Không làm được phim lịch sử là có tội

Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt
TP - Phim về đề tài lịch sử có thể xem là một nỗi đau của điện ảnh Việt Nam. Tại hội thảo Phim truyện Việt Nam về đề tài lịch sử- Cục Điện ảnh tổ chức sáng 9-7 tại Hà Nội, nhiều nhà làm phim cùng đồng thanh: không làm được phim lịch sử là có tội với dân tộc.
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa ra một ý kiến có vẻ trái chiều: “Các nhà làm phim nhiều khi bị coi như người có lỗi, dù chúng ta không có lỗi”.

Bà Ngát cho hay, các nhà biên kịch, đạo diễn, họa sĩ đã bỏ công sức nhiều để thực hiện dự án phim kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, nhưng chỉ một cái lệnh trên xuống: Giãn tiến độ (!), tất cả công sức đều bị bỏ phí!.

Tại anh, tại ả...

“Trách nhiệm không phải ở nghệ sĩ, không phải ở Cục hay Bộ mà ở cấp cao hơn. Xin 200 tỷ đồng nhưng nếu chỉ cho 100, thậm chí 50 tỷ đồng, chúng ta vẫn làm, huy động kinh phí xã hội để làm. Dù làm phim theo kiểu xã hội hóa như Trần Thủ Độ (kinh phí 30 tỷ đồng), Đường đến Thăng Long (70 tỷ đồng) mất nhiều công sức.

Nhà biên kịch Thiên Phúc: “Khi chúng tôi làm phim lịch sử, đề nghị các nhà sử học tránh ra. Chúng tôi có quyền hư cấu tưởng tượng trên cơ sở tôn trọng lịch sử”.

NSND Trần Thế Dân: “Nghĩ lại hơi rợn tóc gáy thời còn ngồi trong Hội đồng Duyệt phim. Bắt bẻ từng chi tiết, từng câu thoại đúng sai. Thử hỏi nếu nói đúng như cách đây hàng trăm năm, bây giờ sao hiểu được!”. 

Nhà nước không làm, nhân dân vẫn làm. Không thể ngăn được niềm khao khát làm phim lịch sử. Quan trọng nhất là người tạo điều kiện cho nhà làm phim lịch sử phải có trách nhiệm với lịch sử - hơn cả nhà làm phim”, bà Ngát kết thúc. “Mong có một vị ở trên cao mê điện ảnh, và chúng ta sẽ được làm phim lịch sử!”.

Hơn một diễn giả trong hội thảo tỏ ý tiếc vì kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn của Thiên Phúc đã không được Nhà nước cấp kinh phí sản xuất như dự kiến. Nhà văn Đình Kính (Hải Phòng) nói: “Tại sao trẻ con Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam? Lỗi của giáo dục và lỗi của các nhà làm phim lịch sử. Lỗi của chúng ta là chưa làm Nhà nước quan tâm”.

Nếu NSND Trần Thế Dân muốn phim lịch sử phải được coi trọng và tài trợ triệt để như phim hoạt hình và tài liệu, thì đạo diễn Trần Duy Hinh lại cho rằng về kinh phí làm phim nên trông chờ vào tư nhân hơn Nhà nước. “Trước hết yếu tố con người”, ông Hinh khẳng định - “Tại chúng ta chưa bồi dưỡng tài năng”.

Đạo diễn Hà Sơn hướng sự chú ý của hội thảo vào khán giả: “Công chúng có thích câu chuyện chúng ta làm không? Chúng ta chưa viết được câu chuyện lịch sử hay. Không bao giờ công nghệ, tiền bạc quyết định phim!”.

Không nên bắt bẻ

Nhà biên kịch Thiên Phúc tiếp tục kỳ vọng vào tư nhân trong vấn đề cốt tử của phim lịch sử: trường quay. Theo ông Phúc, phim trường Cổ Loa địa thế hơi hẹp, ông kiến nghị làm trường quay ở phía Nam, cụ thể là Phan Thiết - nơi nắng quanh năm và ít bão.

“Hàng trăm resort ở đây do tư nhân bỏ tiền ra. Chúng ta chỉ cần có cơ chế, không lo thiếu tiền”, theo ông Phúc. “Nếu tư nhân thấy lợi nhuận sẽ đầu tư làm phim trường ở đây ngay”.

Được biết, những phim trường ở Trung Quốc như Hoành Điếm (của tư nhân), Vô Tích (của Đài Truyền hình Trung Quốc) đều dựa vào địa thế phong cảnh đẹp, có quy mô của một đô thị khép kín với đầy đủ các dịch vụ du lịch.

Ngay phim Đê Chang Kưm của Hàn Quốc đã xong từ lâu mà phim trường vẫn được giữ lại làm địa điểm tham quan. Chúng ta đã lỡ thời cơ có một phim trường, nhà văn Đình Kính nói: “Khi đoàn làm phim Điện Biên Phủ (Pháp) dựng trường quay ở Hòa Bình, chúng ta không thương lượng giữ lại, để họ dỡ đi hết”.

Phim Tây Sơn hào kiệt gần đây bị nhặt sạn nhiều với thành Ngọc Hồi bằng tranh tre nứa lá; nhà Lê xây cung điện bằng xi măng và gạch thẻ; trong khuôn hình thấy cả cột điện cao thế… Tất cả vì thiếu một trường quay. Đạo cụ, phục trang cũng là một cơn ác mộng kéo dài trong phim lịch sử Việt Nam.

Nhà văn Đình Kính chỉ xem qua màn ảnh nhỏ mà phát hiện ra ông quan trong Hoàng Lê nhất thống chí đội mũ cánh chuồn làm bằng giấy bồi từ vỏ bao thuốc lá. “Trang phục từ thế kỷ XV trong một bộ phim cũng đã gây tranh cãi đến phát mệt,” nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh cho hay.

“Nhà làm phim lịch sử nước ngoài không phải băn khoăn về những việc này. Từ điển La Rousse có hết: vua Louis thứ mười mấy mặc gì, chất vải thế nào cùng hình ảnh minh họa”.

Nếu đạo cụ, phục trang đòi hỏi càng chân thực càng tốt, thì lại khó có thể đòi hỏi như thế về chi tiết trong phim lịch sử. Các nhà làm phim đều khẳng định sự tự do tương đối trong việc tái tạo lịch sử.

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nói: “Trong diễn tiến lịch sử, những con người vĩ đại được thánh hóa. Các nhà làm phim lịch sử phải đưa các vị thánh đó trở lại là người”.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.