Nhà văn Đỗ Chu nói vui, nhìn quanh quẩn hội trường chả thấy khuôn mặt nào dịch được một cuốn sách văn học đỉnh cao của Trung Quốc. Chúng ta đang đọc những sản phẩm thương mại.
Nhà văn Hà Phạm Phú đồng thuận: Nhiều tác giả thiên về sắc dục như Vệ Tuệ, Cửu Đan được dịch rất nhanh, còn tác giả lớn thì không thấy. Ông Đàm Dực - đại diện Phòng văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại VN nhìn nhận khác: Ngày càng nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của Trung Quốc được giới thiệu tại VN.
Tuy nhiên, Đỗ Chu cho rằng ông biết tới con người và văn hóa Trung Quốc nhờ bản dịch của Trần Đình Hiến, Phạm Tú Châu. Văn học Trung Hoa ảnh hưởng tới nhiều người, đến nỗi nhà văn Ông Văn Tùng nói, không khí Nho học bao bọc suốt tuổi thơ ông.
Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh cũng thừa nhận, lịch sử đã chứng minh không nền văn học nào ảnh hưởng sâu đậm, lâu dài ở VN như Trung Quốc.
Ông Hà Phạm Phú cho rằng văn học Trung Quốc nhiều khởi sắc nhưng chưa có đỉnh cao. Như Cao Hành Kiện đoạt Nobel nhờ Linh Sơn, nhưng tiên sinh Cao sống ở Pháp, và khi đoạt giải, người Trung Quốc cũng bất phục.
Ông Phú cảnh báo thực trạng: Trong khi văn học Lào và Campuchia vẫn có sách dịch ra tiếng Hoa thì VN lại không. Một người quen của ông Phú ở Tân Hoa thư điếm đóng tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam - tra cứu mỏi mắt mà tịnh không có cuốn sách nào của VN dịch ra tiếng Trung. Theo trí nhớ của ông Phú, hình như Ông cố vấn của Hữu Mai được Trung Quốc dịch.
Dịch giả Thúy Toàn nói, văn học hai nước đã có nhiều cuộc tiếp kiến thú vị. Văn giới VN từng đón tiếp nhà văn Kim Tiến Phạm, nhà văn Vương Mông, các nhà văn trẻ. Lịch sử đối ngoại của văn học VN cũng như việc giới thiệu văn học VN ra nước ngoài từng có những trang rất đẹp.