Nhạc sĩ giàu hay nghèo?

Nhạc sĩ giàu hay nghèo?
TP - Dư luận đang rộ lên chuyện có nhạc sĩ được nhận tác quyền khoảng 200 triệu đồng một năm. Xung quanh việc này, chúng tôi đã trao đổi với Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông cho biết:

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vừa phân phối số tiền sử dụng tác phẩm gần 5,5 tỷ đồng cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong nước và quốc tế có tác phẩm được sử dụng. (Năm 2010 tổng số tiền phân phối là 22,8 tỷ đồng). Con số được kiểm soát bằng các tổ chức kiểm toán quốc tế.

Hiện, tại Việt Nam có 1.750 nhạc sĩ và 127 nhà thơ, tác giả phần lời ký hợp đồng ủy thác tác quyền với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Hằng năm những người đó sẽ nhận được thông tin về số tiền tác quyền của mình. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có một ngân hàng dữ liệu, chứa hàng vạn thông tin về tác giả và tác phẩm, đồng thời thu nhận hàng vạn thông tin thanh toán tác quyền từ các đơn vị sử dụng tác phẩm.

Một tác giả nhận 60 triệu đồng tác quyền nhạc/quý

Tiền tác quyền một bài hát cho một lần sử dụng có nhiều không, thưa ông? Và có đúng là có nhạc sĩ thu được hàng trăm triệu đồng/ năm tiền tác quyền?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Một lần sử dụng trên đài phát thanh hoặc trên truyền hình thì số tiền cũng không nhiều, nhưng nếu được sử dụng nhiều lần thì lại thành số tiền rất lớn. Cộng lại, có tác giả nhận 1 năm tới gần 300 triệu đồng, chứ không chỉ là 200 triệu như dư luận. Ngay quý 1 này, nhạc sĩ TV nhận gần 60 triệu đồng. Có nhà thơ cũng nhận tới 6 triệu đồng.

Nhờ những hợp đồng ký kết với các đơn vị sử dụng nhạc phẩm và nhờ các hỗ trợ thiết bị kỹ thuật Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể thu từ đơn vị nhỏ nhất (dưới 100 đồng/lần sử dụng cho 1 tác phẩm).

Xin nhạc sĩ cho biết con số thu của năm gần đây nhất và số tiền đã phân phối. Dư luận quan tâm đến các nhạc sĩ “top” đầu nhận được số tiền bản quyền cao trong năm vừa qua, ông có thể tiết lộ?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Chúng tôi sẵn sàng công khai về số tiền thu và phân phối. Cụ thể như năm 2010 tổng số tiền phân phối là trên 22,8 tỷ đồng trên tổng mức thu năm là 32,5 tỷ đồng.

Hiện có khoảng 10 nhạc sĩ được nhận tác quyền khoảng 200 triệu đồng một năm. Nhưng còn có quyền riêng tư của các nhạc sĩ mà chúng tôi không thể nêu tên đầy đủ. Đó là các nhạc sĩ: H.A, N.H.L. VC…

60% số tác giả nhận được tiền tác quyền cao là các nhạc sĩ trẻ vì tác phẩm của họ được dùng cho nhạc chuông, nhạc chờ nhiều.

Có nhà thơ để tồn 50 triệu đồng tại Trung tâm chưa đến lấy

Dư luận còn đồn, có nhà thơ để tồn 50 triệu đồng tại Trung tâm chưa đến lấy? Như vậy thì làm thơ đâu có nghèo?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vâng, nhưng với điều kiện phải có bài thơ được phổ nhạc và bài hát đó được nhiều người sử dụng. Chúng tôi thu được tiền về nhưng đem tiền để trao tưởng dễ mà hoá khó. Trên trang web www.vcpmc.org trung tuần tháng 5, có đưa thông tin tìm tác giả thơ để trả tiền. Lý do, hiện nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tồn khoảng 2 tỷ tiền từ các đơn vị sử dụng gửi trả cho các tác phẩm âm nhạc có lời từ các bài thơ, nhưng các tác giả thơ chưa đến nhận.

Nếu có người đến nhận, họ sẽ phải làm những thủ tục gì?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cần xác minh tác phẩm ấy có đúng là của người ấy hay không. Bởi vì khi phổ nhạc, tác giả đã có thể đổi tên (tựa đề) bài thơ. Với một số tác giả có nhiều vợ và con, nếu đã qua đời, chúng tôi cần xác minh quyền thừa kế thứ nhất để trao tiền.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Những tác phẩm có lời thơ của các nhạc sĩ đã ủy thác quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì các đơn vị sử dụng tác phẩm phải thanh toán 100% phí tác quyền. Và tác giả thơ sẽ được 30% trong số đó.

Với 30% ấy, có tác giả thơ kể từ năm 2002 đến nay chưa lĩnh, số tiền lên tới gần 50 triệu đồng. Số có từ 2 đến 9 triệu khoảng 20 tác giả, số còn lại dao động từ 400 ngàn đồng đến 1,8 triệu.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hy vọng sau khi xác định được chủ sở hữu các tài sản kể trên số tiền còn lưu tồn sẽ được giải quyết đúng người đúng của vào năm nay.

Ngoài ra, còn có những trường hợp nào mà Trung tâm muốn trả tiền nhưng không thực hiện được?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thời gian vừa qua trên website của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã thông báo chính thức để tìm chủ nhân của các tác phẩm thơ, nhạc mà chúng tôi đã thu được tiền sử dụng tác phẩm nhưng chưa có địa chỉ tác giả, cũng như chưa xác định được tác phẩm có đúng là của tác giả đó hay không, vì đôi khi tên tác giả trùng nhau, tên bài thơ- nhạc đã thay đổi so với thời điểm đăng ký ban đầu khi sử dụng...

Cũng là một nhạc sĩ, ông có suy nghĩ gì trước tình trạng các nhạc phẩm bị sử dụng tràn lan không trả tiền tác quyền?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vẫn còn không ít đơn vị sử dụng, khai thác tác phẩm mà luôn tìm kẽ hở của luật pháp để trốn tránh nghĩa vụ tác quyền. Để phát hiện ra đã khó, áp dụng chế tài càng khó. Có nhiều chương trình tổ chức tại Hà Nội bán vé rất cao nhưng không hề xin phép và trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ. Khi nào một ca sĩ sắp biểu diễn mà có nhạc sĩ bước lên sân khấu không cho hát bài của mình, thì khi ấy tình hình có thể sẽ khác...

Về phía Trung tâm, chúng tôi cho rằng việc chỉ cấp phép biểu diễn khi nhà tổ chức đã trả tiền bản quyền là việc cần làm ngay.

Năm 2002: Tổng số tiền thu phí bản quyền là 78.000.000 đồng

Năm 2010: Tổng số tiền thu phí bản quyền là 32.561.577.360 đồng

Năm 2002: Số nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác là 274 người.

Năm 2011 (đến 31/05): Số nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác là 1827 người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngày mai, họp báo công bố Giải thưởng 'Bền Đam Mê'
Ngày mai, họp báo công bố Giải thưởng 'Bền Đam Mê'
TPO - Chiều mai (17/1), tại trụ sở báo Tiền Phong, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam (T.Ư Đoàn) sẽ tổ chức họp báo công bố Giải thưởng “Bền Đam Mê” – tôn vinh những nỗ lực vượt qua khó khăn và sự bền bỉ trong hành trình theo đuổi đam mê của thế hệ trẻ Việt Nam.