Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo?

TPO - Những bức tranh hoạt hình mang đậm dấu ấn Ghibli, nhưng lại không phải do bàn tay con người vẽ nên, đang tràn ngập trên mạng xã hội. Các ứng dụng AI trên smartphone, ChatGPT... cho phép người dùng biến ảnh chân dung thành tranh hoạt hình, tái tạo khung cảnh mang phong cách Studio Ghibli. Trào lưu đang tạo làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thời vấp phải nhiều tranh cãi gay gắt về đạo đức sáng tạo.

Nếu bạn đã lướt mạng xã hội trong vài ngày qua, có khả năng cao bạn đã bắt gặp những hình ảnh do AI tạo ra, mô phỏng phong cách đặc trưng của Studio Ghibli - hãng phim hoạt hình Nhật Bản đứng sau những bộ phim kinh điển như Spirited Away, My Neighbor TotoroHowl’s Moving Castle.

Nhờ vào phiên bản mới của ChatGPT, người dùng có thể biến các meme nổi tiếng trên internet hoặc ảnh cá nhân thành phong cách khó trộn lẫn của Hayao Miyazaki - người sáng lập Ghibli và cũng là nhà phê bình gay gắt của AI, từng nhiều lần lên án công nghệ này.

Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 1
“Distracted boyfriend” (“bạn trai lăng nhăng") - meme được chuyển thành phong cách Ghibli.

Tranh cãi xung quanh trào lưu AI phong cách Ghibli

Trào lưu này làm dấy lên những lo ngại về đạo đức liên quan đến việc AI sử dụng các tác phẩm sáng tạo có bản quyền, đặt ra câu hỏi về tương lai của các nghệ sĩ cũng như giá trị sáng tạo con người trong thời đại mà thuật toán ngày càng chi phối.

Nổi tiếng với phong cách vẽ tay tỉ mỉ và lối kể chuyện đầy chất thơ, Hayao Miyazaki từng chỉ trích vai trò của AI trong hoạt hình.

Một trong những lần ông phản đối AI mạnh mẽ nhất là trong bộ phim tài liệu năm 2016 Never-Ending Man: Hayao Miyazaki.

Trong phim, nhóm lập trình viên trình chiếu bản demo hoạt hình do AI tạo ra, mô tả một xác sống bò trườn trên mặt đất bằng cách kéo lê cơ thể bằng đầu - chuyển động mà họ cho rằng con người không thể tưởng tượng ra.

Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 2

Hayao Miyazaki đối diện với việc đứa con tinh thần của mình bị sử dụng tràn lan.

Sau khi xem, Miyazaki nhận xét: "Mỗi sáng trước đây, tôi đều gặp một người bạn bị khuyết tật. Chỉ để đưa tay lên đập tay (high five) thôi cũng là điều khó khăn với anh ấy. Cánh tay cứng đờ vì cơ bắp co cứng không thể vươn tới tay tôi. Giờ khi nghĩ đến anh ấy, tôi không thể xem thứ này và thấy nó thú vị được".

Ông tiếp tục: “Những người tạo ra thứ này hoàn toàn không hiểu gì về nỗi đau. Tôi thực sự ghê tởm… Tôi cảm thấy đây là sự xúc phạm với sự sống".

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của những bức tranh AI phong cách Ghibli. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người dùng có thể sở hữu bức tranh lung linh, mang hơi thở thần tiên của những tác phẩm kinh điển. Ẩn sau vẻ đẹp ấy là câu hỏi nhức nhối: AI đang tôn vinh nghệ thuật hay chỉ đơn thuần là đánh cắp công sức của người khác?

Xu hướng AI này đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí Nhà Trắng cũng tham gia vào trào lưu này vào 27/3. Bức ảnh AI mà họ đăng tải minh họa người phụ nữ 36 tuổi đến từ Cộng hòa Dominica khóc sau khi bị cơ quan quản lý di trú ICE bắt giữ, đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội.

Bức ảnh đã thu hút hơn 45 triệu lượt xem trên X/Twitter, nhiều người gọi nó là “đáng sợ” và “tàn nhẫn”.

Đây không phải lần đầu tiên AI lấy cảm hứng từ Studio Ghibli gây tranh cãi.

Tháng 10 năm ngoái, đoạn trailer của Princess Mononoke (1997) do AI tạo ra đã gây phẫn nộ sau khi trở nên viral trên mạng xã hội.

Đoạn trailer AI sử dụng lồng tiếng tiếng Anh từ bộ phim gốc với các diễn viên như Billy Crudup, Claire Danes và Minnie Driver, tái hiện lại hoàn toàn phần hoạt hình vẽ tay thành phiên bản CGI trông giống như người thật đóng.

Trí tuệ nhân tạo và nạn đạo nhái vô hình

Không ít người cho rằng AI chỉ đơn thuần là công cụ, giúp phổ biến nghệ thuật đến với nhiều người hơn. Nhưng vấn đề nằm ở cách AI hoạt động: các thuật toán học từ hàng triệu bức tranh có sẵn, trong đó có cả những tác phẩm của Ghibli, mà không hề xin phép hay ghi nhận công lao của họa sĩ gốc. Điều này đặt ra vấn đề nghiêm trọng về bản quyền và quyền lợi của người sáng tạo.

