Hà Nội về đêm. Ảnh : 1000namthanglonghanoi.vn |
Các viện thuộc khối nghiên cứu về khoa học xã hội tiếp tục cụ thể hóa thêm một bước về nội dung của hệ thống quan điểm lý luận về đổi mới, chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH, làm cơ sở khoa học cho đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời góp phần bổ sung và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH.
Quan điểm coi phát triển kinh tế thị trường chính là phương thức hiệu quả nhất để tạo lập cơ sở kinh tế nhằm phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu về tư liệu sản xuất, trong đó sở hữu hỗn hợp dựa trên chế độ cổ phần ngày càng trở thành một hình thức chủ yếu để phát triển kinh tế công hữu là những kiến nghị mới, có giá trị.
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và xã hội dân sự định hướng XHCN, bước đầu đã có những kiến giải về mối tương tác mang tính biện chứng phát triển giữa các yếu tố này như là những trụ lực của sự phát triển đất nước theo định hướng XHCN trong điều kiện mới.
Viện cũng tiếp tục luận giải khung lý luận về thể chế kinh tế thị trường, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và người dân trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; cụ thể hóa thêm một bước ở góc độ lý luận về mô hình và bước đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn ở Việt Nam, nhất là vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và vấn đề nông dân.
Về hệ thống chính trị, Viện tiếp tục làm rõ thực chất của công cuộc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta là xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN theo nguyên tắc thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với hệ thống pháp luật đồng bộ, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận.
Cũng theo hướng này, viện cũng tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về Đảng cầm quyền và lãnh đạo trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự định hướng XHCN; vấn đề dân chủ trong Đảng, Nhà nước và xã hội, tăng cường hiệu quả của bộ máy nhà nước....