngột ngạt, chật vật tìm tia sáng trong veo (liệu có còn?) của sự giao cảm giữa những trái tim. So với các thế hệ trước, họ sống trong một thế giới đỡ thiếu thốn hơn về vật chất và tự do cá nhân. Nhưng họ cũng chạm vào các dằn vặt, bế tắc, trống vắng… sớm hơn. Đó là lý do khiến có nhiều cơ sở để tin rằng, năng lực sống của họ sẽ bền vững hơn người ta có thể nghĩ.

Cho đến cuối cuốn sách, bạn đọc, cũng như tôi, sẽ nhận ra rằng các phỏng đoán về chủ đề của tác phẩm này hóa ra đều không đúng, hoặc chỉ đúng một phần. Đọc hết trang cuối, bạn mới biết rằng đây không phải một câu chuyện bao hàm chỉ những điều mà bạn đoán. Đây đơn giản là một bài thơ. Một bài thơ rất buồn. Người ta không tìm nghĩa trong thơ. Người ta chỉ lặng yên để thơ thấm vào mình.

Chính xác là cuốn truyện này thấm vào ta theo cách ấy. Lúc đầu nó khó đọc, không phải vì có trúc trắc gì trong chất liệu, mà chính bởi sự nhẹ bỗng của chất liệu. Nhưng đúng như tên gọi, nó là một cơn mưa. Không vội vã, không phải lúc nào cũng ào ạt, cơn mưa từ trang này sang trang khác cứ làm nặng dần, nặng dần không gian của câu chuyện, như nước mưa dần ngập bờ bãi. Tôi thú nhận là đã đọc phần đầu cuốn sách này trong một trạng thái khá hờ hững, vì đã tưởng đây chỉ là một thứ nhật ký biến hình của tuổi mới lớn. Nhưng khi hết cơn mưa, cũng là hết trang cuối, tôi ngạc nhiên khi nhận ra mình đã bị lừa một cách ngoạn mục. Tác giả đã viết như thể một người lơ đãng dúi xuống đất một cái cây con, rồi lơ đãng vun vén cho nó, đến lúc cái cây tự lớn lên, thành một thực thể khác hẳn, mà ta không kịp nhìn ra nó được chăm sóc thế nào. Dường như các trang viết tự trải ra, đúng thật như một cơn mưa, hạt mưa rơi trước kéo hạt mưa sau. Và mưa dứt cũng tự nhiên như khi nó bắt đầu. Chúng ta bất chợt thấy mình ướt đẫm bởi những giọt da diết, thương cảm, xót xa, ấm áp... mà những nhân vật của truyện đã trải qua. Còn có thể nói gì khác - đó là một bút pháp quá chuyên nghiệp! T.Đ.T 7.2011

Vài nét về LINH LÊ

Đọc sách như thấm một cơn mưa ảnh 1
Linh Lê tên thật là Nguyễn Huyền Linh, sinh năm 1986 tại Đà Nẵng trong một gia đình có truyền thống về văn chương.

Năm 1999, khi mới mười ba tuổi, trong cuộc thi Thơ và Truyện ngắn dành cho thiếu nhi do Hội văn nghệ thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tổ chức, Linh Lê đã ấn tượng đoạt cú đúp với hai giải thưởng dành cho cả hai hạng mục tranh giải (Giải nhì Thơ - không có giải nhất và giải ba dành cho thể loại truyện ngắn). Liên tiếp trong những năm sau đó Linh Lê đều có giải thưởng trong những cuộc thi văn học thành phố cấp bậc phổ thông trung học.

Cô học chuyên ngành Marketing tại Kuala Lumpur và hoàn thành cao học tại Singapore.

Linh Lê nói, với cô, viết chỉ là một sự tất yếu để giải phóng bản thân, muốn những con chữ được sinh ra vượt qua chính mình. Ở một khía cạnh khác, văn chương cũng là một yếu tố để níu giữ lại bản thân lại giữa cuộc sống xô bồ và phức tạp.

Tác phẩm: “Không khóc ở Kuala Lumpur” (tiểu thuyết, 2010); “Mùa mưa ở Singapore” (tiểu thuyết, 2011).

(Đọc “Mùa mưa ở Singapore” – tiểu thuyết của Linh Lê, NXB Hội Nhà văn và Cty sách Bách Việt 2011)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG