Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin trích ý kiến của TS Trần Duy Bình, nguyên Viện trưởng Khí tượng Thủy văn là, rừng và thủy điện gắn bó với nhau như hình với bóng nên, ở đâu còn rừng giàu, nhất là rừng nguyên sinh, ở đó có dự án thủy điện vừa và nhỏ, và ngược lại.
Lũ tràn đập Hố Hộ (tỉnh Quảng Bình) phá tan đường dân sinh giữa năm 2008. Ảnh: PV |
Xem thuyết minh triển khai một dự án thủy điện nhỏ ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, của một đơn vị thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội, thì được biết trong phần liệt kê sáu điều kiện để đảm bảo thành công, có một điều kiện “có rừng đầu nguồn đang và sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Miếng mồi hấp dẫn
Tính riêng nhóm dự án thủy điện nhỏ đăng ký ở Bộ Công Thương, năm 2007 có cả thảy 26 nhà máy thuộc loại này đi vào vận hành với tổng công suất 450 MW. Năm 2008, có thêm 24 nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất 343 MW. Trong khi 126 dự án thủy điện ở Lao Cai được thực hiện dần dần hơn 10 năm nữa, các địa phương khác có rừng, núi, và dòng chảy dốc, không chịu kém cạnh.
Tính đến nay, theo thống kê của Bộ Công Thương, toàn quốc có 216 dự án thủy điện vừa và nhỏ đăng ký đầu tư xây dựng với tổng công suất gần 4.100 MW, gấp hai lần công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Đấy là chưa kể hàng trăm dự án được đăng ký ở cấp tỉnh. Ở một đất nước ba phần tư địa hình là đồi núi và thác ghềnh trên hàng nghìn dòng sông, tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ có lẽ còn lớn hơn nữa.
Có hai lý do cơ bản thúc đẩy làn sóng đầu tư ồ ạt vào dự án thủy điện vừa và nhỏ. Thứ nhất là về chính sách quốc gia và lợi ích kinh tế. Với nhu cầu điện lực tăng 15 - 17 phần trăm mỗi năm, dự thảo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, tỷ trọng công suất sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đến năm 2010 sẽ đạt năm phần trăm tổng năng lượng quốc gia.
Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét triển vọng đến năm 2025 (quy hoạch điện 4), đã được Thủ tướng phê duyệt, đề ra yêu cầu nâng tổng công suất các nguồn thủy điện nhỏ năng lượng tái tạo thêm khoảng 1.200 MW giai đoạn 2006 - 2010 và 1.250 MW giai đoạn 2011 - 2015.
Trong bối cảnh các địa điểm phát triển thủy điện lớn gần như đã cạn, các công trình thủy điện lớn chậm đi vào hoạt động, các dự án thủy điện đàn em được khuyến khích. Đã thế, lĩnh vực này mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Chủ đầu tư có thể thu hồi vốn và lãi suất vốn vay sau 7 - 10 năm công trình đi vào hoạt động. Cả chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều thấy có lợi nên các tỉnh đua nhau khảo sát tiềm năng, lập dự án và cấp phép đầu tư.
Khắp nơi, từng con sông, con suối, được tìm hiểu triệt để. Lấy ví dụ ở Trà My, một trong bốn huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam và rộng gần gấp đôi diện tích Hà Nội cũ (1.750 km2 so với hơn 900 km2).
Tại đó, người ta khảo sát từng suối nhánh của hai con sông chính là Tranh và Tràm. Chẳng hạn, suối Nước Xa được xác định có khả năng phát điện 400 KW; suối Nước Là và Nước Win, mỗi suối có tiềm năng 600 KW; hay suối Nước Oa có tiềm năng phát điện 1.200 KW, v.v…
Tỉnh Đăk Nông ra hẳn chính sách khuyến khích và nhanh chóng xây dựng được hơn 60 dự án với tổng công suất hơn 200 MW và vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Kon Tum láng giềng cũng kịp quy hoạch 54 dự án với tổng công suất 138 MW. Ngành ngành, người người làm thủy điện. Đi đến địa phương nào, hầu như đều thấy bóng dáng các đại gia. Họ có thể là bất cứ ai, từ doanh nghiệp đến tổ chức nghiên cứu.
Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đơn vị nghiên cứu khoa học tự nhiên lớn nhất Việt Nam, cũng có dự án làm thủy điện nhỏ dưới danh nghĩa chuyển giao công nghệ cho địa phương.
