Bà Lịch (người thứ 2 bên phải) cùng phường Xoan An Thái biểu diễn hát xoan tại Đình Hùng Lô (Việt Trì) |
Từ nhỏ, bà Lịch thấy cả ông nội và cha lần lượt đều làm trùm hát xoan. Hằng ngày, mọi người trong làng thường đến nhà bà học hát. Bà học theo và biết hát xoan từ năm 13 tuổi.
Năm 1996, được người cha về hưu truyền lửa, bà khôi phục các làn điệu hát xoan An Thái. Đầu tiên là thành lập câu lạc bộ (CLB) hát xoan gồm 20 người.
Đến năm 2006, CLB hát xoan An Thái được công nhận là phường xoan cấp tỉnh, do bà Lịch làm chủ nhiệm, gồm 42 thành viên. Mỗi năm phường xoan An Thái thường đi biểu diễn 20 buổi ở trong và ngoài tỉnh.
Năm 2007, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc, phường xoan An Thái đạt giải nhất. Cá nhân bà Lịch cũng được trao giải nhất.
Từ năm 2006 đến nay, bà Lịch mở được 5 lớp học hát xoan, đào tạo hàng trăm người, tuổi từ 11 đến 60. Mỗi tuần bà dạy 2 buổi, vào tối thứ bảy và chủ nhật. Thời gian học mỗi lớp là 4 tháng. Tất cả các lớp học, bà đều dạy miễn phí.
Hát xoan là tiếng hát cửa đình, được tổ chức vào mùa xuân, với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Hát xoan gồm có 3 phần. Phần 1, hát nghi lễ, là hát giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Phần 2, hát 14 quả cách (làn điệu). Phần 3, hát bội, là hát xin huê đố chữ, cài huê bắt cá, chơi bợm và hát trống quân Đức Bác… Một gánh hát thường có 4 cô đào và 1-2 anh kép. Khi biểu diễn có nhạc cụ hỗ trợ là trống và phách. Hát xoan đang được nhà nước lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. |