Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nói: Các bộ trưởng vừa phải quản lý, vừa trực tiếp chỉ đạo, điều hành những sự vụ cụ thể và cũng kiêm cả trưởng ban soạn thảo các dự án luật.
Bộ máy giúp bộ trưởng công tác này thường là vụ pháp chế, mặc dù đã được đề nghị tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế. Bộ trưởng, các thứ trưởng trong ban này, nhưng đều kiêm nhiệm, rất bận rộn. Vì thế, hội thảo phải làm ngoài giờ, ngày nghỉ nhưng cũng không mấy khi đầy đủ thành phần.
“Qua các phiên họp tại UBTVQH cho thấy, có bộ trưởng đã không thể nắm hết nội dung dự thảo luật do chính bộ mình soạn và trình ra UBTVQH, vì bộ trưởng không thể đủ điều kiện để quán xuyến hết được” – Ông Vượng nêu thực trạng.
Theo Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể, do cách làm đó, luật ban hành ra còn nhiều bất cập, rất vất vả để đi vào cuộc sống.
“Công tác chuẩn bị cho một văn bản, một đạo luật ra đời thường quá gấp gáp, thiếu thời gian tổng kết thực tiễn, đánh giá, nghiên cứu, khảo sát, hội thảo... Thứ hai là tổ chức, con người giúp bộ ngành xây dựng dự thảo luật chưa hoàn chỉnh”- Ông Thể nhận xét.
Theo phân tích của ông Thể, không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia công tác xây dựng luật. Kinh nghiệm cho thấy có người làm suốt 10 năm vẫn không thể làm được, cho nên cần có con người, bộ máy chuyên nghiệp. Do xem nhẹ công tác làm luật, đầu tư chưa thỏa đáng cho nên chất lượng luật chưa cao là dễ hiểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, có trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo thiếu quan tâm, dành thời gian thích đáng cho việc chỉnh lý dự thảo.
“Lãnh đạo cơ quan chủ trì rất ít tham gia, nếu có thì chủ yếu là cán bộ cấp vụ hoặc chỉ cử chuyên viên” - Ông Thuận nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, do hàng năm số lượng văn bản Chính phủ trình QH, UBTVQH quá lớn (khoảng 90%) nên có một số bộ ngành được giao chủ trì soạn thảo nhiều dự án cùng một thời gian đã dẫn đến bị quá tải.
Giao cho một cơ quan độc lập
Công tác xây dựng luật hiện chủ yếu là giao cho các bộ ngành chuẩn bị, sau đó trình UBTVQH và các ủy ban của QH xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến rồi thông qua. Cách làm này còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự đầu tư thỏa đáng cả về bộ máy tổ chức, con người và kinh phí.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số bộ ngành khi được giao chủ trì xây dựng văn bản còn nặng về bảo vệ lợi ích hoặc tạo thuận lợi cho bộ ngành mình, nhất là những vấn đề cần quy định chi tiết liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đó.
Ủy ban Pháp luật đề nghị: “Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế soạn thảo dự án luật, pháp lệnh theo hướng giao cho một cơ quan chuyên trách độc lập, không giao cho các bộ ngành như hiện nay (bộ ngành chỉ đề xuất chính sách liên quan); đồng thời nghiên cứu giao cho một cơ quan chuyên trách “gác cổng” cho Chính phủ, Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật”.
Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú nhận xét, đề xuất này là phù hợp, nhưng cần có một lộ trình thực hiện, với điều kiện hiện nay thì tính khả thi chưa cao.
“Trước mắt, có thể giao việc thẩm định các dự luật cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thay vì giao cho từng ủy ban như hiện nay” - Ông Tú đề xuất.
Các ủy viên UBTVQH cho rằng, việc phản biện các dự luật có thể giao cho các bộ ngành và lấy ý kiến của MTTQ.
* Hôm qua, UBTVQH đã cho ý kiến bước đầu về kỳ họp thứ bảy QH khóa XII (từ 20-5 đến 26-6-2010), dự kiến thông qua 12 dự luật, cho ý kiến về nhiều dự luật và quyết định một số vấn đề quan trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến 15-6-2009 còn 28 văn bản quy định chi tiết thi hành 11 luật, 2 pháp lệnh có hiệu lực trước 1-7-2009 chưa được ban hành; còn 21 văn bản quy định chi tiết thi hành 4 luật, 2 pháp lệnh có hiệu lực từ 1-7-2009 chưa ban hành. Thống kê của Đoàn giám sát, trong 63 luật, 18 pháp lệnh, 1 nghị quyết đã có hiệu lực có 274/704 nội dung chưa được quy định chi tiết. |