Dự án sản xuất thử nghiệm “Giải pháp công nghệ thủy điện mùa mưa tăng công suất trạm thủy điện Trà My tỉnh Quảng Nam” được thiết lập từ năm 2000 để giúp địa phương tận dụng nguồn nước thừa vào mùa mưa. Dự án được thực hiện ở trạm thủy điện Trà My đã có từ trước trên suối Nước Oa.
Trạm Trà My cũ có hai tổ máy, mỗi tổ máy công suất 250 KW. Trạm mới của nhà khoa học mang tên Trà My II có công suất 1.200 KW. Nếu tận dụng nước thừa mùa mưa hiệu quả, có thể nhân rộng ra rất nhiều nơi khác. Và thực tế đã kịp chứng minh, chỉ tận dụng nước thừa vào mùa mưa thôi, từ tháng 9 đến tháng 12, cũng đã có lãi.
Tính toán cho thấy, đầu tư năm tỷ đồng, sau năm năm, có thể thu hồi vốn, và sau 15 năm, có thể chuyển giao toàn bộ nhà máy cho địa phương. Đúng là nhất cử lưỡng tiện, nhà khoa học vừa hoàn thành nhiệm vụ đưa công nghệ về cơ sở vừa có cơ hội làm kinh tế.
Tương tự như vậy đối với địa phương. Xán lạn là thế, không khó cho các nhà khoa học gõ cửa quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ để vay 80 phần trăm vốn đầu tư ban đầu. Bản thân quỹ cũng được tiếng hỗ trợ cho triển khai hoạt động công nghệ thay vì tiền có mà không làm gì, lại còn bị phê bình.
Đúng như dự đoán, theo TS Phạm Khắc Huy, chủ nhiệm dự án, ngay từ năm vận hành đầu tiên, năm 2004, đã đạt doanh thu hơn bốn tỷ đồng. Doanh thu có thể còn cao hơn nếu không nảy sinh mâu thuẫn với địa phương (chỉ vì sự phá vỡ cam kết của địa phương và còn là biểu hiện một loại mâu thuẫn mới thời biến đổi khí hậu mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau). Thu hồi vốn đầu tư sẽ nhanh hơn nếu không có hiện tượng tham ô ngay trong nội bộ đơn vị khoa học có trụ sở ở Hà Nội và đến giờ vẫn chưa xử lý.
Lý do thứ hai, có lẽ không mấy được để ý đến, là đối phó với biến đổi khí hậu. Thủy điện được xem là giải pháp hiệu quả giúp giám phát thải khí carbon dioxide (CO2), do giảm sử dụng nguyên liệu địa khai như dầu hỏa, than đá, để vận hành nhà máy nhiệt điện.
Theo Nghị định thư Kyoto năm 1997 về giảm phát thải khí nhà kính trong đó chủ yếu là khí CO2, các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tận dụng nguồn viện trợ không hoàn lại từ các nước phát triển để xây dựng các nhà máy thủy điện thông qua một phương thức gọi là Cơ chế Phát triển Sạch (CDM).
Dựa vào CDM, doanh nghiệp có thể xây dựng dự án, tính toán công suất phát điện, quy đổi ra lượng CO2 phát thải tiết kiệm được, rồi đưa lên một ủy ban quốc gia và quốc tế về CDM xem xét. Nếu được chấp nhận, doanh nghiệp sẽ được cấp cái gọi là tín dụng carbon và tín dụng đó có thể mua bán được trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp có thể thu hồi vốn từ cách này.
Chẳng hạn, với dự án công nghệ thủy điện mùa mưa Trà My nêu trên, nâng công suất phát điện lên thêm 1,2 MW trên suối Nước Oa có thể giúp giảm lượng phát thải là 7.780 tấn CO2/năm hoặc 116.700 tấn CO2 sau 15 năm vận hành.
Tính theo thời giá thế giới, mỗi chứng chỉ phát thải là 18 euro cho mỗi tấn CO2. Vị chi, mỗi năm, dự án nhỏ có thể giúp nhà đầu tư thu 140.040 euro, tương đương 3,36 tỷ đồng ta, từ CDM. Tiến độ thu hồi vốn, vì thế còn nhanh hơn nữa nếu xây dựng được dự án CDM.
Một doanh nghiệp nhận xét đây có lẽ là một trong những hiện tượng kinh doanh mới nhất ở nước ta đầu thế Kỷ XXI, kiểu kinh doanh thời biến đổi khí hậu.
-------------------
Còn nữa