Ngày xử  thứ ba vụ “Đề  án 112”

Tiền 'bôi trơn' : Kẻ nói có, người bảo không

Tiền 'bôi trơn' : Kẻ nói có, người bảo không
TPO - Người đưa bảo đã tiêu tốn hàng trăm triệu tiền “bôi trơn”, kẻ nhận lại cho rằng, đó là sự vu khống. Các bị cáo khẳng định, việc chỉ định thầu là đúng pháp luật – là nội dung chính được HĐXX làm rõ trong ngày xét xử thứ ba.
Tiền 'bôi trơn' : Kẻ nói có, người bảo không ảnh 1
Nguyên Trưởng ban đề án 112  Vũ Đình Thuần tại tòa. Ảnh : PV

Trả  lời câu hỏi từ phía luật sư Phan Trung Hoài về  nguyên nhân gây ra những sai sót khi ký kết hợp  đồng với Ban đề án 112, bị cáo Nguyễn Đức Giao – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tư  pháp cho rằng: “Tôi rất hào hứng tham gia công tác làm sách. Đặc biệt, sau khi có thông tin từ anh Hoàng Đăng Bảo về việc ký kết hợp đồng in ấn với Ban đề án 12, tôi mừng lắm. Nghe bất cứ thông tin nào, không chỉ từ 112, tôi đều xách cặp chạy đến liên hệ. Và do sợ mất đối tác, chúng tôi đã vội chi “phát hành phí” cho 112 không qua tài khoản”. Và theo phía đại diện Nhà xuất bản Tư pháp, hiện Ban đề án 112 còn nợ họ 667 triệu đồng

Phản  ứng khá gay gắt với lời khai này, bị cáo Vũ  Đình Thuần cho rằng: “Tôi không đồng ý việc phía Nhà xuất bản nói chi 667 triệu đồng cho Ban điều hành 112. Khoản 667 triệu, đến tháng 6-2007 tôi mới biết trong một buổi kiểm tra công việc. Ngay sau đó, tôi đến gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhờ kiểm tra. Bộ trưởng Uông Chu Lưu yêu cầu anh Giao cho xem danh sách nhận tiền ngay, hơn chục người có tên toàn là người của Nhà xuất bản Tư pháp. Đó là tiền phát hành và nhuận bút. Nhuận bút chúng tôi không cần vì đã thuê chuyên gia bậc cao viết bài. Phát hành cũng không cần vì chúng tôi có kinh phí chuyển phát nhanh, không cần đến khoản đó.

Liên quan đến nội dung đấu thầu, chỉ định và trúng thầu của hai Công ty Nhất Vinh và Toàn Cầu, nguyên Trưởng ban đề án 112 - Vũ Đình Thuần: “Việc chỉ định thầu là hoàn toàn phù hợp theo Nghị định 88/CP của Chính phủ. Bởi hai công ty này có tính chất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, về “công nghệ mã nguồn mở” mà các công ty trước đó tham gia quá trình mua máy không làm được. Hơn nữa, đây là những hợp đồng có đặc thù công nghệ cao mang tính chất an toàn thông tin, bí mật quốc gia”.

Tiếp tục thẩm vấn nguyên Trưởng ban đề án 112, luật sư Đào Hữu Đăng hỏi: “Kết luận của VKSND Tối cao cho rằng, ông cố tình chia nhỏ các gói thầu để tránh đấu thầu?”. Bị cáo Vũ Đình Thuần phủ nhận: “Chúng tôi không làm việc đó. 23 hợp đồng ký với Công ty ISA bao gồm các việc thực hiện liên kết đào tạo, xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung… được triển khai trong suốt thời gian 3 năm”. Cũng theo lời của bị cáo Vũ Đình Thuần, không có căn cứ nào để xác định thiệt hại số tiền 1,3 tỷ đồng đã ký hợp đồng với Công ty ISA.

Để bảo vệ ý kiến trên, một thuộc cấp rất gần gũi của ông Vũ Đình Thuần - bị cáo Lương Cao Sơn, nguyên Ủy viên Thư ký Ban Điều hành Đề án 112 cũng quả quyết: “Việc chỉ định thầu cho Công ty Nhất Vinh và Công ty Toàn Cầu là đúng pháp luật. Đây là một dự án lớn, có công nghệ cao, chưa có quy chế riêng nên rất khó để có thể xây dựng được kế hoạch ngay từ đầu. Vậy nên Chính phủ giao cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW xây dựng đề án cho đơn vị mình và gửi về cho Ban Điều hành Đề án 112 thẩm duyệt. Trong quá trình thực hiện, có dự án vừa làm nhưng vừa tiến hành thử nghiệm để có thể phát huy hiệu quả…

Cũng theo ông Thuần, xuất phát từ những khó khăn trên, trong thời gian triển khai thực hiện Đề án 112, bị cáo này đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính cho áp dụng một cơ chế tài chính đặc thù, thậm chí còn có văn bản đề nghị khoán gọn cho các Bộ, các địa phương từng phần việc riêng cho phù hợp nhưng không được chấp nhận.

Cuối ngày làm việc, HĐXX tập trung làm rõ thêm một số các bị cáo nguyên là lãnh đạo, kế toán trưởng các nhà xuất bản, các công ty… xoay quanh việc trước khi thực hiện ký kết hợp đồng in ấn tài liệu với Ban Điều hành Đề án 112, những bị cáo này đã phải tuân thủ theo “quy chế ngầm” nào.

HĐXX tạm nghỉ hai ngày cuối tuần và trở lại vào 8h sáng  thứ hai (18-1).

MỚI - NÓNG