Nhiều họa sĩ bày tỏ sự bức xúc khi AI tạo ra những tác phẩm mô phỏng phong cách của họ mà không hề có sự tham gia của họ. Các tác phẩm này không chỉ xóa nhòa ranh giới giữa con người và máy móc, mà còn đặt dấu chấm hỏi về giá trị thực sự của nghệ thuật.

Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 3Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 4Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 5Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 6

Những bộ phim kinh điển, meme mạng xã hội được chuyển thành phong cách Ghibli nhờ AI.

Sự bùng nổ của AI trong sáng tạo hình ảnh không chỉ ảnh hưởng đến nghệ sĩ mà còn đe dọa toàn bộ ngành công nghiệp hoạt hình. Trường hợp các hãng phim có thể sử dụng AI để tạo ra những bức tranh "chuẩn Ghibli" với chi phí rẻ hơn nhiều so với việc thuê họa sĩ, tương lai của những người làm nghề vẽ sẽ đi về đâu.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc lạm dụng AI có thể làm mai một tài năng.

Nhà nghiên cứu Trystan S. Goetze lập luận, việc sử dụng AI để tạo ra nghệ thuật là hình thức "trộm cắp lao động": "AI tạo ra nghệ thuật là hình thức trộm cắp lao động, khai thác và bóc lột".

Karla Ortiz, họa sĩ nổi tiếng và là một trong những nguyên đơn trong vụ kiện chống lại các công ty AI, nhận định việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật để huấn luyện AI mà không có sự đồng ý của nghệ sĩ là hành vi xâm phạm quyền lợi. Bà nhấn mạnh:​ "Những mô hình này không chỉ sử dụng tác phẩm của chúng tôi mà còn làm suy yếu giá trị của công việc sáng tạo, biến nó thành thứ có thể sao chép mà không cần nỗ lực".

Ở phương Tây, nhiều nghệ sĩ và tổ chức đang đấu tranh để thiết lập quy tắc kiểm soát AI trong sáng tạo nghệ thuật. Cuộc tranh luận nổ ra khi một bức tranh do AI tạo ra đã giành giải thưởng tại một cuộc thi nghệ thuật ở Mỹ, khiến nhiều người phẫn nộ. Hiệp hội nghệ sĩ Mỹ đang kêu gọi các nền tảng AI công khai nguồn dữ liệu mà họ sử dụng để đào tạo mô hình, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người sáng tạo nội dung gốc.

Cơn sốt AI phong cách Ghibli: Tôn vinh hay cú tát vào ngành sáng tạo? ảnh 7

Nhiều khán giả ý kiến, AI có thể tạo ra hình ảnh đẹp, nhưng không thể tái hiện được tâm hồn của nghệ thuật. Tranh Ghibli không chỉ là những nét vẽ mềm mại, mà còn là hơi thở, là triết lý, là cả nền văn hóa mà con người đã dày công vun đắp.

"Sự phát triển của AI là không thể tránh khỏi, nhưng thay vì để nó hủy hoại nghệ thuật, chúng ta cần tìm cách sử dụng nó một cách có đạo đức và công bằng. Nghệ thuật vốn dĩ là sáng tạo và sáng tạo đích thực không thể đến từ một cỗ máy" - một khán giả ý kiến.

Tin liên quan
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Rùng mình 'soi' hình xăm gia đình trên tay người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm

Rùng mình 'soi' hình xăm gia đình trên tay người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm

TPO - Sau khi công an khởi tố, bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (SN 1981, trú khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cộng đồng mạng xôn xao về hình xăm gia đình trên tay của nghi phạm sát hại con để trục lợi bảo hiểm này. Hình ảnh cộng đồng mạng "soi" được trên tài khoản facebook Ty Na đăng tải vào năm 2021 và năm 2022. Nhiều người cảm thấy rùng mình bởi kẻ máu lạnh sát hại con lại rêu rao về tình mẫu tử.
Thông tin mới nhất về sắp xếp, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã ở Bình Dương

Thông tin mới nhất về sắp xếp, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã ở Bình Dương

TPO - Tỉnh Bình Dương từng dự kiến giảm từ 91 xã phường xuống còn 27 xã, phường. Song mới đây, sau khi Bộ Nội vụ đề xuất tăng số lượng, tỉnh này dự kiến được tăng lên 45 đơn vị hành chính cấp xã, phường, đồng thời đổi tên gọi đơn vị hành chính cấp xã, phường theo nguyện vọng của người dân.
Chủ tịch nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước kính cẩn dâng hương các Vua Hùng

Chủ tịch nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước kính cẩn dâng hương các Vua Hùng

TPO - Sáng 7/4 (10/3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng (TP. Việt Trì, Phú Thọ), Chủ tịch nước Lương Cường cùng lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước, các địa phương tham gia Lễ dâng hương, hoa, lễ vật Giỗ tổ Hùng Vương.