'Văn học VN xứng đáng được vinh danh'

'Văn học VN xứng đáng được vinh danh'
TP - Kết thúc ngày đầu Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, PV Tiền Phong trao đổi với dịch giả Mỹ Kevin Bowen và dịch giả Rumani Constantin Lupeanu.

Nguyên đại sứ Rumani tại Việt Nam (2000-2004), cũng là người chuyển ngữ thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký trong tù sang tiếng Rumani, ông  nói:

“Văn học Việt Nam giàu có, nhiều nét đặc trưng. Hiện nay về hưu, tôi muốn tiếp tục dịch văn học Việt Nam, nhất là với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Rumani - Việt Nam. Đến hội nghị lần này, tôi mang lời chào của các nhà văn Rumani đến với các bạn Việt Nam.

"Bản thân tôi đánh giá cao văn học Việt Nam, tính nhân văn trong văn học xứng đáng để được giới thiệu với bạn bè thế giới, trong đó có Rumani. Hơn nữa, dịch sách Việt Nam sang tiếng Rumani không chỉ giúp các bạn quảng bá, còn giúp chúng tôi làm giàu nền văn học”.

Ông có thể cho biết đôi điều về tình hình sách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Rumani?

Tính từ đầu thế kỷ XX đến năm 1989 có khoảng 30 sách Việt Nam dịch sang tiếng Rumani, còn từ đó trở lại chỉ có khoảng bốn cuốn sách Việt Nam được chuyển ngữ.

Cuốn nào được bạn đọc Rumani đón nhận nồng nhiệt nhất thưa ông?

Có thể kể đến Tuyển dịch mười thế kỷ thơ Việt Nam dịch cách đây 10 năm. Tôi rất vinh hạnh khi góp Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh từ tiếng Hán và thơ Hồ Xuân Hương từ chữ Nôm.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm do tôi sửa bản dịch của anh Phạm Viết Đào cũng gây tiếng vang tại Rumani. Riêng Hồ Xuân Hương, tôi luôn thấy ở bà một con người rất hiện đại.

Kevin Bowen: Các nhà xuất bản, dịch giả nên có cam kết

Giáo sư Kevin Bowen là giám đốc Trung tâm William Joiner, nơi dịch nhiều sách tiếng Việt để quảng bá trên đất Mỹ.

Liệu có hỗ trợ nào đối với công việc dịch sách Việt Nam ở Mỹ, thưa ông?

Ở Mỹ có hẳn chương trình dịch các tác phẩm Việt Nam. Các dịch giả phối hợp với các NXB nhỏ, NXB các trường đại học và đặc biệt một số du học sinh Việt Nam tại Mỹ. 

Còn  trung tâm William Joiner rất quen thuộc với nhà văn Việt Nam?

Hiện chúng tôi ưu tiên dịch một số tạp chí điện tử của Việt Nam sang tiếng Anh, ngoài ra chúng tôi cũng quan tâm đến một số tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu.

Trong buổi họp, ông có nhắc tên nhà văn, thơ Việt Nam: Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh mà ông coi như những người bạn.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm với họ. Nhà tôi là nơi một số các nhà văn Việt Nam đến chơi, thậm chí ở lại trong thời gian lưu lại Mỹ. Những người bạn Việt Nam của tôi chơi với các con tôi khi chúng còn nhỏ. Chính điều này ảnh hưởng ít nhiều đến bọn trẻ, chúng đọc và có kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam.

Ông mong muốn điều gì nhất ở hội nghị này?

Tôi hi vọng, sau hội nghị này, các NXB, dịch giả có cam kết, thông qua dịch thuật để tăng cường trao đổi ý tưởng và giao lưu văn hóa hai nước.

MỚI - NÓNG