Bài thơ “Trăng nghẹn” <EM>nghẹn</EM> giải:

Sóng đời sống vỗ vào thơ

Sóng đời sống vỗ vào thơ
TP - Từ câu chuyện bài thơ 'Trăng nghẹn', nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Trưởng ban giám khảo cuộc thi thơ ĐBSCL đã có bài viết gửi Tiền Phong.

>> Xấu hổ cũng là tình cảm cách mạng

Sóng đời sống vỗ vào thơ ảnh 1

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu

Qua 60 bài thơ vào chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4, tôi cảm nhận sức sống của đồng bằng tràn ngập trong thơ, trong từng bài viết của người tham dự. Lòng yêu nước, tinh thần của người đồng bằng được thể hiện không chỉ bằng những ngôn từ đao to búa lớn, bằng những chữ như có cánh mà bằng những xúc cảm chân thật, cụ thể, bình dị và cả bình dân nữa. Điều đó có làm mất đi chất thơ không?

Hoài Tường Phong viết: Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,/Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu./Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,/Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi. - Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:/Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,/Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,/Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Nếu xét về toán học thì ta thấy có hai cái nhất dương và ba cái nhất âm. Cái nhất dương thì sẽ vẫn dương và sẽ còn dương (chắc chắn), thậm chí sẽ thêm nhiều cái dương khác nữa. Còn nhất âm là một thực tế đau lòng mà ai cũng muốn nó tiến tới O hoặc trở thành dương trong tương lai gần.

Phải nhắc tới điều này để thấy vì sao Hoài Tường Phong thấy Trăng nghẹn: Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,/Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ./Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,/Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Sau mây vần vũ thì trời lại sáng, trăng lại trong, lại thỏa ước mơ một vầng trăng viên mãn. Phải là một người nhiều băn khoăn, trăn trở, suy tư trước vận hội mới của dân tộc, của đồng bằng, của một vùng quê cụ thể mới có thể cảm được cái “nghẹn” của tác giả. Mong rằng đây không chỉ là cái nghẹn của người làm thơ, mà là của nhiều người, của triệu người đồng bằng để cuộc sống của người đồng bằng sẽ bay lên cùng 9 cửa sông ra biển lớn.

Hai giải nhì rơi vào hai bài thơ ngắn của hai tác giả nữ. Hai nàng thơ với hai phong cách khác nhau cho ta cảm giác với một đồng bằng có nhiều điều mới lạ.

Lê Thanh My mang cái không khí đồng bằng truyền thống- đồng bằng của những người mở đất, mở cõi, của khách thương hồ sông nước bạn quen-Một không khí rất Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam.

Trời lặng mà lòng lá lay/Ai thả sợi thời gian, câu nửa đời tay trắng?/Nụ cười vỡ toang/Mà búng Bình Thiên  vẫn lặng/Vai giang hồ - túi rỗng -  mộng đầy trăng…

Ngô Thị Thu Vân báo động về một thay đổi trong tâm và thế con người và của đất đồng bằng: Khi xa mà gần, khi gần lại xa. Sự cách trở của cách xa nhiều khi làm người ta thật hơn sự thuận tiện của gần gũi.

Cầu xây xong, anh, không thấy về thăm/Em mới biết/Đôi bờ cách nhau tám ngàn ba trăm ba mốt mét/Bằng chiều dài con sóng/Và/Xa quá một tầm tay

Rồi sẽ chẳng còn ai chịu nỗi đau trong tim khi hết Rạch Miễu, đã Mỹ Thuận và sẽ Cần Thơ không còn đôi bờ ngăn cách.

(…) Có thể nói thơ ĐBSCL qua các tác phẩm vào chung khảo cuộc thi lần thứ 4 phần nào thể hiện được sức sống của một vùng đất đang từng ngày thay đổi, trong nỗi ngậm ngùi về những điều chưa trọn vẹn với những mong ước một đồng bằng vươn lên mạnh mẽ, sánh vai cùng các vùng miền khác trong cả nước trong mọi mặt đời sống, trong phát triển và hội nhập.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu
Trưởng ban Chung khảo

Hai bài thơ đoạt giải nhì

Sương Hồ

 Lá mỏng như sương

Mang cả mùa đông trên áo

Chiếc xuồng nhỏ đầy khoang mộng ảo

Hảo hán,  hề… bó gối, khoanh tay

Trời lặng mà lòng lá lay

Ai thả sợi thời gian, câu nửa đời tay trắng?

Nụ cười vỡ toang

Mà búng Bình Thiên  vẫn lặng

Vai giang hồ - túi rỗng -  mộng đầy trăng…

Sương của ngàn năm

Vẫn lạnh như băng

Bàn tay ấy

Em!

Một lần làm ta viễn vọng

Xua những mùa xưa trĩu nặng

Ta mang hồn đi rong.

Đôi bờ

Anh trách em:

“Ở làm chi bên kia bờ sông Tiền” 

Cho nỗi nhớ dài như con sóng

Anh nắng hạ mưa đông nại đò giang cách trở

Em ngày giêng hai ngồi đợi bến sông chiều

Đo thử sóng dài bao nhiêu

Để ước chừng nỗi nhớ

Ước chừng giữa muôn trùng sóng vỗ

Có ngọn sóng nào xô ta vào nhau

Đôi bờ khuất sau một dãy cù lao

Con sóng gãy làm đôi, con sóng dài không hết

Nên anh cứ trách

Nỗi đò giang

Khi những sợi dây văng

ngạo nghễ đưa tay níu trời về với nước

Em bồi hồi không biết

giấu nỗi lòng vào đâu

Tháng bảy mưa ngâu

Em ra ngồi đếm sóng 

Đếm những chuyến phà, ước lượng tháng năm

Cầu xây xong, anh, không thấy về thăm

Em mới biết

Đôi bờ cách nhau tám ngàn ba trăm ba mốt mét

Bằng chiều dài con sóng

Xa quá một tầm tay.

MỚI - NÓNG